Nghề làm Gốm Chăm đang đứng trước nguy cơ mai một, nhưng tại các làng nghề vẫn luôn có những nghệ nhân đau đáu giữ nghề, một trong số đó có ông Lâm Hùng Sổi, nghệ nhân nam duy nhất của làng gốm Chăm Bình Đức đang nỗ lực từng ngày để lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Nghề làm gốm của đồng bào Chăm được mẹ truyền cho con gái từ đời này sang đời khác, đàn ông chỉ đi đào đất hoặc phụ giúp lúc nung gốm. Thế nhưng, tại làng gốm Bình Đức, ông Lâm Hùng Sổi lại là trường hợp đặc biệt, ông là nghệ nhân nam duy nhất thay vợ giữ nghề làm gốm tổ tiên để lại.
Từ khi giữ nghề, ông Sổi đã trải qua cả giai đoạn cực thịnh của làng gốm Bình Đức và cũng nếm trải đủ mọi khó khăn của nghề. Hiện tại, Các sản phẩm nồi đất, bếp than của làng đã không thể cạnh tranh lại với các sản phẩm nồi điện, bếp ga công nghiệp. Bản thân ông Sổi dù đã cố gắng nhưng cũng chỉ có thể hoạt động cầm chừng, trong khi đó, nhiều bà con trong làng đã chuyển đổi ngành nghề khác.
Trước đây, Bình Đức có 120 hộ làm gốm nhưng hiện nay chỉ còn hơn chục hộ giữ nghề. Mỗi năm, số người duy trì nghề Gốm truyền thống tại làng Bình Đức lại ít đi, nhưng những nghệ nhân như ông Sổi vẫn luôn đau đáu giữ nghề, giữ lại hồn cốt của cả dân tộc cho thế hệ mai sau.