Nguy cơ khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu

Giá dầu tăng gần mức cao nhất trong 8 năm và giá lúa mì lên mức đỉnh 14 năm... Những điều này gây lo ngại tạo ra một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu trong bối cảnh lạm phát gia tăng, cản trở đà phục hồi kinh tế mong manh hậu đại dịch.

Cơn bão giá đang khiến nhiều người tiêu dùng các nước gặp khó khăn trong chi tiêu, đặc biệt là các gia đình có thu nhập thấp.

Chủ cửa hàng xăng: “Khách hàng đã hạn chế đi lại bằng phương tiện cá nhân để tiết kiệm xăng. Thay vì đi ô tô riêng, giờ họ đi xe bus hoặc tàu điện ngầm.”

Chủ cửa hàng bánh: “Trước đây tiền điện khoảng 1000 euro, giờ thì lên tới 2500 euro, quá nhiều cho một doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi. Ngoài ra, giá nguyên liệu thô tăng bắt buộc chúng tôi phải tăng giá sản phẩm, điều này lại đẩy gánh nặng lên khách hàng.”

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố, lạm phát Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 2 tăng lên mức cao kỷ lục 5,8%, chủ yếu do giá năng lượng tăng. Đối với hầu hết người dân trên khắp thế giới, tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng Ucraina và các lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ được cảm nhận khi lạm phát tăng cao bắt nguồn từ việc giá kim loại, năng lượng và thực phẩm tăng… do lo ngại các chuỗi cung ứng có thể bị gián đoạn. 

Ông JEROME POWELL, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ: “Hầu hết đều dự đoán rằng lạm phát sẽ đạt đỉnh và bắt đầu giảm vào năm nay. Câu hỏi giờ là cuộc khủng hoảng Ucraina sẽ diễn biến thế nào, phản ứng của các nước bao gồm lệnh trừng phạt có thể thay đổi mọi dự đoán. Quá sớm để nói điều gì.

Giá cả hàng hóa tăng cao, lạm phát phi mã cũng ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế mong manh hậu đại dịch. Các công ty phải cạnh tranh nhằm tìm đủ nguyên liệu và linh kiện để sản xuất hàng hóa, phục vụ nhu cầu đang tăng rất nhanh của khách hàng. Lạm phát tăng vọt cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với các ngân hàng trung ương về việc có nên tăng lãi suất hay không và tăng đến mức nào khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau khi các biện pháp hạn chế để chống đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ.

Hồng Nhung