• 1092 lượt xem
  • 06:01 01/02/2022
  • Xã hội

Muôn vẻ dạy và học online và những mảnh đời thầy cô sống mòn chờ qua dịch

Dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa thể kiểm soát, phương án học trực tuyến tiếp tục được áp dụng, đây là thách thức vô cùng lớn trước yêu cầu đảm bảo chất lượng dạy và học. Nhiều giáo viên đã chủ động tìm tòi, sáng tạo trong quá trình dạy học trực tuyến để học sinh hào hứng với tiết học từ đó việc tiếp nhận kiến thức mới của các em diễn ra nhẹ nhàng.

SÁNG TẠO ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC TRỰC TUYẾN

Phòng khách trở thành lớp học thu nhỏ. Cô trò chỉ giao tiếp với nhau qua màn hình máy tính. Tuy nhiên không vì thế mà tiết toán của cô giáo Nguyễn Thị Thúy Vân- Trường tiểu học An Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội kém sôi nổi.

Cô Nguyễn Thị Thúy Vân - Giáo viên chủ nhiệm lớp 4A2, Trường tiểu học An Hưng, quận Hà Đông, TP. Hà Nội: “Không thể khó khăn mà lùi bước, chúng ta không được phép buông tay, cả nước đang gồng mình chống dịch ngành giáo dục không lẽ nào lại buông tay, chúng ta còn cả một thế hệ tương lai của đất nước đang chờ các thầy các cô. Nghĩ vậy nên tôi rất là trăn trở và suy nghĩ làm sao để tiết học online của mình trở nên nhẹ nhàng hiệu quả. Chính vì vậy tôi cho rằng nếu sử dụng phần mềm zoom giống như những năm học trước thì không hiệu quả, thế nên chúng tôi đã tìm tòi kết hợp một lúc nhiều phần mềm để tiết học hiệu quả hơn.”

Không chỉ linh hoạt trong việc ứng dụng kiến thức công nghệ thông tin để xây dựng giáo án online, lồng ghép thêm các trò chơi hiện đại, hấp dẫn qua hình ảnh, xây dựng video minh họa cho bài giảng để tạo sự sinh động, cuốn hút học sinh, nhiều giáo viên các lớp 1 và 2 còn linh động chuyển giờ dạy sang buổi tối để tạo điều kiện cho phụ huynh có thời gian hỗ trợ con em mình trong suốt quá trình học.

Cô Đỗ Hồng Phúc - Giáo viên chủ nhiệm lớp 2C, Trường TH Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội: Việc dạy học online tốt nhất nên diễn ra vào buổi sáng vì tinh thần của các em tỉnh táo tuy nhiên do học sinh lớp tôi còn bé, không phải gia đình nào cũng trang bị cho con được máy tính cá nhân để con tự học mà phải sử dụng chung với điện thoại của bố mẹ chính vì vậy mà chúng tôi bắt buộc phải dạy vào buổi tối…..”

Chính sự linh hoạt, sáng tạo nên giờ học trực tuyến của của cô Vân và Cô Phúc trở nên sinh động, gần gũi, các học sinh tập trung hơn trong giờ học, việc tiếp thu kiến thức mới vì thế cũng dễ dàng hơn với các em học sinh.

--

GIÁO VIÊN MẦM NON “SỐNG MÒN” CHỜ QUA DỊCH

Hai năm khăn gói từ quê lên Hà Nội để đi dạy nhưng mất gần 1 năm, cô giáo mầm non Phạm Thị Nga (quê ở Nam Định) phải sống trong cảnh thất nghiệp do các đợt dịch kéo dài, trường học phải đóng cửa. Trong thời gian đợi trường học mở lại, chị phải đi làm đủ thứ nghề ( từ ship hàng, phụ quán cơm…) thế nhưng vẫn không đủ để lo tiền trọ, tiền sinh hoạt, tiền bỉm sữa cho con...!

Cô giáo Phạm Thị Nga - Trường Mầm non Tú Chi, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội: Như công việc đi ship hàng của tôi thì mỗi đơn hàng được 20 nghìn đồng thôi, còn đi phụ quán cơm thì buổi trưa họ trả được 50 nghìn… tính ra thì khoảng 150k đổ lại, ăn uống gộp lại rồi con cái, nhà trọ ở đây nữa thì chắc còn hơn 150 nghìn ấy...

Dù mới sinh con được mấy tháng, nhưng ngay sau khi hết giãn cách cô giáo Nguyễn Thị Thuỳ đã phải lăn lộn làm mọi thứ để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống.  Ngày nào cũng vậy, từ sáng đến khuya, hai mẹ con chị cũng ngồi ở đây, hôm bán rau, hôm bán hoa quả. Nhưng đồng tiền lãi thu về chẳng đáng là bao. Hơn 10 năm theo nghề và mở trường, 2 năm dịch bệnh ập đến đã làm gia đình chị điêu đứng, kiệt quệ. Không chỉ không có lương, chị Thuỳ còn đang phải “cõng” một số nợ lớn vì phải trả tiền thuê mặt bằng trường và các khoản phụ chi khác. 

Cô giáo Nguyễn Thị Thuỳ - Hiệu trưởng Trường mầm non Ong Việt, Quận Hà Đông, thành phố Hà Nội: Tôi không nghĩ các cô giáo đứng trước tình trạng thất nghiệp lâu như hiện giờ. Như mình mới sinh con xong thì nhiều lúc thấy thương con mình, nghĩ mình kém với bạn bè, tủi thân, nhiều đêm không ngủ được.. theo nghề bao năm rồi, bây giờ mà nghỉ nghĩ nó đau lắm. Không biết cứ tình trạng như thế này thì mình duy trì được trường lớp được đến bao giờ...

Dù yêu nghề và mong muốn được gắn bó lâu dài với nghề, nhưng không ít người đành phải “gác” lại trang giáo án, tìm đến một công việc khác. Các cô giáo mầm non vẫn đang mong ngóng từng ngày dịch qua đi, trường học được mở cửa trở lại, để có việc làm, để hết cảnh “sống mòn” chờ qua dịch. Bởi ngoài yêu nghề, đằng sau họ còn là cả gia đình và những đứa con thơ phải chăm sóc...!