Nghiên cứu chính sách điều tiết địa tô hài hòa lợi ích các bên

Giải quyết vấn đề chênh lệch địa tô cũng là nội dung quan trọng trong sửa đổi Luật Đất đai lần này. Nhiều câu hỏi được đại biểu đặt ra, như xác định giá trị tăng thêm từ đất như thế, có phân phối phần chênh lệch địa tô cho toàn dân hay không?

Chuyển mục đích sử dụng đất là làm đất đai tự sinh lợi và đây chính là địa tô chênh lệch. Nói cách khác, khi Nhà nước ra quyết định cho phép một doanh nghiệp bất động sản chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất này sang loại đất khác, đồng nghĩa đã quyết định chuyển địa tô thành giá trị của bất động sản cho chính nhà đầu tư đó.

Nêu thực tế, khoản tiền chênh lệch địa tô có thể lên tới hàng chục triệu đồng 1m2, Đại biểu đặt câu hỏi, liệu luật Đất đai (sửa đổi) có thể phân phối phần chênh lệch địa tô này cho toàn dân hay không.

Các đại biểu cho rằng vấn đề vướng mắc nhất cần phải sửa trong luật Đất đai là điều tiết chênh lệch địa tô. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo lại chưa có những quy định điều tiết phần giá trị tăng thêm này để chia sẻ lợi ích với các bên, nhất là đối với người có đất bị thu hồi thuộc diện phải di dời. Cùng đó, luật Đất đai hiện hành cũng chưa có cách xác định phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại, nên nhiều địa phương cũng chưa thực hiện được vấn đề này.

Giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội về điều tiết địa tô, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lý giải, luật Đất đai sửa đổi không quy định việc điều tiết tỷ lệ này, vì vấn đề này phải được quy định tại các luật Ngân sách, hay luật Thuế.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho biết, thực tế, nếu có đấu giá, đấu thầu đúng thì Nhà nước sẽ thu được địa tô. Song điều tiết thế nào thì cơ quan soạn thảo sẽ phải nghiên cứu thêm. Việc điều tiết này không chỉ phân phối cho người dân tại khu vực có đất thu hồi, mà cả những người dân ở những nơi có đất thu hồi nhưng không phát sinh địa tô chênh lệch như thu hồi cho công trình công cộng, quốc phòng, an ninh.

Như vậy, sáng 7/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã bế mạc sau gần 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm. Các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận, góp ý cho 7 dự án luật. Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Hội nghị đã đạt kết quả tốt, quán triệt các nội dung chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội trong buổi khai mạc. Phó CTQH đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật và các tài liệu đúng quy định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tới. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam