• 1560 lượt xem
  • 21:32 07/07/2022
  • Kinh tế

Nghiên cứu cơ chế không tính tiền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá

Nhà đầu tư quan tâm đến doanh nghiệp cổ phần hoá chỉ vì muốn nắm giữ các khu đất vàng. Điều này đặt ra vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc tham mưu cho Nhà nước chính sách trong định giá tài sản cổ phần hoá doanh nghiệp nhằm đạt mục đích cao nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau cổ phần hoá.

Đây là vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội thảo khoa học “Kiểm toán đối với doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ”. 

Theo các chuyên gia, hiện nay, việc tính tiền thuê đất 1 lần vào giá trị doanh nghiệp và cho phép chuyển đổi mục đích sử đụng đất là “ lỗ hổng”  để các doanh nghiệp tư nhân tham gia cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, chiếm quyền sử dụng các khu đất vàng để chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng nhà ở, trung tâm thương mại. Chính điều này làm thất thoát tiền sử dụng đất vì định giá đất không sát giá thị trường, gây tình trạng giải thể doanh nghiệp, người lao động thất nghiệp. Điều này cũng đi ngược lại mục đích của cổ phần hoá là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Các chuyên gia kiến nghị xem xét không tính tiền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp mà thực hiện cơ chế thuê đất trả tiền hàng năm dù là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp cổ phần, tư nhân, không có chuyển mục đích sử dụng đất ngoài mục đích hợp đồng thuê đất nhằm giúp doanh nghiệp cơ cấu lại.

Ông NGUYỄN HỒNG LONG, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp: Đã là đất đai đều thuộc sở hữu toàn dân. Vấn đề đặt ra là không tính giá trị đất hàng năm thêm một lần vào đấy nữa, mai kia khi anh chuyển đổi mục đích sử dụng thì trả lại đất cho Nhà nước hoặc sử dụng không đúng mục đích Nhà nước sẽ thu hồi lại. Lúc đó, Nhà nước sẽ đứng ra đấu thầu hoặc sử dụng vào mục đích nào đấy, thì nó đảm bảo không tạo ra kẽ hở để mọi người trục lợi".

Bất cập hiện nay là chưa có đánh giá tổng thể tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau cổ phần hoá, trong đó có đánh giá về sử dụng tài sản, đất đai và lao động sau cổ phần hoá. 

Bên cạnh đó, hiện nay cơ quan nhà nước và cơ quan kiểm toán rất khó khăn để tiếp cận đánh giá được hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, cũng như chưa có quy định cụ thể về việc xác định giá trị, lợi thế đất đai, thương hiệu, các chính sách về công nợ, mua cổ phần ưu đãi đối với người lao động, người quản lý tại công ty mẹ, ngăn chặn lợi ích nhóm. Đây là những vấn đề kiểm toán nhà nước đặt ra để nâng cao hiệu quả quản lý với doanh nghiệp có phần vốn nhà nước.

Văn Thắng