• 1377 lượt xem
  • 22:19 23/11/2022
  • Văn hóa

Muôn màu cuộc sống: Bài Chòi - Trò chơi dân gian "hóa" Di sản

Ở Quảng Nam, bài chòi là trò chơi dân gian mộc mạc, mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng dân cư. Và trên hết, bài chòi là ký ức văn hóa, lưu giữ bản sắc của người dân bản xứ. Với những giá trị văn hóa nghệ thuật và sức sống mạnh mẽ được cộng đồng cư dân miền Trung gìn giữ.

Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian xuất hiện cách đây khoảng 300 – 400 năm ở các tỉnh vùng Nam Trung Bộ. Để chơi bài chòi, người ta dựng 9 hoặc 11 cái chòi hình chữ V, chia thành 2 bên, mỗi bên 5 chòi, mỗi chòi cao độ 2-3m, rộng đủ vài ba người ngồi và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa, dành riêng cho các vị có chức tước hay có uy tín trong làng tham gia, cũng có thể dành cho cặp vợ chồng mới cưới.

Chơi bài chòi được diễn tả qua 4 tên gọi là chơi – đánh – hô – hát. Nhưng sân khấu bài chòi chỉ thực sự bắt đầu khi anh hiệu, chị hiệu cất tiếng hò Quảng, hay hô thai một bài lục bát hoặc song thất lục bát bằng chất giọng rặt phương ngữ. Cuộc chơi bài chòi có sinh động có rôm rả hay không còn phụ thuộc vào tài hô hát của anh hiệu, chị hiệu. Họ phải thuộc rất nhiều thơ, vè, ca dao, phải biết hát nam, hát khách, những làn điệu dân ca đặc trưng của những vùng miền xứ Quảng. Bởi vậy, cái hay của Bài chòi không chỉ là hồi hộp chờ đợi may mắn, mà còn là say mê trong những câu chuyện được kể qua từng lời hô hát.

Bài chòi đã thực sự bám rễ, ăn sâu vào tâm hồn, không gian sống của người dân các địa phương ở các tỉnh miền Trung, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và góp phần tạo nên cốt cách của con người Trung bộ: thẳng thắn, chân thành, giản dị, mạnh mẽ, lạc quan, mến khách. Khi Bài chòi được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể - đây là niềm tự hào chung của người Trung Bộ. Với thế mạnh về du lịch của mình, thành phố Hội An cũng đã có nhiều nỗ lực để góp thêm tiếng nói chung, giúp quảng bá nghệ thuật bài chòi, lan toả văn hoá bài chòi đến với những người bạn phương xa.

Những nỗ lực khôi phục, gìn giữ và phát triển Bài chòi vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục. Bởi bài chòi dù có trở thành di sản văn hoá thế giới thì vẫn phải giữ được bản chất là 1 trò chơi . Gìn giữ di sản, cũng chính là cách người dân miền Trung giữ gìn nét đẹp tinh thần của mình, tiếp tục cho nó bám rễ và phát triển bền bỉ trong đời sống văn hóa - tinh thần của người dân.

Mời quý vị theo dõi chương trình!

 

Mỹ Phượng - Lê Quang