Nhiều đơn vị chưa bố trí kinh phí hỗ trợ phụ nữ nghèo sinh con đúng chính sách

Việc thực hiện Nghị định 39/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ chính sách cho phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số còn khó khăn do nhiều đơn vị chưa bố trí kinh phí. Đây là ý kiến ghi nhận được trong buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc với Bộ Y tế sáng 18/3.

Hoạt động nằm trong chương trình giám sát "Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021”

Chính phủ đã ban hành Nghị định 39 về chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số, theo đó Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và xã hội đã có thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Nghị định này. Tuy nhiên các đại biểu cho rằng việc triển khai nghị định thời gian qua trong thực tiễn chưa tốt, nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí thực hiện. Đồng thời cũng cần phải có đánh giá tác động với các văn bản liên quan như Quyết định 861 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phân định vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển hay Thông tư 02 quy định nhiệm vụ của cộng tác viên dân số. 

Bà TRẦN THỊ HOA RY, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Khi giám sát về việc triển khai quyết định 861 và quyết định 612 từ địa phương phản ánh lên là chưa có kinh phí thực hiện, Bộ Y tế có nắm được không và hướng giải quyết vấn đề như thế nào. Một văn bản quy phạm pháp luật cố gắng ban hành đã tốt nhưng có phù hợp với thực tiễn hay không và có đảm bảo văn bản đó thực hiện nghiêm túc hay không cũng là trách nhiệm của Bộ chủ quản.”

Bà NGUYỄN THỊ SỬU, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế: “Thông tư 02 quy định tiêu chuẩn nhiệm vụ của cộng tác viên dân số. Giai đoạn 2016-2021 là giai đoạn mà sáp nhập trung tâm dân số ở địa phương vào trung tâm y tế điều đó cũng làm hụt thông tin truyền thông và thực hiện các dịch vụ cấp địa phương và có những khó khăn, cần đánh giá tác động của nhóm cộng tác viên dân số để triển khai các nhiệm vụ này.”

Trao đổi thêm về nội dung này, đại diện Bộ Y tế cho rằng đây là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, mặc dù giai đoạn đầu triển khai có nhiều khó khăn do lúng túng trong phối hợp giữa các đơn vị nhưng những năm qua Bộ Y tế đã tích cực triển khai, có kiểm tra giám sát về vấn đề này, do đó cũng thu được một số kết quả khá tốt.

Ông PHẠM VŨ HOÀNG, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế: “Tính theo đối tượng thì trong giai đoạn 5 năm đã chi trả được 73775 đối tượng, tương ứng với 1147 tỷ nhưng cũng có 1146 đối tượng vi phạm đã thu hồi được 1 tỷ 422 triệu đồng và vẫn đang tiếp tục rà soát nhưng vẫn khó thu hồi do đối tượng là người dân tộc thiểu số, họ nhận tiền nhưng họ vẫn vi phạm, đẻ con không theo quy định.”

Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết, việc triển khai nghị định khó khăn còn do các đơn vị thường không bố trí kinh phí hoạt động quản lý để thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong Nghị định này và các thông tư liên quan như công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, giám sát hỗ trợ đi lại, ăn ở để cộng tác viên một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đi tới từng hộ, rà soát đối tượng, không có kinh phí in ấn biểu mẫu, hồ sơ.

Phan Xanh