Người La Ha "thay da, đổi thịt"

Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện nay, đồng bào La Ha là dân tộc thiểu số có dưới 10.000 người, sinh sống tập trung tại 42 bản ở 17 xã thuộc các huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mộc Châu.

Để đưa dân tộc La Ha vươn lên thoát khỏi đói nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống, thời gian qua UBND tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều quyết định hỗ trợ và phát triển kinh tế -xã hội dân tộc La Ha giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn. Mục tiêu của tỉnh Sơn La là giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 5 đến 7% mỗi năm.

Người La Ha thường sinh sống trên những sườn đồi núi cao. Những năm trước kia họ vẫn còn tập quán du canh nên đời sống luôn bị cái đói, cái nghèo đeo bám. Ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có khoảng 560 hộ dân người dân tộc La Ha sinh sống tại các xã Nong Lay; Liệp Tè; Chiềng La. Để giúp đồng bào La Ha vươn lên xóa đói giảm nghèo, những năm gần đây huyện Thuận Châu đã triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng… Đây là con đường bê tông hóa để vào bản Song được xây làm vào năm 2020. Bản Song có 94 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc La Ha. Từ khi có con đường bê tông, cuộc sống người dân nơi đây cũng từng bước đổi thay.

Nằm ngang lưng dãy Sam Síp hùng vĩ của xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, cộng đồng người La Ha ở bản Kẻ có 43 hộ với 226 nhân khẩu. Vài năm trước kia, phần lớn hộ dân trong bản đều là hộ nghèo nhưng nay thì cuộc sống của họ đang thay da đổi thịt từng ngày. Tận dụng lợi thế cảnh quan tuyệt đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ với độ cao trên 1000 mét, bà con bản Kẻ đã quyết tâm tập trung xây dựng thành bản du lịch cộng đồng. Bản kẻ cũng vừa khánh thành khu không gian văn hóa cộng đồng La Ha. Đây là điểm nhấn để người dân bản Kẻ đón khách du lịch bốn phương đến chiếm ngưỡng những vẻ của vùng đất và con người nơi này.

Bằng nhiều chính sách chăm lo đến cộng đồng dân tộc thiểu số, nên diện mạo của những bản làng vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đã đổi thay rõ nét. Người La Ha không còn phá rừng, không còn lối sống du canh, du cư. Những hủ tục lạc hậu cũng không còn nữa mà thay vào đó là một tư duy mới, lối sống mới để hòa nhập với cộng đồng 12 dân tộc anh em trên vùng đất Tây Bắc này.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi!