Năm 2023, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào?

Chiều 12/09, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2022 và kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước.

Theo Báo cáo, đến ngày 31/8, Kiểm toán Nhà nước đã phát hành chính thức 162 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính hơn 22.000 tỉ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 102 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý. Ngoài ra, đã chuyển hồ sơ 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra.

Trong năm 2023, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung về những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Dự kiến kiểm toán 25 chuyên đề, trong đó bao gồm các chuyên đề liên quan đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết 43 của Quốc hội và nghị quyết số 01 của Chính phủ nhằm đánh giá việc triển khai, thực hiện các chính sách của Nhà nước trong phục hồi và phát triển kinh tế.

Cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý cân nhắc việc lựa chọn kiểm toán một số công trình, dự án chưa khởi công mới hoặc bắt đầu triển khai dự án đang dở dang, ít khối lượng hoàn thành, tránh phải điều chỉnh hoặc giảm kế hoạch do chưa có khối lượng thực hiện để nâng cao hiệu quả, hiệu lực kiểm toán.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục đổi mới phương pháp tổ chức kiểm toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cân đối lực lượng, thời gian để phục vụ hiệu quả nhất cho việc phê chuẩn quyết toán của HĐND các tỉnh, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Bố trí hợp lý các đoàn kiểm toán, nhất là tại các địa phương, các bộ có nhiều đoàn kiểm toán để bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo; thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng ngay trong lực lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Nguyễn Duyên