Năng lực, trách nhiệm cán bộ là yếu tố để công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại hiệu quả

Xác định công tác tiếp công dân có mối quan hệ chặt chẽ, tương hỗ với công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, do đó cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác tiếp dân là một trong số những nội dung được các đại biểu cho ý kiến trong buổi giám sát thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo do Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh tổ chức sáng 03/3.

Theo các đại biểu, hiện nay công tác tiếp công dân tại nhiều đơn vị chưa được đầu tư đúng mức từ nhân lực tới cơ sở vật chất hạ tầng. Phòng tiếp công dân chật hẹp. Cán bộ tiếp dân chủ yếu là kiêm nhiệm và không đủ thầm quyền giải quyết các vụ việc được người dân khiếu nại tố cáo. 

Bà LÊ THỊ KIM YẾN, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh: “Khổ sở nhất cho cán bộ tiếp công dân đó là tôi tiếp nhưng cái việc giải quyết khiếu nại tố cáo không phải là tôi.

Do đó để việc tiếp công dân được hiệu quả, giúp giảm thiểu đơn thư khiếu nại tố cáo trong dân, nhất là tình trạng tố cáo, khiếu nại vượt cấp, các đại biểu cho rằng cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác tiếp dân, nhất là bố trí cán bộ chuyên trách có năng lực, trình độ, chuyên môn.

Bà PHẠM THỊ THU HÀ, Phó Chánh an Toà án nhân dân TP. HCM: “Khi xác định khiếu nại hay tố cáo, khiếu nại về hành vi của thẩm phán, thư ký hay là khiếu nại liên quan đến tố tụng thì cũng cần cán bộ ngồi xử lý đơn cần phải có một trình độ nhất định”. 

Thay mặt Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh ghi nhận ý kiến của các đại biểu; đồng thời, đề nghị các cơ quan cần có đề xuất thêm các giải pháp khắc phục những tồn tại trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thùy Vân