Năm 2022, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% là khả thi

Năm 2021 đầy biến động vừa khép lại với nhiều sự kiện và dấu ấn đáng nhớ. Một năm có nhiều khó khăn với kinh tế Việt Nam song cũng là năm khẳng định bản lĩnh và khả năng chống chịu, sức sáng tạo Việt Nam trong chủ động, linh hoạt thích ứng, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội trong bối cảnh bình thường mới.

2021 là một năm "buồn" với các doanh nghiệp Việt Nam. Tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa cao kỷ lục. Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có những doanh nghiệp mạnh dạn “vượt bão”. Đăng ký kinh doanh vào thời điểm dịch bệnh phức tạp là một quyết định can đảm, và để giữ được thị trường, doanh nghiệp này đã chọn cách liên lạc thường xuyên với đối tác nhập khẩu và cập nhật về tiến độ chống dịch, kế hoạch giao hàng theo lộ trình để để đối tác yên tâm.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Pavana : Dịch COVID-19 nó là khó khăn chung và phải tìm cách vượt qua. Một trong những cách chúng tôi lựa chọn đó là làm việc chặt chẽ với đối tác nước ngoài, thường xuyên cập nhật với họ việc giao hàng để họ ưu tiên đơn hàng cho mình. Còn đứng về phía góc độ doanh nghiệp thì chúng tôi mong các cái khâu hải quan thông quan sẽ đơn giản hơn, rút ngắn thời gian xử lý đơn hàng tại các kho xử lý của hải quan. 

Phóng viên Thùy Trang : "So với tháng 8 và tháng 9/2021, thời điểm dịch bệnh phức tạp nhất, thì số doanh nghiệp đăng ký mới trong tháng 12/2021 đã tăng hơn 100%, số vốn tăng tới gần 150%. Con số này cho thấy sự phục hồi khá tích cực của nền kinh tế.  Tuy nhien, quá trình thích ứng của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới sẽ mất nhiều thời gian. Vì vậy, các doanh nghiệp đều mong mỏi, các cơ chế chính sách hỗ trợ cần phải có sự ổn định và phù hợp”.

Bất chấp những khó khăn do làn sóng mới của đại dịch Covid 19 trong quý 2 và quý 3, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cả năm 2021 là 2,58%, cao hơn so với mức dự báo của Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển Châu Á đưa ra mới đây. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng kiểm soát tốt chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) ở mức 1,84%, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. 

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư :" Mặc dù không cao bằng năm 2020 nhưng vẫn giữ được sự tích cực trong bối cảnh dịch Covid tác động mạnh mẽ. … Dự kiến, kinh tế có thể đạt được mức tăng trưởng 6-6,5%."

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam trở thành nước xuất siêu 6 năm liên tiếp. Đây là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong năm 2022.

Ông Andrew Jeffries - Giám đốc ADB Việt Nam: Xuất khẩu của Việt Nam đã có một bước ngoặt lớn đáng ghi nhận. Đặc biệt, năm 2022 khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu.

Tận dụng những lợi thế như xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng, ngay từ đầu năm 2022 cần sớm có một chương trình tổng thể phục hồi được thiết kế khoa học, sát với nhu cầu và điều kiện của các doanh nghiệp để có tính khả thi trong thực hiện.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế : “Chính phủ cần sớm ban hành chương trình phục hồi kinh tế, còn Quốc hội trong thẩm quyền của mình ra những nghị quyết, năm 2022 cần tổ chức thực thi các giải pháp một cách nhanh và toàn diện”.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam : “Năm 2022 là rất bất định dù chúng ta đang phục hồi nhưng biến chủng mới cũng khiến chúng ta gặp khó khăn. Vì vậy phải có gói hỗ trợ đủ lớn, đúng đối tượng…” 

Quốc hội giao mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 6- 6,5%. Một số kiến nghị nên hạ mục tiêu này, nhưng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là thể hiện quyết tâm của Chính phủ và đã tính đến yếu tố thuận lợi, khó khăn. Nếu kiểm soát tốt dịch bệnh và cải thiện cán cân cung-cầu, mục tiêu đưa tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam về mức 6-6,5% là hoàn toàn khả thi.