Nhiều đại biểu đồng tình thí điểm phạm nhân lao động ngoài trại giam

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, các đại biểu Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ, đề nghị Quốc hội cho phép tổ chức thí điểm hoạt động này.

Bởi đây chính là một trong những giải pháp quan trọng đóng góp cho công tác tái hòa nhập cộng đồng, giúp phạm nhân nhân có được tay nghề để dễ tìm được việc làm sau khi mãn hạn tù, qua đó cũng thể hiện tính nhân văn trong chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tổng số phạm nhân đang chấp hành hạ tù khoảng 150.000 người, trong đó 54% trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc là lao động tự do. Trung bình mỗi năm có khoảng 46.000 phạm nhân trong độ tuổi lao động ra trại, cho thấy nhu cầu tìm việc làm rất lớn. Nếu không tổ chức tốt việc lao động, hướng nghiệp cho phạm nhân sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm sau khi mãn hạn tù, dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti, nguy cơ tái phạm lớn. Tuy nhiên, theo các đại biểu, việc thu hút các doanh nghiệp để tạo việc làm cho phạm nhân ngay trong doanh nghiệp là rất khó khăn.

Bà NGUYỄN THỊ THỦY, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn:Trong tổng số 54 trại trên cả nước thì có tới 34 trại đóng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội khó khăn, giao thông đi lại không thuận tiện, dẫn tới chi phí sản xuất cao và các doanh nghiệp không đầu tư. Thời gian qua, Bộ Công an cũng đã tổ chức thí điểm, tại nhiều điểm lao động cũng đã đa dạng hóa các ngành nghề như xây dựng, may mặc, cơ khí thay vì thuần túy chỉ làm nông nghiệp. Nhiều phạm nhân từ chỗ không biết làm nghề gì, đến nay đã có tay nghề vững vàng và nhiều phạm nhân cũng được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm ngay sau khi ra trại”. 

Ông HUỲNH THANH PHƯƠNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh:Tình trạng hiện nay là chưa tương xứng với khả năng phát triển nghề nghiệp cho phạm nhân khi họ chấp hành án phạt tù xong, giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng và giảm khả năng tái phạm tội cũng như là chưa đáp ứng được mong đợi nguyện vọng chính đáng của thân nhân phạm nhân và xu hướng vận động phát triển của xã hội".

Một số ý kiến nhận định, đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với phạm nhân trong việc cải tạo, lao động, chuẩn bị trước 1 bước để phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng; giảm được áp lực về lao động hướng nghiệp dạy nghề trong các trại giam.

Ông LÊ THANH HOÀN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: “Phạm nhân thường sống với sự kỳ thị của xã hội sau khi ra tù, nhiều phạm nhân khi được trả tự do thì bế tắc như bước vào nhà tù thứ 2. Vì vậy, việc tổ chức lao động dạy nghề sẽ như mở khóa với nhà tù thứ 2 này, giúp cho họ tái ra nhập cộng đồng”. 

Bà PHAN THỊ NGUYỆT THU, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh: “Nghị quyết nếu được thông qua sẽ tác động tích cực với phòng chống tội phạm, góp phần tăng cường kỹ năng, trình độ lao động… thể hiện tính nhân văn trong thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước ta”.

Các đại biểu đồng tình với việc Quốc hội cho phép thí điểm mô hình này trong thời gian 5 năm để góp phần thu hút các tổ chức, cá nhân trong việc hợp tác với trại giam tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam, đồng thời đảm bảo chặt chẽ việc cải tạo, lao động của phạm nhân và an toàn tại các khu lao động.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam