Nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND: Tăng tranh luận, chất vấn, lựa chọn nội dung là khâu then chốt

Sáng 23/4, tại tỉnh Ninh Bình, Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 – 2026 với chủ đề Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND cấp tỉnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có đại diện HĐND các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định Thái Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và 1 số tỉnh ngoài khu vực.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, để đổi mới, nâng cao chất lượng Kỳ họp của HĐND - hình thức hoạt động quan trọng nhất của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, các đại biểu cần tập trung thảo luận, phân tích vào các vấn đề cốt lõi tạo nên thành công của kỳ họp như bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy đối với hoạt động của HĐND; vai trò của Thường trực Hội đồng nhân dân; việc tổ chức thực hiện; vai trò của đại biểu, các ban HĐND; nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết kỳ họp, làm rõ những hạn chế, bất cập, những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo, đột phá và đề xuất các giải pháp từ thực tiễn và kinh nghiệm hoạt động của các địa phương.

Theo đó, các đại biểu thống nhất cho rằng, để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND thì phải nghiên cứu, đổi mới và nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND với các công việc, từ chuẩn bị kỳ họp, xây dựng nội dung chương trình, tổ chức thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo các nghị quyết cho đến việc điều hành thảo luận, chất vấn tại kỳ họp, tuyên truyền các hoạt động của kỳ họp… 

Các kỳ họp cũng cần tổ chức khoa học, linh hoạt, chủ động, rút ngắn thời gian trình bày các báo cáo tại kỳ họp, dành nhiều thời gian cho thảo luận, tranh luận; chất vấn, tái chất vấn ngắn gọn, rõ nét, đúng và trúng vấn đề, kỹ năng điều hành kỳ họp sẽ phản ánh chất lượng kỳ họp cũng như phát huy vai trò của đại biểu dân cử.

Đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm cao hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ, nhưng để hoạt động của các kỳ họp HĐND ngày càng đạt kết quả cao, đáp ứng kỳ vọng của cử tri, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị HĐND các tỉnh cần lựa chọn nội dung, chương trình, chuẩn bị các báo cáo thẩm tra, coi đó là khâu then chốt, quan trọng.

Nội dung trình HĐND xem xét, quyết định phải giải quyết những vấn đề cử tri và dư luận quan tâm. HĐND cấp tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trọng việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình, làm rõ những nội dung còn có ý kiến khác nhau. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội TRẦN THANH MẪN: “Chủ tọa kỳ họp phải linh hoạt, dân chủ; chỉ trình bày báo cáo tóm tắt tại kỳ họp để tiết kiệm thời gian. Người chất vấn và người được chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, đúng thẩm quyền, nêu được nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục. Mỗi vị đại biểu HĐND cần thường xuyên nghiên cứu, nâng cao trình độ, kỹ năng để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; thể hiện rõ quan điểm, chính kiến và đề xuất các giải pháp. Chú trọng tuyên truyền trước, trong và sau mỗi kỳ họp, nhất là các phiên thảo luận tại hội trường, cần tiếp tục duy trì hình thức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cán bộ, cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát.”

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nêu 6 nhóm nội dung đổi mới mà Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã và đang triển khai để HĐND các tỉnh, thành phố có thể tham khảo, vận dụng, đồng thời đề nghị HĐND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri; đôn đốc, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, cũng như tổ chức giám sát đối với 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022 đạt kết quả cao nhất.

Anh Tuấn