Nâng cao hơn nữa trách nhiệm và quyền được thể hiện chính kiến của các đại biểu Quốc hội

Sáng 8/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Đa số ý kiến đều khẳng định, việc ban hành Nội quy quy họp là cần thiết nhằm tiếp tục cải tiến cách thức, quy trình, thủ tục tiến hành kỳ họp, nâng cao chất lượng của các kỳ họp Quốc hội, đồng thời để Quốc hội thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ do luật định, đảm bảo hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, thực chất, hiệu lực và hiệu quả hơn, từng bước đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước. 

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị quyết trên cơ sở kế thừa, phát huy có hiệu quả những quy định còn phù hợp; nội quy hóa những vấn đề về cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, về quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm, nhằm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội.

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết, một số đại biểu nêu thực tế cử tri và Nhân dân có phản ánh về tình trạng đại biểu Quốc hội vắng mặt trong các phiên họp quan trọng, để khắc phục tình trạng này, đề nghị cần có quy định cụ thể để nâng cao hơn nữa kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Ông NGUYỄN TẠO, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: "Để nâng cao hơn nữa kỷ cương, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, đối với đại biểu Quốc hội kiêm nghiệm và chuyên trách, cần đưa vào Nghị quyết sửa đổi. Trường hợp không thể tham dự phiên họp dưới 1 ngày, ĐBQH có trách nhiệm báo với Trưởng đoàn đại biểu đồng thời báo với Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo với Chủ tịch Quốc hội".

Ông NGUYỄN VĂN HUY, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: "Về quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi vắng mặt tại phiên họp, theo Dự thảo, tại Khoản 2 quy định đại biểu có trách nhiệm báo cáo với Trưởng đoàn QH, đồng thời thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo với Chủ tịch Quốc hội quyết định. Theo tôi, nếu dưới 2 ngày thì giữ nguyên quy định".

Bên cạnh đó, đề nghị ban soạn thảo có biện pháp để đảm bảo đại biểu Quốc hội được thực thi nhiệm vụ, hoàn thành trách nhiệm đại biểu Quốc hội, trong đó đặc biệt là quyền được thể hiện chính kiến của mình.

Ông NGUYỄN ANH TRÍ, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: "Phát biểu của đại biểu có ý kiến chín, có ý kiến chưa chín, thậm chí là trái chiều, thậm chí là khác biệt, phải thấy đó là dân chủ, đó là cần thiết, quyết định vẫn là bấm nút cuối cùng, đừng vì những ý kiến chưa chin, chưa hay mà phản đối, phê phán bới móc. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cần có biện pháp để bảo vệ cho đại biểu Quốc hội."

Về chương trình của kỳ họp, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, giảm bớt thời gian trình bày bằng văn bản mỗi phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Ông DƯƠNG KHẮC MAI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: "Thời gian đọc các đề án, tờ trình, báo cáo bố trí thời gian hợp lý để Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua các quyết định bảo đảm để đại biểu Quốc hội có đầy đủ thông tin, có đủ thời gian để nghiên cứu, nắm chắc các vấn đề khi quyết định; tăng thời lượng thảo luận tại các phiên họp toàn thể, giảm thời lượng thảo luận tổ, nâng cao chất lượng thảo luận tổ; trong thảo luận khi một vấn đề có ý kiến trái chiều, đề nghị Chủ tọa kỳ họp bố trí thời gian để thảo luận chung trước khi xin ý kiến đại biểu nhằm làm sáng tỏ vấn đề hơn."

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát biên tập để tránh việc trùng lặp một số nội dung về trình tự điều hành của chủ tọa; bổ sung hoàn thiện quy định về bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ khi có sự thay đổi, điều chuyển trong công tác nhân sự.