• 3048 lượt xem
  • 06:01 07/06/2022
  • Văn hóa

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ về vai trò của người cao tuổi

Thế mạnh của người cao tuổi là họ có kinh nghiệm, có các mối quan hệ rất sâu, rộng được bồi đắp từ nhiều năm mà thế hệ trẻ chưa thể có được. Vì vậy, việc vận dụng, phát huy những kinh nghiệm của người cao tuổi trong sự phát triển của đất nước là rất quan trọng.

Trong thời gian qua và kể cả hiện nay, chúng ta đã làm nhưng có thể thấy, vấn đề này chưa phát huy được hết tiềm năng mà người cao tuổi đang có. Vậy làm thế nào để phát huy được những thế mạnh, huy động được sự đóng góp của người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG về nội dung này.

Phóng viên QUANG DUY: “Kính thưa nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang! Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, luôn luôn có sự đóng góp của tất cả các tầng lớp nhân dân, trong đó đặc biệt là sự đóng góp của người cao tuổi. Ông có thể minh chứng rõ hơn về vấn đề này?”

Nguyên Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG: "Như chúng ta đã biết, vào khoảng năm 1285, lúc bấy giờ quân Nguyên Mông chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ 2. Trước tình cảnh hiểm nghèo đó, Thái Thượng Hoàng lúc bấy giờ là Trần Thánh Tông đã ra chiếu, xuống chiếu triệu tập hội nghị Diên Hồng để lấy ý kiến các vị bô lão đại diện nhân dân cả nước để hỏi nhân dân một điều hết sức hệ trọng lúc bấy giờ đó là “chiến hay hòa”. Trong bối cảnh lịch sử như vậy thì các vị đế vương ngày xưa hết sức coi trọng người cao tuổi, vì nó liên quan đến vận mệnh sống còn của dân tộc. Chúng ta thấy ý nghĩa nó quan trọng như thế nào. Sự quan tâm của các bậc đế vương đối với người cao tuổi như thế nào.

Chuyển sang thời đại Hồ Chí Minh, sau nhiều năm bôn ba đi tìm đường cứu nước ở nước ngoài, thì Nguyễn Ái Quốc trở về nước, là Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này của chúng ta năm 1941, để trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhằm giành độc lập tự do cho dân tộc. Người đã ra lời kêu gọi các vị bô lão của Việt Nam lúc bấy giờ hãy đoàn kết cùng nhau chống giặc cứu nước. Người nêu rất rõ, khi mà nước mất thì phụ lão phải cứu, khi nước suy vong, suy sụp, suy yếu thì phụ lão phải có trách nhiệm phù trì. Chữ nghĩa ngày xưa người ta nói như vậy. Khi nước nhà hưng, suy, thịnh, vong, đều có gắn liền với trách nhiệm của các bậc lão niên. Tôi muốn nêu 2 ví dụ điển hình đó ở 2 thời kỳ lịch sử khác nhau của đất nước trải qua hàng ngàn năm lịch sử để thấy rõ rằng bất cứ thời đại nào, bất cứ hoàn cảnh nào của đất nước thì các bậc phụ lão, những người cao tuổi đều có vai trò, vị trí hết sức quan trọng và họ đã góp phần quan trọng mang về vinh quang cho đất nước. Cho nên không gì khác hơn thời đại ngày nay chúng ta tiếp tục quan tâm người cao tuổi, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, phát huy tối đa năng lực tiềm tàng của người cao tuổi, tiềm năng của người cao tuổi. Đây là nguồn vốn quý và to lớn để góp phần trong cuộc xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới."

Phóng viên QUANG DUY: “Có thể thấy rằng, hiện nay chúng ta chưa tận dụng được hết “tài nguyên” của người cao tuổi, đặc biệt là của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước sau khi về hưu. Một số ngành nghề lĩnh vực đặc thù, ví dụ như: Ngoại giao, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, bên cạnh vấn đề chuyên môn, kinh nghiệm, những cán bộ này có mối quan hệ trong nước, quốc tế rất rộng, có thể đóng góp rất lớn trong lĩnh vực của họ mà cán bộ trẻ không thể có được. Khi họ về hưu là những tài nguyên này, những mối quan hệ này cũng khó có thể tiếp tục phát huy. Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để phát huy được những thế mạnh này của người cao tuổi?”

Nguyên Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG: "Đúng là thời gian qua, Đảng và nhà nước ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách để mà phát huy vai trò của người cao tuổi và đã thu được nhiều kết quả hết sức quan trọng. Tuy nhiên, so với cái lợi thế, năng lực tiềm tàng, trí tuệ, uy tín, kinh nghiệm của người cao tuổi so với những lớp tuổi khác thì phải nói rằng có những lợi thế rất lớn mà chúng ta chưa phát huy cao độ lợi thế này. Tôi cho rằng đây là một nguồn tài nguyên vô giá của đất nước mà chúng ta còn để lãng phí rất nhiều.

Cho nên để khắc phục cái tình trạng này, nhược điểm này, khuyết điểm này. Nói khuyết điểm cũng đúng thì tôi nghĩ rằng hơn ai hết, trước hết là tổ chức Hội người cao tuổi cần phải tiếp tục tổ chức tập hợp và phát huy cao độ và rộng rãi cái năng lực tùy theo sức khỏe và năng lực của mỗi người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, cũng kịp thời tham mưu cho Đảng và Nhà nước các chủ trương và những chính sách đúng đắn kịp thời để nhằm phát huy vai trò vị thế, vị trí của từng người một ở các cấp, trong mọi miền của đất nước và mọi ngành nghề. Làm được điều đó thì chắc chắn, trí tuệ, uy tín, năng lực, sự hiểu biết, kinh nghiệm của người cao tuổi tiếp tục được phát huy. Điều đó, sẽ làm cho thế nước vững chắc hơn, vững vàng hơn, góp phần cùng với các thế hệ tuổi tác khác để thúc đẩy công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đi đến thắng lợi hoàn toàn. Những điều mong mỏi đó không chỉ riêng đối với người cao tuổi đâu mà kể cả các thế hệ lãnh đạo đất nước qua mọi thời kỳ cũng đều mong muốn như vậy. Tôi tin rằng, trong giai đoạn mới, Hội người cao tuổi Việt Nam sẽ được phát huy vai trò, vị trí của mình, nhằm khắc phục những nhược điểm mà tôi nêu thì chắc chắn sẽ tăng thêm thế nước, sức mạnh trong giai đoạn mới."

Tăng Sắc