Mục tiêu "lấy người bệnh làm trung tâm" còn mờ nhạt trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Nhấn mạnh mục tiêu sửa đổi của Luật khám bệnh, chữa bệnh lần này là “Lấy người bệnh làm trung tâm”, tuy nhiên dự thảo chỉ mới đề cập đến mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề tập trung ở một số quy định. Trong khi các quy định này vừa thiếu, vừa chung chung, chưa có các cơ chế cụ thể để bảo đảm người bệnh thực hiện được các quyền của mình.

Do vậy trong phiên thảo luận sáng 13/6, các Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để có những quy định cụ thể hơn, đảm bảo người dân thực sự được thuận lợi khi tham gia khám, chữa bệnh.

Nêu một thực tế là nhiều trường hợp người bệnh phải chịu thiệt thòi khi đi khám bệnh, phải chi trả rất nhiều tiền cho các xét nghiệm không cần thiết; không được giải thích rõ ràng về kết quả khám, chữa bệnh, thậm chí là không được giải thích khi xảy ra sai sót trong khám, chữa bệnh. Đại biểu cho biết, một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng trên là do chúng ta chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám, chữa bệnh. Người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức của người hành nghề khám, chữa bệnh. 

Ông HOÀNG MINH HIẾU, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: “Tôi kiến nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục tổng kết kỹ thực tiễn để bổ sung đầy đủ các quy định về mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề khám, chữa bệnh với tính chất là mối quan hệ uỷ thác giữa người bệnh và người hành nghề khám, chữa bệnh. Theo đó, dự thảo luật cần khẳng định, trong mối quan hệ này, người hành nghề khám, chữa bệnh phải thực hiện công việc khám, chữa bệnh vì lợi ích tối đa của người bệnh. Cụ thể, để làm rõ mối quan hệ uỷ thác này, dự thảo luật cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh dưới 3 góc độ: một là: trách nhiệm trong việc khám, chữa bệnh; hai là trách nhiệm bảo mật thông tin của người bệnh và ba là, trách nhiệm tránh xung đột lợi ích.”

Chung mối quan tâm, ý kiến khác cũng chỉ ra, quy định về quyền của người bệnh tại Điều 8 còn điểm chưa hợp lý.

Bà ĐẶNG THỊ BẢO TRINH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: “Quy định tại Điều 8 người bệnh có quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế. Theo đó, tại Khoản 3 quy định quyền của người bệnh được quyền tiếp cận các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cơ bản bao gồm cả thuốc quy định này là không phù hợp. Người bệnh có quyền tiếp cận tất cả các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với điều kiện của từng người. Do vậy, đề nghị nên quy định người bệnh được tiếp cận toàn bộ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và bỏ cụm từ “cơ bản” tại Khoản 3 điều này.”

Kinh nghiệm từ các quốc gia khác cũng cho thấy, trách nhiệm khám, chữa bệnh là nội dung được pháp luật ở các nước rất quan tâm. Một số nước còn quy định rất cụ thể nội dung trách nhiệm vào từng thời điểm trong quá trình khám, chữa bệnh mà các bác sỹ cần phải thực hiện đối với bệnh nhân. Để tránh xung đột lợi ích, người hành nghề khám, chữa bệnh cần phải công khai những mối quan hệ lợi ích của mình với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác khám, chữa bệnh như các công ty dược phẩm, các đơn vị thực hiện các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán, các cơ sở nghiên cứu y học … để được giám sát trong quá trình hành nghề.