• 1103 lượt xem
  • 15:46 23/05/2022
  • Kinh tế

Ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam chú ý tới Gen Z

Với gần 50% dân số sử dụng thương mại điện tử, do đó Việt Nam có rất nhiều dư địa để thúc đẩy ngành ngân hàng bán lẻ. Theo các chuyên gia, ngành ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam hiện mới đang ở giai đoạn phát triển sơ khai. Thực tế đã chứng minh qua thời gian Covid-19, việc dịch chuyển sang bán lẻ đã giúp nâng cao lợi nhuận và mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn cho ngân hàng.

Ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay tăng 31% so với năm ngoái, trong đó hướng đến việc thúc đẩy phân khúc khách hàng trẻ (thế hệ Millenials và Gen Z) sẽ chiếm khoảng 85% danh mục khách hàng trong 5 năm tới.

Bà TRẦN THỊ THU HƯƠNG - Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ của NH TMCP Quốc tế Việt Nam VIB: Hiện nay, dư nợ cá nhân hộ kinh doanh trên GDP của Việt Nam đâu đó mới được khoảng 50% thôi còn khu vực là khoảng 80%, nên vẫn còn dư địa rất lớn. Hay như mảng thẻ tín dụng thì tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng tại Việt Nam khá thấp, khoảng 4% dân số, trong khi con số này ở các nước trong khu vực lên đến 80%-90%... Chúng ta đang ở ngưỡng gần như là bắt đầu đi lên của nấc thang, và vì như thế chúng ta có rất nhiều cơ hội để phát triển”.

Đặc biệt qua thời gian dịch Covid-19, số hóa ngành ngân hàng lại càng được đẩy mạnh. Người dân bắt đầu chi tiêu mạnh tay hơn cho giải trí, du lịch… Cùng với đó, nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ cũng được thúc đẩy nhằm bắt kịp xu hướng chung.

Ông HARMANDER MAHAL - GĐ khối Ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam và nhóm 4 nước Châu Á, Ngân hàng Standard Chartered: Việt Nam là thị trường có dân số trẻ, năng động và am hiểu công nghệ, từ đó tỷ lệ ứng dụng các dịch vụ số ở mức cao, mang đến nhiều dư địa cho sự phát triển của lĩnh vực ngân hàng số. Các ngân hàng có thể định vị được chính mình để phục vụ hiệu quả những đối tượng khách hàng này sẽ tận dụng hiệu quả các tiềm năng mà thị trường mang lại. Tôi sẽ không bất ngờ nếu trong 5 tới 10 năm nữa Việt Nam trở thành một trong những thị trường ngân hàng bán lẻ lớn nhất châu Á, ngoài Trung Quốc”.

TS. TÔ HOÀI NAM - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Chúng ta là một đất nước hội nhập, thì các doanh nhân quốc tế họ khá quen thuộc với việc sử dụng dịch vụ ngân hàng số, nên chúng ta phải tìm cách nào đó để phù hợp, tương thích với các nhu cầu của các doanh nhân quốc tế khi họ muốn đầu tư vào Việt Nam”.

Theo thống kê, năm 2021, tỷ trọng cho vay bán lẻ của nhóm ngân hàng quy mô vừa và lớn chiếm 40 - 50%, thậm chí có tổ chức tín dụng con số này lên tới 60 - 80%. Trong năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau Covid-19, và điều này sẽ giúp ngân hàng bán lẻ có thêm dư địa để phát triển.

Sỹ Cường