Nga tuyên bố không bán dầu theo giá trần của EU

Sự chần chừ của phương Tây cho thấy một mặt, các nước muốn đánh mạnh vào nguồn thu của Nga từ xuất khẩu dầu, nhưng mặt khác, vẫn muốn nguồn dầu Nga chảy vào thị trường thế giới, giữ cho thị trường không rơi vào tình trạng khủng hoảng khan hiếm. Đáp lại động thái của EU và G7, Nga đã đưa ra tuyên bố cứng rắn, cho biết sẽ không bán dầu với mức giá trần 60 USD/thùng.

Phát biểu trên truyền hình Nga ngày hôm qua, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Nga sẽ bán dầu thô và các sản phẩm dầu cho các quốc gia làm việc với Nga theo các điều kiện thị trường.

Nga cho rằng việc áp giá trần đối với dầu mỏ Nga là biện pháp không hiệu quả, mang tính phi thị trường và đi ngược lại tất cả các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiện Chính phủ Nga đang xem xét cơ chế cấm buôn bán dầu mỏ trong điều kiện bị áp giá trần.

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN: “Nếu giá dầu từ Nga hoặc các quốc gia khác bị hạn chế và giới hạn giá trần được đưa ra, chắc chắn sẽ làm xấu đi môi trường đầu tư trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu, và sau đó sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng khiến giá tăng lên, ảnh hưởng lớn đến những quốc gia nghèo nhất.”

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nếu Nga cắt giảm sản lượng lớn để đáp trả việc áp đặt giá trần quá thấp, điều này có thể sẽ gây sốc cho thị trường.

Nhưng Mỹ và các đồng minh tin rằng để có nguồn thu và duy trì nền kinh tế, Nga buộc phải tiếp tục bán dầu ra thị trường.

Trong khi đó, trong cuộc họp vào hôm qua, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh (còn gọi là OPEC+) đã quyết định giữ nguyên sản lượng dầu thắt chặt như hiện nay, sau khi đã cắt giảm 2 triệu thùng/ngày vào tháng trước.

Các nhà phân tích nhận định quyết định của OPEC+ đã nằm trong dự đoán của thị trường, khi các nhà sản xuất dầu lớn đều đang chờ đợi tác động của lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) và chính sách áp giá trần 60 USD/thùng của G7 đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga.

Kim Ngọc