Nên có Hội đồng Y khoa quốc gia để đánh giá năng lực để cấp phép hành nghề

Theo nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã có nhiều bước tiến nhưng vẫn còn nhiều quy định chung chung. Do đó ban soạn thảo cần tiếp tục tổng kết để bổ sung thêm các quy định.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này cần phải nghiên cứu thêm các quy định ở luật liên quan khác. Nếu chưa có điểm chung dễ xảy ra kẽ hở và các quy định dễ chồng lên nhau.

Ông NGUYỄN ANH TRÍ, Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội: "Luật khám chữa bệnh ở bản dự thảo đã được sửa đổi nhiều, nhưng còn nhiều luật khác chưa được sửa, như Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng chống dịch phải nâng cấp lên tầm mới. Luật về giá về nhiều luật khác nữa, cần phải sửa đổi, nếu không sửa đổi thì còn nhiều khe hở".    

Liên quan tới việc Hội đồng Y khoa Quốc gia quyết định cấp giấy phép hành nghề sau 5 năm, nhiều ý kiến tán thành, nhưng bên cạnh đó không khỏi nghi ngại về khối lượng công việc mà hội đồng này phải thực thi. 

Ông THẠCH PHƯỚC BÌNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: “Cá nhân tôi ủng hộ nên có Hội đồng y khoa quốc gia, để đánh giá năng lực để cấp phép hành nghề. Nhiều nước trên thế giới đã có hội đồng này. Hội đồng này còn là đơn vị giải quyết điều tra liên quan tới bệnh nhân nếu có sai sót xảy ra. Đây là điểm mới và rất hiện đại”.

Ông ĐÀO CHÍ NGHĨA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ: “Qua quá trình nghiên cứu thì thấy rằng việc cấp giấy phép hành nghề là cần thiết trong giai đoạn tới. Thời gian 5 năm cũng phù hợp. Còn hiện nay, trong quá trình triển khai, Chính phủ sẽ có chỉ đạo chung, linh hoạt cho phù hợp với giai đoạn hiện nay”.

Đại biểu cũng lưu ý đến chính sách tự chủ trong lĩnh vực y tế nhưng các cơ sở y tế chưa được tự quyết định giá dịch vụ, định mức kinh tế kỹ thuật ban hành từ năm 2012 không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Hoàng Tùng