Nhân vụ thiếu thuốc điều trị ngộ độc botulinum: Trăn trở khi thuốc hiếm phải “ăn đong từng bữa”

TPHCM thời gian qua liên tục ghi nhận chùm ca ngộ độc botulinum, trong khi đó loại thuốc điều trị độc tố này lại không phải loại thuốc được sản xuất đại trà. Hiện chỉ có duy nhất một công ty tại Canada sản xuất theo đơn đặt hàng yêu cầu của chính phủ, các quốc gia, tổ chức. Cho nên, đây thuộc một trong những loại thuốc hiếm không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Câu chuyện thuốc hiếm phải "ăn đong từng bữa" luôn là trăn trở của những người trong ngành y.  

6 lọ thuốc giải được chuyển từ kho tại Thuỵ Sĩ của WHO về TPHCM vào tối 24/5. Ngay sau đó, thuốc được phân bổ về các bệnh viện. Tuy nhiên, cũng trong tối cùng ngày, bệnh nhân tại bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tử vong mà không kịp truyền thuốc.

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho biết, không có chỉ định dùng thuốc cho 2 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện nữa. Các bệnh nhân này đều đã liệt cơ hoàn toàn, đang được nuôi dưỡng, thở máy, chăm sóc tích cực.

Theo các chuyên gia ngành y tế, việc dự phòng thuốc hiếm cho các trường hợp cấp cứu là rất cần thiết, cần được thực hiện ở cấp quốc gia.

Hiện Điều 53 tại dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định trường hợp mua sắm thuốc hiếm, thuốc cần mua số lượng ít thì có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung. Tuy nhiên, quy định này đang làm khó cho các cơ sở y tế.

Để đảm bảo cung ứng thuốc hiếm khi cần, nước ta cần một cơ chế đặc thù đối với việc mua sắm, dự trữ một số loại thuốc hiếm. Không chỉ bổ sung trong luật, mà các cơ sở khám chữa bệnh cũng cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan không để thiếu thuốc, sẵn sàng cứu chữa bệnh nhân trong bất kì hoàn cảnh nào.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Phương Thảo - Thảo Nguyên - Nhật Huy - Huỳnh Tiến