Nên giữ hay bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Chiều 8/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên làm việc của Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giá (sửa đổi). Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và so với lần trước, nhiều điều khoản của dự thảo luật đã được hoàn chỉnh về kỹ thuật lập pháp.

Hiện một trong những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật giá (sửa đổi) là việc giữ hay bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. 

Quỹ bình ổn giá hiện đã hoạt động được 13 năm. Đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước và nguồn hình thành được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả. Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu mở riêng tài khoản tại ngân hàng để hạch toán thu, chi liên quan đến quỹ này và có trách nhiệm công khai, minh bạch thu, chi từ quỹ. Một số ý kiến cho rằng do tác động bình ổn giá xăng dầu của Quỹ này vẫn còn mờ nhạt. Do đó, đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ này.

Ở chiều ngược lại, một số ý kiến cho rằng vẫn nên giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên, cần có cơ chế, điều kiện để quỹ này vận hành minh bạch hơn.

Giải trình các ý kiến đặt ra, đại diện Bộ Tài chính cho biết thời gian qua, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã hỗ trợ quá trình điều hành giá không bị shock khi giá xăng dầu thế giới biến động quá nhanh. Việc công khai minh bạch quỹ này cũng được thực hiện theo hình thức yêu cầu các doanh nghiệp công khai kiểm toán theo hàng quý.

Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh nguyên tắc mọi ý kiến góp ý luật đều phải được tổng hợp để tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ; việc tiếp thu hoặc giải trình phải có lý luận, giải thích rõ ràng, thuyết phục.

Đối với các nội dung có ý kiến khác nhau về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá và Quỹ bình ổn giá, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn, ưu nhược điểm, tính phù hợp với đặc thù tại Việt Nam đối với của từng loại ý kiến, để xin ý kiến tại Hội nghị chuyên trách và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình! 

Thanh Nga