Mỹ xem xét dỡ bỏ thuế quan nhằm vào Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo về việc xem xét bãi bỏ một số loại thuế áp với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm kìm hãm đà tăng của lạm phát. Tuy nhiên, điều này đang vấp phải các phản ứng trái chiều từ phía các chính trị gia và các nhà phân tích. Đây cũng là nội dung được đăng tải trên nhiều tờ báo lớn.

Với tiêu đề “Lạm phát tại Mỹ: Liệu dỡ bỏ thuế quan nhằm vào Trung Quốc có phải là “phương thuốc chữa trị”?”, bài viết trên báo Nikkei Asia cho hay, nhiều nhà kinh tế và doanh nghiệp đã thúc giục Tổng thống Biden cắt giảm thuế quan thương mại nhằm hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ. Nhà kinh tế học Shang-jin Wei tại Đại học Columbia khẳng định điều này “giúp giảm chi phí sản xuất cho các công ty tại Mỹ và chi phí sinh hoạt cho các hộ gia đình”. Nhưng ông cũng đặt ra câu hỏi liệu rằng nó có trở thành một vấn đề mang tính chính trị hay không, khi nhiều chính trị gia cáo buộc Tổng thống Biden đang tỏ ra “mềm mỏng” với Trung Quốc. Mặt khác, có chuyên gia lại cho rằng việc giảm thuế quan “có thể có tác động trong ngắn hạn” nhưng tác động của nó như thế nào thì chưa rõ. Nhiều chính trị gia cũng kêu gọi không dỡ bỏ thuế quan, bởi một số loại thuế đang hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước.

“Lạm phát không phải là lý do duy nhất cho việc dỡ bỏ thuế quan nhằm vào Trung Quốc của Tổng thống Biden”. Đây là tiêu đề một bài viết được hãng tin Bloomberg đăng tải. Tác giả cho hay, chính sách thương mại của Mỹ, cụ thể là việc áp thuế quan lên các mặt hàng của Trung Quốc, đã làm gia tăng sự ủng hộ đối với chủ nghĩa bảo hộ của người dân nước này, thay vì thúc đẩy Trung Quốc tự do hoá thương mại. Do vậy, việc dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan không chỉ có tác động tới lạm phát, mà cũng giúp làm giảm tâm lý bảo hộ ở Trung Quốc. Bài viết nhận định rằng, chính quyền của Tổng thống Biden có thể đặt ra một thời hạn để cắt giảm thuế, dỡ bỏ dần các hạn chế. Lựa chọn này vẫn có thể dẫn tới cùng một kết quả, nhưng sẽ cần một khoảng thời gian dài hơn.   

Ngọc Anh