Ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách

Hôm nay 5/8, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”.

Thay mặt Đảng Đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Ban soạn thảo Dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật - đã tham dự và chủ trì hội thảo.  Đồng chủ trì hội thảo có Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga - Phó Ban Soạn thảo và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới. 

Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng đã có những bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả trong xã hội. Vấn đề kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập pháp của Quốc hội đã được ghi nhận ngay trong Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hoá tại một số đạo luật. Đảng cũng đã có chủ trương cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ, chặt chẽ thể chế, pháp luật để thực hiện mục tiêu “không thể tham nhũng, tiêu cực”.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Cũng báo cáo thêm các đồng chí là Bộ Chính trị cũng giao nhiệm vụ này cho nhiều cơ quan khác. Bộ Chính trị giao cho Toà án tối cao nghiên cứu quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xét xử. Giao cho công an phòng chống tham nhũng trong công tác điều tra. Rồi kiểm sát và một số lĩnh vực khác nữa đều có quy định. Đảng Đoàn Quốc hội thì được giao về vấn đề xây dựng pháp luật.”

Các phát biểu tại hội thảo cũng đem đến một cái nhìn tổng thể về “lợi ích nhóm”. Trên thực tế, có cả lợi ích nhóm tích cực và tiêu cực. Trong đó “lợi ích nhóm tiêu cực” là của một nhóm người, hoặc một ngành, một địa phương, không chính đáng, bất hợp pháp và gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia. Trong quá trình xây dựng pháp luật, cũng có trường hợp các nhóm lợi ích tác động lên quá trình hoạch định, “lái” chính sách, pháp luật ở một số lĩnh vực. Các hành động này đều bị coi là tham nhũng. Do đó thời gian qua, công tác giám sát việc xây dựng, thực thi chính sách pháp luật rất được coi trọng.

Ông NGUYỄN VĂN HIỂN, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: "Quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật bản chất là một quy trình khoa học. Quy trình khoa học ấy được thiết kế và xây dựng để làm sao tất cả các chủ thể tham gia, từ chủ thể đề xuất, cho đến chủ thể xây dựng, cho đến chủ thể thẩm định, thẩm tra, giám sát, thông qua đều là những quy trình bảo đảm sự giám sát giữa các chủ thể, làm sao để các quy định ấy khoa học và kết quả xây dựng được tốt nhất. Bản thân nó đã là quy trình có giám sát lẫn nhau.”

Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội: "Chúng ta đã đưa vào trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 quy định là: Đối với những nội dung được trình ra Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý mà các chính sách ấy thay đổi cơ bản so với chính sách khi soạn thảo thì những nội dung ấy phải đi lại các bước từ đánh giá tác động, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, để bảo đảm làm sao các chính sách mới trong quá trình Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự án luật được đánh giá lại một cách thận trọng.”

Trong công tác lập pháp, do quy trình thủ tục chặt chẽ nên khi văn bản pháp luật khi đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, xem xét thông qua thì cho đến nay chưa phát hiện có hành vi lợi ích nhóm. Tuy nhiên cũng còn một số hạn chế như: Lấy ý kiến đối với dự thảo luật đôi khi còn hình thức, cơ quan trình dự án chưa dành thời gian thoả đáng, báo cáo đánh giá tác động, báo cáo rà soát thủ tục hành chính đôi khi còn hình thức, chất lượng báo cáo thẩm định, thẩm tra còn sơ sài, xuôi chiều… Đây là những tồn tại cần được khắc phục trong thời gian tới nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình lập pháp.

Mỹ Phượng