Nhiều chủ chương, chính sách trong lĩnh vực y tế đang “dậm chân tại chỗ”

Chiều 09/9, Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội làm việc tại Sở Y tế Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016- 2021 và việc thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế- xã hội trong phòng chống dịch Covid -19 theo tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Xem buổi làm việc như cuộc tiếp xúc cử tri giữa ngành y tế với đại biểu Quốc hội, đại diện các cơ sở khám bệnh chữa bệnh đã trình bày nhiều khó khăn, tồn tại vướng mắc khi triển khai Nghị quyết số 30 này và các biện pháp cấp bách liên quan đến phòng chống dịch Covid-19. 

Sau những sai phạm bị xử lý, hiện ngành y tế đứng trước những khó khăn lớn với nhiều văn bản không biết phải gỡ từ đâu. Điều này dẫn đến nhiều chủ chương, chính sách hoạt động y tế “dậm chân tại chỗ” như: Công tác xã hội hóa, đấu thầu, triển khai mua sắm trang thiết bị, thuê máy, mượn máy…

TS. NGUYỄN VĂN THƯỜNG - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang: "Anh em bàn nhiều về cách chấm thầu hay cách làm các bài thầu để làm sao có được giá không phải là quá rẻ mà là giá hợp lý. Đề bài đưa ra là công nghệ ở châu Âu sản xuất ở châu Âu thì được bao nhiêu điểm, công nghệ châu Âu mà sản xuất ở nước thứ 3 thì cho bao nhiêu điểm. Trong quá trình làm anh em cũng hỏi lại là có quy định nào làm như thế và quy định nào cho điểm. Từ khi 151 ngày 01/01/2018 ra đời, Hà Nội không có bất cứ đề án xã hội hóa nào, định giá thương hiệu thế nào, định giá tài sản công thế nào? Không ai làm được, không ai hướng dẫn được. Tất cả các xã hội hóa đều dừng lại".

Theo báo cáo sau thời điểm dịch bệnh bùng phát, hiện lượng thuốc điều trị do Bộ y tế tài trợ cho Hà nội còn tồn kho nhiều. Sở y tế đã có nhiều văn bản báo cáo và đề nghị Bộ y tế điều chuyển các thuốc tài trợ này cho các địa phương có nhu cầu, để tránh hết hạn gây lãng phí, Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phương án xử lý. Thành viên Đoàn giám sát cho rằng vấn đề được nêu rất xác đáng và rất cần có sự điều tiết của Bộ Y tế.

Ông NGUYỄN ANH TRÍ - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội: "Thuốc tồn kho nhiều, thuốc thừa là có thật. Ở đây rõ ràng rất cần sự điều tiết của Bộ Y tế. Tư nhân cũng thừa, không thừa thuốc nhưng thừa khác. Tư nhân quản lý rất chặt không khác gì quản lý tiền trong túi mình, nhưng dịch lúc trầm lúc bổng nên đây là vấn đề rất xác đáng Bộ Y tế cần quan tâm".

Để gỡ vướng, Sở Y tế Hà Nội kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 63 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu theo hướng: Giao cho Thủ trưởng các cơ sở y tế chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt dự toán mua sắm đối với danh mục thuốc đâú thầu tại cơ sở. Đề nghị Bộ y tế sớm hoàn thiện các quy định về đấu thầu thuốc cụ thể, rõ ràng; trong đó quy định rõ trách nhiệm và thời hạn của các cơ quan trong tổ chức thực hiện; Đồng thời cần có cơ chế dự trữ thuốc quốc gia./.

Như Thảo