• 1042 lượt xem
  • 11:35 20/06/2023
  • Kinh tế

Nhiều động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam 2022

Năm 2021 vừa đi qua, nhưng dịch Covid 19 đã trực tiếp tác động tới mọi mặt của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, với việc nhìn trực diện khó khăn không né tránh, cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân nên kinh tế Việt Nam năm 2021 có nhiều điểm sáng, tạo động lực tăng trưởng cho năm 2022.

Năm 2021 vừa đi qua, nhưng dịch Covid 19 đã trực tiếp tác động tới mọi mặt của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, với việc nhìn trực diện khó khăn không né tránh, cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân thực hiện mục tiêu kép “vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế” nên  kinh tế Việt Nam năm 2021 có nhiều điểm sáng, tạo động lực tăng trưởng cho năm 2022. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia khi nhìn lại 1 năm Việt Nam đối diện với nhiều thử thách. 

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế, GDP cả năm đạt 2,58% khi nhiều tháng trước đó không tăng hoặc tăng trưởng âm. Kim ngạch xuất nhập khẩu là điểm nhấn năm nay khi đạt trên 668,5 tỷ USD, tăng hơn 22,6% đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 29 tỷ USD. Bên cạnh đó, một số ngành sản xuất hàng dệt may, máy móc thiết bị, phụ tùng phục hồi rất khả quan.

Ông JACQUES MORISSET - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam: GDP năm nay của các quốc gia trên thế giới đều được dự báo tăng trưởng trung bình 5 - 6%, trong khi đó GDP Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 2%. Sau 1 thời gian phải đóng cửa nền kinh tế từ cuối tháng 4 cho đến cuối tháng 9, Việt Nam đã có sự phục hồi đáng ghi nhận trong những tháng cuối năm, các ngành cung cấp và ngành sản xuất tăng trưởng nhanh đến bất ngờ. Ví dụ trong tháng 11 lĩnh vực sản xuất tăng trưởng ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu cũng tương tự. Như vậy, một mặt phía cung đang ghi nhận sự hồi phục nhưng mặt khác chúng ta cũng ghi nhận một thực trạng rằng phía cầu, lĩnh vực bán lẻ và nhu cầu về dịch vụ đang ở mức thấp.

Việc hoàn thành bao phủ vaccine, là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình khôi phục các hoạt động kinh tế có thể phải đối mặt với một số trở ngại, như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những nút thắt về logistics, thiếu hụt lao động, việc triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp để tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa vẫn còn bất cập. Chính vì thế, các chính sách hỗ trợ phát triển cần chú ý tạo động lực kích thích nền kinh tế; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn, tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp.

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG - Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội: Năm 2022 đòi hỏi đầu tư thêm nguồn lực giúp cho nền kinh tế bứt phá nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn thì cần đầu tư thêm nguồn lực cho doanh nghiệp. Ví dụ tăng thêm chính sách để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng với 1 lãi suất thấp. Đặt thêm các nguồn lực đầu tư công nhưng thông qua phương thức nhà nước đặt hàng DN, Nhà đầu tư tư nhân. Như thế chúng ta sẽ có thêm các nguồn lực đầu vào, các yếu tố cầu , tạo thêm công ăn việc làm cho kinh tế khu vực khác.

Ông MẠC QUỐC ANH - Phó Chủ tịch Hiệp hội  Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội: Các doanh nghiệp mong muốn cùng với việc hoãn, giãn thì nên giảm. Bên cạnh đó kích thích thị trường tiêu dùng nội địa, cần có chương trình xúc tiến, trực tuyến trực tiếp để DN có thể lưu thông hàng hóa. DN ổn định giá nguyên liệu đầu vào, hiện giá nguyên liệu đầu vào cao.

Theo các chuyên gia, nếu kiểm soát tốt đại dịch và đó là yếu tố tiên quyết, Việt Nam sẽ có thể tiếp tục tiến trình phục hồi kinh tế, với đà tăng trưởng xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân để khôi phục kinh tế trong nước. Hướng đi cần thiết để phục vụ mục tiêu này, là hỗ trợ tài chính cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng của Covid-19, chăm lo tốt an sinh xã hội để người dân yên tâm sản xuất.