Người dân Afghanistan đối mặt khó khăn chồng chất

Từ những hình ảnh chúng ta vừa chứng kiến, có thể thấy, 1 năm trôi qua, người dân Afghanistan đã phải sống trong điều kiện khó khăn, trong khi các lệnh trừng phạt khiến nền kinh tế nước này tê liệt. Nếu không có sự thay đổi, tương lai phía trước là hết sức mịt mù.

CHỒNG CHẤT KHÓ KHĂN

Một năm đã trôi qua, Taliban vẫn chưa được quốc tế công nhận và đang chịu nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây. Kinh tế Afghanistan rơi vào khủng hoảng, một phần bị trừng phạt và không nhận được viện trợ từ quốc tế, một phần vì đã kiệt quệ sau nhiều năm chiến tranh. 

Hiện nay, một thảm họa nhân đạo đang trực chờ đất nước Afghanistan ở phía trước. Hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh… khiến cho sản lượng lương thực và cả nền kinh tế của Afghanistan khủng hoảng nghiêm trọng. 97% dân số Afghanistan đang sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực và ngày càng nhiều người đang sống dưới mức nghèo đói mỗi ngày. Cùng với đó, trận động đất mạnh 6,2 độ xảy ra hồi tháng 6 vừa qua càng làm trầm trọng hơn những khó khăn mà Afghanistan đang phải đối mặt và cũng một lần nữa cho thấy những yếu kém của chính quyền Taliban trong xử lý khủng hoảng.

Những diễn biến chính trị mới trên thế giới hiện nay như cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo theo các cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng trên toàn cầu, cũng khiến nhiều người lo ngại Afghanistan sẽ bị thế giới lãng quên. Khi đó, chính người dân Afghanistan, những người nghèo đói cùng cực, khổ sở cùng cực, là những người chịu thiệt thòi nhất.

Ông MARKUS POTZEL, Đại diện phái bộ Liên hợp quốc tại Afghanistan: “Cộng đồng quốc tế đừng quên người dân Afghanistan, những người tiếp tục phải đối mặt với một số thách thức nghiêm trọng. Đừng quên kể từ khi Taliban tiếp quản, quốc gia này đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính và nhân đạo với quy mô chưa từng có.” 

Khi người Afghanistan không thể lên tiếng, cộng đồng quốc tế liên tục kêu gọi trợ giúp đất nước này. Hàng chục nhà kinh tế Mỹ và quốc tế mới đây kêu gọi Washington trả lại Afghanistan 7 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng Trung ương bị đóng băng kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền hồi tháng 8/2021 để giúp nước này phục hồi kinh tế. Hồi tháng 3, Liên Hợp Quốc kêu gọi viện trợ kỷ lục 4,4 tỉ USD cho hàng triệu người Afghanistan đang cần thức ăn, chỗ ở, chăm sóc y tế. Nếu không có sự trợ giúp, chờ đợi Afghanistan là một tương lai mịt mù. 

Hồng Nhung