• 3725 lượt xem
  • 20:57 21/03/2022
  • Xã hội

Nguồn nước ngầm bị cạn kiệt, hàng trăm năm sau mới hồi phục được

Liên Hợp quốc đã lấy ngày 22/03 hàng năm là Ngày Nước thế giới. Năm nay, ngày nước có chủ đề về nước ngầm. Khác với nước mặt có thể nhìn thấy hàng ngày quá trình ô nhiễm và cạn kiệt, thì nước ngầm lại ở sâu dưới lòng đất, khó quan sát thấy được. Nhưng điều này không có nghĩa là nguồn nước ngầm khó bị ô nhiễm.

Tại xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, trái ngược với những ngôi nhà khang trang, hiện đại, người dân ở đây đang hàng ngày phải sử dụng nguồn nước giếng khoan cho ăn uống và sinh hoạt.

Nhà nào cũng phải xây 1 bể lọc như thế này. Thường có tới 5 lớp lọc: từ xốp, đá cuội, cát, gạch rồi lại 1 lần xốp. Thế nhưng sau khi lọc, nước vẫn như thế này. Chưa mang nước đi kiểm định về các chỉ số ô nhiễm, chỉ nhìn bằng mắt thường, ai cũng đủ lo lắng. 

Ông Vũ Mạnh Hùng – Xã Tân Minh, Sóc Sơn, Hà Nội: “Giếng khoan ô nhiễm rất nhiều, gần 100 hộ phải bơm thẳng lên téc ăn, cứ 15-20 ngày phải thay téc vì rất bẩn, nhà nước có điều kiện thì xây bể lọc, 1-2 tháng phải thay lọc 1 lần, qua lọc rồi xuống bể vẫn ô nhiễm, Nhà tôi dùng nước này, qua hệ thống lọc của bể, qua may lọc nếu không nước rất tanh, tắm rửa thấy cũng vẫn ghê, nên tôi nghĩ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.”

Bà Nguyễn Thị Tình – Xã Tân Minh, Sóc Sơn, Hà Nội: "Tắm thì dùng, còn máy lọc thì mới dám nấu ăn. Nhà tôi cũng làm nhiều lớp lắm, tạm gọi là được, nhưng vẫn tanh, để lâu vẩn, cát.
Chưa có nước sạch, người dân đành tìm mọi cách tự khắc phục."

Nhưng không chỉ ô nhiễm, mà nguồn nước ngầm ở đây còn đang dần suy giảm. Các hộ dân càng ngày càng phải khoan sâu hơn.

Ông Đinh Ngọc Đạt – Xã Tân Minh, Sóc Sơn, Hà Nội: “Nhà tôi khoan 72m mà rất ít nước, mà nước rất bẩn, tới đây nước ngầm sụt xuống nữa thì còn hiếm nước nữa cơ, thiết tha nhất là nhà nước đầu tư cho nước sạch.”

Ông Nguyễn Văn Tường – Phó CT UBND xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội: “Nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng do ảnh hưởng của thời tiết, nhà máy, chăn nuôi trên địa bàn nên nguồn nước giếng truyền thống ảnh hưởng bởi các tạp chất từ kim loại, nước thải sinh hoạt chăn nuôi, hệ thống nước thải từ các nhà máy trên địa bàn.”

Nước không phải vô tận. và kể cả nước ngầm cũng đang đối mặt với nhiều thách thức: nước thải, rác thải ô nhiễm thẩm thấu xuống mạch nước, việc khai thác quá mức dẫn đến suy kiệt, nhiều nơi còn xảy ra hiện tượng sụt lún.

Ông Dư Văn Thảo – xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội: 'Gia đình muốn khoan cái giếng để sử dụng, không may gần 30m thì có sụt lún. Tôi thấy có đoạn giữa hai nhà với nhau nứt rồi."

Ông Nguyễn Quang Huân – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam: Có những nguồn nước ngầm mà chúng ta đã khai thác cạn kiệt hoặc nó bị ảnh hưởng thì hàng trăm năm sau mới hồi phục được chứ không phải như nước mặt là nay mai lại có nước từ nơi khác chảy về. Khi khai thác quá như thế thì nước ngầm sẽ bắt đầu ô nhiễm, khi nào ở đâu có đông dân cư, khu công nghiệp phát triển thì nước ngầm rất rủi ro.”

Hiện, Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia đã đưa ra khuyến cáo về việc quy hoạch các bãi giếng, những địa điểm đã đến giới hạn khai thác dựa trên kết quả nghiên cứu về khai thác nước ngầm tại 9 đô thị lớn trên cả nước. Các địa phương cần căn cứ vào kết quả này để chiều chỉnh việc khai thác hợp lý tài nguyên nước ngầm.