Mục tiêu một triệu căn nhà ở xã hội, liệu có khả thi?

Trong khi Chính phủ thành lập đề án đầu tư xây dựng ít nhất khoảng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2030, xây dựng chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, thì vẫn còn có những doanh nghiệp làm nhà ở xã hội đang phải chờ đợi cấp phép chủ trương đầu tư dự án hàng năm trời.

CHẬM TRỄ TRONG CẤP PHÉP CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI

Cuối tháng 4 năm 2022, thị trường bất động sản phân khúc nhà ở xã hội nhận được nhiều sự quan tâm và đón đợi của người mua nhà khi doanh nghiệp này cho ra mắt căn hộ mẫu nhà ở xã hội. Dự án với các căn hộ có diện tích từ 30 đến 70m2 được bán với giá 18 triệu đồng/m2. Đây được cho là mức giá lý tưởng với người mua nhà tại Hà Nội hiện nay.

Còn đây chính là khu đất chủ đầu tư dành cho việc xây dựng nhà ở xã hội với các căn hộ được xây dựng như căn hộ mẫu đã ra mắt.

Trong khi nhiều chủ đầu tư không mặn mà với làm nhà ở xã hội do thủ tục kéo dài, lợi nhuận thấp, khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thì doanh nghiệp này vẫn kiên trì với làm nhà ở xã hội. Lý giải về việc này, đại diện doanh nghiệp chia sẻ, công ty với hàng nghìn công nhân cần có công ăn việc làm. Nhà ở xã hội tuy giá thấp, lợi nhuận không quá 10% nhưng do nhà nước phân phối, làm đến đâu hết đến đó nên cũng rất hiệu quả.

Năm 2022, cả nước có gần 700 dự án thì dự án nhà ở xã hội chỉ có 150. Trong tổng hơn 300 nghìn căn hộ thì nhà ở xã hội chỉ có gần 20 nghìn căn. Nếu không có giải pháp thúc đẩy nguồn cung với doanh nghiệp xây dựng phân khúc này thì khó có đủ nguồn cung đang thiếu hụt trầm trọng, đồng thời góp phần thúc đẩy nguồn vốn cho thị trường bất động sản. 

NGUỒN VỐN CHO PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI

Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đã được Chính phủ đưa ra trong nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững vừa ban hành. Theo đó, Chính phủ vừa quyết định giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.

Theo Bộ Xây dựng, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ này đã đề xuất dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỉ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2016).

Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất một gói tín dụng 120.000 tỉ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội.

Vì vậy, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tạm dừng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỉ đồng để cùng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói 120.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội.

Cách đây 10 năm, gói tín dụng trị giá 30 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội được đánh giá là hiệu quả, đáp ứng nhu cầu giúp cho thị trường bất động sản phục hồi. Vì vậy, gói tín dụng lần này với trị giá gấp hơn 4 lần được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản.

Bộ Xây dựng cho biết gói tín dụng 120.000 tỉ đồng tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030, để hỗ trợ cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay vốn với lãi suất thấp.

MỤC TIÊU 1 TRIỆU CĂN NHÀ Ở XÃ HỘI CÓ KHẢ THI?

Thị trường nhà ở xã hội đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng. Chính phủ đã lập đề án đầu tư xây dựng ít nhất khoảng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2030, nghĩa là còn 7 năm nữa. Nhưng nếu không có chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay thì không dễ dàng để đạt được mục tiêu này. 

1 triệu căn hộ nhà ở xã hội - nhiều chuyên gia đồng tình với mục tiêu này trong bối cảnh thị trường bất động sản giá cao và nhu cầu của người dân về nguồn cung căn hộ này đang rất lớn. Tuy nhiên, việc thực hiện được mục tiêu đặt ra trong bối cảnh hiện nay được cho là không dễ.

Nhiều ý kiến chỉ ra những vướng mắc tồn tại lâu nay khiến các doanh nghiệp không mặn mà với thị trường này.

Đồng thời, cũng có nhiều ý kiến đề ra những giải pháp để phát triển nhà ở xã hội, thu hút doanh nghiệp và tăng nguồn cung ra thị trường.

Theo thống kê, cả nước mới có 7,79 triệu m2 nhà ở xã hội trong khi yêu cầu là 12,5 triệu m2. Quỹ đất dành cho NƠXH chỉ đáp ứng 36,31% nhu cầu.

Chỉ khi những khó khăn rõ ràng trước mắt được tháo gỡ thì mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội mới khả thi. Và trong chuỗi ngày khó khăn của thị trường bất động sản giai đoạn 2022-2023, nhà ở xã hội đang được kỳ vọng là điểm sáng để có thể lan tỏa phục hồi cho thị trường.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thực hiện : Hằng Nga - Đào Nghĩa - Hoàng Minh