Nghị viện thế giới: Giới thiệu về Nghị viện Na Uy

Nghị viện Na Uy hay còn được gọi là Storting là cơ quan lập pháp tối cao của đất nước. Trước đây, Nghị viện Na Uy gồm 2 viện: Lagting (tương đương Thượng viện) và Odelsting (tương đương Hạ viện). Tuy nhiên, kể từ năm 2009, Nghị viện Na Uy hoạt động theo chế độ một viện với 169 nghị sỹ, nhiệm kỳ 4 năm.

Nằm trên bán đảo Scandinavia phía Tây Bắc châu Âu, Na Uy được đánh giá là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất toàn cầu, với GDP tính trên đầu người khoảng 100.000 USD/năm. Bên cạnh đó, Na Uy còn sở hữu nhiều chỉ số đứng hàng đầu thế giới như: phát triển con người và an toàn quốc gia. Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công này là một hệ thống chính trị vững mạnh và nền kinh tế-xã hội luôn được đảm bảo ổn định.

Na Uy theo chế độ quân chủ lập hiến đứng đầu Nhà nước là đức Vua. Hiến pháp Na Uy năm 1814 quy định vua theo chế độ cha truyền con nối. Nhưng hiện nay Vua chỉ mang tính chất lễ nghi và quyền lực chính trị thuộc về cơ quan hành pháp (Chính phủ), đứng đầu là Thủ tướng. 

NGHỊ VIỆN NA UY

Nghị viện Na Uy hay còn được gọi là Storting là cơ quan lập pháp tối cao của đất nước. Trước đây, Nghị viện Na Uy gồm 2 viện: Lagting (tương đương Thượng viện) và Odelsting (tương đương Hạ viện). Tuy nhiên, kể từ năm 2009, Nghị viện Na Uy hoạt động theo chế độ một viện với 169 nghị sỹ, nhiệm kỳ 4 năm.
Chế độ bầu cử của Na Uy dựa trên nguyên tắc bỏ phiếu kín, bầu trực tiếp và theo tỷ lệ. Công dân Nauy từ 18 tuổi trở lên đều có quyền đi bầu cử.
Cả nước có 19 đơn vị bầu cử. Những người chưa có quốc tịch Na Uy thì được quyền tham gia bầu cử ở địa phương, nếu đến ngày bầu cử họ đã sống liên tục ở Na Uy được 3 năm và đáp ứng các điều kiện chung về bầu cử. Bầu cử địa phương được tổ chức vào thời gian giữa nhiệm kỳ của Nghị viện.

CHỨC NĂNG CỦA NGHỊ VIỆN NA UY

Theo quy định trong hiến pháp, Nghị viện Nauy có những chức năng quan trọng:

- Thông qua các dự luật mới, sửa đổi hoặc bãi bỏ các đạo luật hiện hành.

- Quyết định các khoản thu chi hàng năm của nhà nước bằng việc xem xét và thông qua Ngân sách tài khóa.

- Giám sát hoạt động của chính phủ.

- Xác định các kế hoạch và hướng dẫn hoạt động của Nhà nước, thảo luận các vấn đề chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng.

Lập pháp

Lập pháp được coi là một trong những nhiệm vụ chính của Nghị viện Nauy. Hầu hết các dự luật được trình lên Nghị viện đều xuất phát từ Chính phủ. Mỗi năm, nghị viện Nauy phải xử lý khoảng 100-150 dự luật.

Tương tự như nhiều quốc gia khác, quy trình lập pháp tại Nauy cũng phải trải qua nhiều giai đoạn phức tạp, để đưa một dự thảo luật trở thành một đạo luật chính thức và được áp dụng vào cuộc sống.

Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn giới thiệu dự án luật. Dự án luật có thể được một thành viên chính phủ hoặc một nghị sỹ đệ trình.

Sau đó, Nghị viện sẽ có nhiệm vụ chuyển dự án luật đến một ủy ban thường trực chuyên trách để tiến hành xem xét, thảo luận. Ủy ban có nhiệm vụ xem xét kỹ lưỡng dự án luật sau đó trình báo cáo ngược trở lại Nghị viện. 

Sau khi nhận được báo cáo thẩm tra dự án luật của ủy ban, dự án luật sẽ phải qua 3 lần đọc tại phiên họp toàn thể của Nghị viện.

Tại lần đọc thứ nhất, các thành viên nghị viện sẽ tiến hành xem xét và biểu quyết về dự án luật dựa trên báo cáo thẩm tra của ủy ban. Nếu dự án luật được chấp thuận tại lần đọc này, thì sẽ chuyển sang lần đọc thứ 2, nếu dự luật bị bãi bỏ ngay tại lần đọc thứ nhất, thì quy trình thảo luận về dự án luật đó cũng chấm dứt.
Nếu dự luật được thông qua ở lần đọc thứ nhất, thì phải một khoảng thời gian ít nhất là 3 ngày trước khi Nghị viện tiến hành tranh luận và bỏ phiếu lần thứ 2. 
Tại lần đọc thứ 2, nếu dự luật được Nghị viện thông qua, thì quy trình lập pháp tại Nghị viện cũng hoàn tất và dự luật đó sẽ trở thành Đạo luật của nghị viện. Nhiệm vụ còn lại là trình lên Nhà vua và Thủ tướng chính phủ ký phê chuẩn. 

Trong trường dự luật không được thông qua tại lần đọc thứ 2 và quyết định tiến hành sửa đổi một số nội dung trong dự luật, thì nghị viện sẽ phải nhóm họp lần thứ 3 sau ít nhất 3 ngày kể từ lần đọc thứ 2. Tại lần đọc thứ 3 và cũng là lần đọc cuối cùng, các nghị sỹ chỉ có quyền thông qua hoặc bác bỏ toàn bộ dự luật chứ không có quyền sửa đổi.

Giám sát chính phủ

Ngoài lập pháp, giám sát chính phủ và các khu vực hành chính công cũng là môt nhiệm vụ quan trọng khác của Nghị viện Nauy. 
Tại Nauy, vũ khí mạnh nhất của Nghị viện trước cơ quan hành pháp là quyền thay đổi Chính phủ. Quy định của Hiến pháp về bỏ phiếu bất tín nhiệm là biểu hiện của sự cân bằng quyền lực chính trị giữa Chính phủ và Nghị viện. Nó chứng minh trước hết sự lệ thuộc của Chính phủ vào Nghị viện và khả năng hoạt động của Chính phủ được bảo đảm bởi đa số ủng hộ Chính phủ ở Nghị viện. Với ý nghĩa này, bỏ phiếu bất tín nhiệm là công cụ giám sát mạnh nhất của Nghị viện Nauy.
Ngoài sự hỗ trợ của các ủy ban chuyên trách trong quá trình giám sát, các nghị sỹ Nauy cũng có thể gửi câu hỏi trực tiếp đến chính phủ và yêu cầu các bộ trưởng trả lời thông qua Giờ chất vấn.

Thời gian diễn ra giờ chất vấn là 10 giờ sáng thứ Tư hàng tuần tại Nghị viện Na-uy. Do đó, cứ thứ Hai đầu tuần, Thủ tướng có trách nhiệm thông báo cho Chủ tịch Nghị viện về những thành viên chính phủ nào sẽ tham gia Giờ chất vấn, để chủ tịch nghị viện thông báo tới các nghị sỹ. Thông thường, mỗi tuần sẽ có 3 Bộ trưởng tham gia chất vấn. Các nghị sỹ có thể yêu cầu Bộ trưởng trả lời trực tiếp tại Hội trường hoặc bằng văn bản. 

HỆ THỐNG ỦY BAN

Hỗ trợ công việc cho Nghị viện không thể thiếu hệ thống các ủy ban, bởi hầu hết các vấn đề trước khi được đem ra thảo luận tại Nghị viện, đều được xem xét kỹ lượng tại các ủy ban. Hiện Nghị viện Nauy có tổng cộng 12 ủy ban thường trực. Mỗi thành viên của Nghị viện sẽ làm việc cho 1 trong số 12 ủy ban này. Tuy vào yêu cầu hoạt động, các ủy ban sẽ có số lượng thành viên khác nhau, nhưng sẽ dao động từ 8-18 thành viên. Các ủy ban sẽ được hỗ trợ bởi một ban thư ký. Ngoài ra, mỗi ủy ban cũng có thư ký riêng để trợ giúp các thành viên thực hiện công việc của ủy ban.

Trong quá trình làm việc, ủy ban có thể yêu cầu đại diện của các bộ, tổ chức hoặc cá nhân tham gia phiên điều trần với mục đích thu thập thông tin. Ngược lại, các tổ chức và cá nhân cũng có thể yêu cầu xuất hiện trước ủy ban để trình bày quan điểm của mình. Các phiên điều trần này phải được tổ chức ở nơi công cộng trừ một số trường hợp đặc biệt.

HIẾN PHÁP NA UY

Tại Na Uy, cứ vào ngày 17/5 hàng năm, người dân sẽ từng bừng kỳ niệm Ngày Hiến pháp. Vào ngày này, mọi người đều được nghỉ và thường mặc trang phục lễ hội đổ ra đường diễu hành trên các tuyến phố và hướng về Cung điện Hoàng gia. Các em học sinh với cờ, biểu ngữ trên tay vừa đi vừa hát quốc ca cùng các ban nhạc tạo nên một không khí vô cùng sôi động.

Hiến pháp là văn bản pháp lý cao nhất của Vương quốc Nauy. Na Uy cũng là quốc gia có bản Hiến pháp thành văn lâu đời thứ hai trên thế giới từ ngày 17/5/1814, chỉ sau Mỹ. Hiến pháp Nauy được hình thành dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản đó là: chủ quyền của nhân dân, sự phân chia quyền lực và quyền con người.
Do đó, một trong những nội dung quan trọng nhất trong Hiến pháp Nauy đó là người dân Nauy có quyền lựa chọn người lãnh đạo đất nước. Mọi công dân Nauy từ 18 tuổi trở lên đều có quyền đi bỏ phiếu chọn ra các thành viên trong Nghị viện và Chính phủ. 

Bên cạnh đó, Hiến pháp cũng quy định, mọi người dân Nauy đều phải được đối xử công bằng, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. 
Trong hơn 200 năm tồn tại, Hiến pháp Nauy đã trải qua nhiều lần bổ sung và sửa đổi nhằm đáp ứng nhu cầu của thời cuộc. Một trong những thay đổi quan trọng nhất phải kể đến các sửa đổi liên quan đến hệ thống bầu cử, tự do ngôn luận và tự do thông tin.

Các đề xuất sửa đổi Hiến pháp đều phải được đệ trình lên Nghị viện vào 1 trong 3 năm đầu tiên của nhiệm kỳ Nghị viện 4 năm. Đề xuất này sẽ được đưa ra xem xét trong một cuộc họp với sự tham gia của ít nhất 2/3 số thành viên của Nghị viện. Và ít nhất 2/3 thành viên Nghị viện phải bỏ phiếu tán thành thì đề xuất sửa đổi đó mới được thông qua.

TÒA NHÀ NGHỊ VIỆN NA UY

Tọa lạc ngay tại trung tâm đại lộ Karl Johan, đại lộ chính của thủ đô Oslo, tòa nhà Nghị viện Nauy là một trong những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của quốc gia Bắc Âu. Đây là nơi các nghị sỹ Nauy làm việc, nhóm họp và đưa ra các quyết sách quan trọng.
Mỗi năm một lần, cứ vào dịp đầu tháng 10, lễ khai mạc kỳ họp thường niên của Nghị viện Nauy sẽ được tổ chức long trọng tại tòa nhà này. Đây là sự kiện diễn ra hầu như hàng năm, kể từ năm 1866.

Vốn là một công trình nguy nga và đồ sộ, nhưng ít ai biết được rằng, tòa nhà nghị viện Nauy đã trải qua một quá trình hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm trước khi có được diện mạo hoàn thiện như ngày nay.

Ngược dòng lịch sử, trở lại mùa xuân năm 1814. Sau nhiều tuần nhóm họp và tranh luận sổi nổi, Nauy đã thông qua Hiến pháp tại hội trường Eidsvoll. Và nghị viện Nauy cũng được hình thành từ đó. 

Những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho nhà nước Nauy non trẻ lúc bấy giờ là phải xây dựng một dinh thự mới dành cho Nhà vua, xây dựng trường đại học đầu tiên của Nauy và xây dựng một nhà tù mới.

Tuy nhiên, phải 50 năm sau đó, Nghị viện Nauy mới có một tòa nhà làm việc riêng. Trong khoảng thời gian ấy, việc lựa chọn địa điểm và phong cách kiến trúc của tòa nhà Nghị viện luôn là một vấn đề được bàn luận sôi nổi.

Hơn 12 đề xuất về địa điểm xây dựng tòa nhà đã được đem ra cân nhắc, từ công viên Palace Park cho đến Pháo đài Akershus. 

Sau một thời gian dài tranh cãi, Nghị viện quyết định xây dựng tòa nhà gần với cung điện hoàng gia. Tuy nhiên, chính phủ không đồng ý với đề xuất này. 
Thay vào đó, chính phủ quyết định dành ra một khu đất tại đại lộ Karl John để xây dựng tòa nhà Nghị viện. Từ vị trí này, tòa nhà Nghị viện – nơi đại diện cho nhân dân và cung điện của Nhà vua sẽ nằm đối diện nhau.

Sau khi tìm được địa điểm thích hợp, nhiệm vụ khó khăn tiếp theo là xác định phong cách kiến trúc của công trình. Vậy là, một cuộc thi thiết kế tòa nhà nghị viện đã được tổ chức và chiến thắng cuối cùng thuộc về 2 kiến trúc sư nổi tiếng Wilhelm von Hanno và Heinrich Ernst Schirmer. 

Kế hoạch của 2 kiến trúc này là tạo ra 1 tòa nhà mang phong cách tân Gothic, với các mái vòm, tòa tháp và những đường xoắn ốc đặc trưng. Tuy nhiên, đề xuất thiết kế này đã vấp phải sự chỉ trích từ cả nghị viện và giới truyền thông.

Vào đúng thời điểm đó, một kiến trúc vô danh người Thụy Điển - Emil Victor Langlet đã nhập cuộc, bằng việc đưa ra một bản thiết kế hoàn toàn mới.

Trong thời gian học tập tại Italia, Emil Victor Langlet đã được truyền cảm hứng từ kiến trúc sư Bernini - một bậc thầy về lối kiến trúc Baroque và cũng là tác giả của nhiều công trình nổi tiếng. 

Theo quan điểm của Langlet, kiến trúc của một tòa nhà phải phản ánh chức năng của nó. Do đó, ý tưởng của ông là tạo ra một tòa nhà Nghị viện gần gũi nhất với dân chúng.

Và cuối cùng vào ngày 18/5/1860, sau 3 năm tranh luận gay gắt, Nghị viện Nauy đã quyết định phê chuẩn ý tưởng thiết kế của vị kiến trúc sư trẻ tuổi người Thụy Điển.

Sáu năm sau đó tức ngày 5/3/1866, Nghị viện Nauy cuối cùng cũng có một nơi làm việc của riêng mình, khi tòa nhà Nghị viện chính thức khánh thành. Nhờ vậy, các nghị sĩ có thể nhóm họp hàng năm thay vì 3 năm một lần như trước kia.

Bên cạnh đó, kiến trúc sư Langlet còn đề xuất đặt thêm 2 bức tượng sư tử với dáng ngồi uy nghiêm canh giữ ở 2 bên lối vào của tòa nhà. Nhà điêu khắc Christopher Borch được giao nhiệm vụ thiết kế và sử dụng đá granite địa phương.

Ngày 9/4/1940, Nauy bị xâm lược. Vào chiều ngày hôm đó, quân đội phát xít Đức đã tiến vào và chiếm đóng tòa nhà Nghị viện Nauy. Và phải đến 5 năm sau đó, Nghị viện Nauy mới có thể nhóm họp trở lại.

Sau chiến tranh, nhu cầu mở rộng không gian hoạt động của tòa nhà Nghị viện ngày càng cấp thiết. Thủ tướng Einar Gerhardsen là một trong những người đề xuất phá hủy toàn bộ tòa nhà Nghị viện và xây dựng một công trình mới.

Tuy nhiên, đa số thành viên Nghị viện phản đối ý tưởng này, thay vào đó, họ đề xuất mở rộng tòa nhà hiện tại. Quá trình mở rộng tòa nhà Nghị viện kéo dài dến tận năm 1972. 

Vào cuối những năm 1980, thêm một khu vực đỗ xe được xây dựng bên dưới quảng trường Eidsvolls Plass. Tính tới thời điểm hiện tại, tòa nhà Nghị viện Nauy có diện tích lớn gấp 3 lần so với diện tích ban đầu.

 Mặc dù luôn được bảo vệ an ninh một cách nghiêm ngặt, nhưng tòa nhà Nghị viện Nauy vẫn là một công trình mở với công chúng. Hàng năm luôn có hàng nghìn du khách ghé thăm tòa nhà.

Một số người đến để theo dõi các phiên họp của Nghị viện. Số khác đến để gặp gỡ và trao đổi quan điểm với các nghị sĩ. Trong khi đó, nhiều du khách lại mong muốn có cơ hội tìm hiểu về các hoạt động diễn ra bên trong tòa nhà nguy nga này thông qua các Tour khám phá do Nghị viện Nauy tổ chức.

Sau khi thay đổi phương thức hoạt động từ mô hình Nghị viện lưỡng viện sang đơn viện, phòng họp Thượng viện hiện được sử dụng là nơi tổ chức các cuộc hội thảo và trao đổi nghiên cứu. Ngoài ra còn có nhiều căn phòng khác như: Phòng trưng bày Eidsvoll Gallery – và không thể thiếu phòng họp toàn thể– Storting Chamber.

Căn phòng mang phong cách của một nhà hát Hy Lạp cổ. Chỗ ngồi của 169 nghị sỹ được chia thành 7 hàng theo chiều dọc, chiều ngang hợp thành 1 hình vòm cong bán nguyệt.

Ghế ngồi của Chủ tịch Nghị viện được đặt trên bục cao, ở chính giữa phía trên hội trường. Đằng sau bục phát biểu của chủ tịch Nghị viện là bức tranh nổi tiếng mang tên Eidsvold 1814 của danh họa Oscar Wergeland.

Tuy nhiên, mỗi năm một lần vào lễ khai mạc kỳ họp thường niên của Nghị viện, khu vực ghế ngồi của chủ tịch Nghị viện sẽ được tạm thời di dời, nhường chỗ cho ngai vàng của Nhà vua.

Theo nghi lễ truyền thống, Nhà vua sẽ được tháp tùng từ Sảnh chính, lên bậc thang, đi qua Hội trường trung tâm, phòng trưng bày Eidsvoll Gallery, phòng 7 tháng 6và cuối cùng là tiến vào phòng họp toàn thể của Nghị viện. Tại đây, Nhà vua, sẽ từ vị trí ngai vàng của mình, đọc bài diễn văn khai mạc.

Sau khi hoàn tất buổi lễ, nhà vua sẽ rời khỏi tòa nhà Nghị viện, và một kỳ họp mới của Nghị viện Nauy cũng chính thức bắt đầu.

Các phiên thảo luận tại hội trường, các cuộc họp tại ủy ban, tranh luận và bỏ phiếu – đây là những công việc quen thuộc của Nghị viện Nauy diễn ra tại tòa nhà mang tính biểu tượng này suốt hơn 150 năm qua./.

Đinh Giang