Nhìn lại tuần: Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trong tuần làm việc vừa qua, Quốc hội đã dành 2 ngày để thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội, và ngân sách nhà nước. Cụm từ “hồi sức cho doanh nghiệp” có lẽ là cụm từ được các đại biểu Quốc hội nhắc đến nhiều nhất, bởi với tư duy rằng, sức khỏe doanh nghiệp có tốt thì nền kinh tế mới mạnh.

Những vấn đề thực tế đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ bên ngoài kia, đã được các đại biểu Quốc hội mang vào hội trường Diên Hồng để cùng thảo luận. Thẳng thắn nhìn vào những số liệu không tô hồng, như 77 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm, hay như là mặt bằng lãi suất ở mức 13% 14% thì không khác gì khiến doanh nghiệp knock out ngay trên sân nhà, hay nguyên nhân khiến hơn 1 triệu tỷ đồng ngân quỹ “đắp chiếu” ở ngân hàng…đều là những vấn đề làm nóng hội trường. Trong 2 ngày bàn về kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước, đã có gần 150 đại biểu chờ phát biểu để chỉ ra những nghịch lý của nền kinh tế.

Là người trực tiếp gắn bó với doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Thân - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là không có tiền để hoạt động. Ngay cả khi có đơn hàng, doanh nghiệp cũng không đủ vốn để đầu tư hay khôi phục hoạt động sản xuất.

Gần 10 nghìn doanh nghiệp tham gia khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), có tới 82,3% doanh nghiệp cho biết dự kiến sẽ phải cắt giảm quy mô , tạm ngừng kinh doanh. 4 thách thức lớn nhất doanh nghiệp đang phải đối mặt: Khó khăn về đơn hàng (59%); khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51%); Khó về thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45%); Nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31%).

Đây là con số đáng báo động và tương đồng với báo cáo của Tổng cục Thống kê mà đại biểu Quốc hội đã chỉ ra, khi 4 tháng đầu năm cả nước có có 77.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Những số liệu biết nói cho thấy khả năng chống chịu của doanh nghiệp đã tới hạn. Hiến kế để tiếp sức cho nền kinh tế, đại biểu cho rằng, hơn lúc nào hết, cần tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phục hồi, bằng cách kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023. Chính phủ cần thực thi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn.

Mời quý vị cùng theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam