Mỹ sẽ làm gì để ứng phó với biến đổi khí hậu?

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố một loạt biện pháp mới, nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết tiếp tục đẩy mạnh các kế hoạch khí hậu của chính phủ, vốn đang gặp trở ngại ở Quốc hội và Tòa án Tối cao. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh một đợt nắng nóng lịch sử đang hoành hành tại Mỹ và châu Âu, ảnh hưởng đến hàng triệu người.

Trong bài phát biểu nhân chuyến thăm Massachusetts, Tổng thống Biden đã gọi biến đổi khí hậu là mối đe dọa hiện hữu và hiển nhiên đối với Mỹ và thế giới. Ông cho rằng đây là một trường hợp khẩn cấp và nước Mỹ cần phải hành động nhanh chóng.

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: “Thời tiết khắc nghiệt làm gián đoạn chuỗi cung ứng, gây ra sự chậm trễ và thiếu hụt cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Biến đổi khí hậu thực sự là một mối đe dọa hiện hữu đối với Mỹ và thế giới. Với tư cách là tổng thống, tôi sẽ sử dụng quyền hành pháp của mình để chống lại biến đổi khí hậu, khủng hoảng khí hậu. Trong những ngày tới, chính quyền của tôi sẽ công bố các hành động để chống lại tình trạng khẩn cấp này”.

Theo ông Biden, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang sẽ đầu tư 2,3 tỷ USD để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm ứng phó với các thiên tai tại các địa phương. Nguồn kinh phí này cũng có thể giúp mở rộng kiểm soát lũ lụt, nâng cấp các tiện ích, trang bị thêm các tòa nhà và giúp các gia đình có thu nhập thấp thanh toán chi phí sưởi ấm và làm mát.

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: "Hiện tại, có hàng triệu người đang phải hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt. Vì vậy, chúng tôi cũng đang làm việc với các bang để triển khai 385 triệu đô la ngay bây giờ. Lần đầu tiên, các bang sẽ có thể sử dụng quỹ liên bang để chi trả việc mua máy điều hòa nhiệt độ trong gia đình, thiết lập các trung tâm làm mát cộng đồng ở các trường học, nơi mọi người trú tránh để vượt qua đợt nắng nóng khắc nghiệt này”.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden đã cam kết sẽ có hành động cứng rắn đối với biến đổi khí hậu đồng thời thúc đẩy các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu về việc cắt giảm 50% khí gây ô nhiễm môi trường vào năm 2030 và tiến tới sử dụng 100% năng lượng sạch vào năm 2035. Tuy nhiên, những kế hoạch khí hậu của ông Biden dường như không đi đúng hướng do một số trở ngại lớn từ Quốc hội và Tòa án tối cao. 

Đinh Giang