Nhìn ra thế giới: Đẩy mạnh phục hồi hệ sinh thái - Vì một tương lai bền vững

Từ các khu rừng, đất trồng trọt, cho tới các sông hồ nước ngọt và đại dương, sự sống và sự đa dạng của hệ sinh thái trên trái đất chính là nền tảng tạo nên sự thịnh vượng và hạnh phúc của con người. Thế nhưng chúng ta lại đang khiến những tài nguyên quý giá này suy thoái một cách đáng báo động. Nỗ lực khôi phục hệ sinh thái cũng chính là nỗ lực mang một tương lai bền vững.

PHỤC HỒI SINH THÁI VÙNG NÚI

Khu vực vùng núi chiếm khoảng một phần tư diện tích đất liền trên trái đất, với hệ sinh học đa dạng cùng nguồn nước ngọt cung cấp cho một nửa nhân loại. Theo các nhà nghiên cứu, hiện nay công tác khôi phục hệ sinh thái vùng núi cần phải cân nhắc tới toàn bộ cảnh quan, trong đó cần bảo vệ dòng nước, quy hoạch cơ sở hạ tầng như đê đập và đường sá tốt, nhằm tránh tình trạng phân mảnh các con sông và những môi trường sống khác. 

ALBANIA BẢO TỒN CON SÔNG HOANG DÃ CUỐI CÙNG Ở CHÂU ÂU

 Bắt nguồn từ vùng núi ở Hy Lạp đến biển Adriatic ở Albania, con sông Vjosa trải dài 300km, là con sông hoang dã lớn nhất trên lục địa châu Âu. Hoang sơ, hoàn toàn không có các rào cản nhân tạo như các đập thủy điện, con sông là nơi sinh sống của hơn 1100 loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài đang bị đe dọa.

Trong bối cảnh những con sông ở châu Âu đang bị khai thác và xây dựng các đập thủy điện, phá hủy cảnh quan và các hệ sinh thái xung quanh, các nhà bảo vệ môi trường và người dân địa phương cư ngụ quanh con sôngVjosa mong muốn chính phủ có các biện pháp bảo vệ Vjosa và hệ sinh thái xung quanh dòng sông hoang sơ này. Nhiều cuộc vận động đã được tiến hành, và rất may những nỗ lực của họ đã được đền đáp. Chính phủ Albania vừa quyết định đã ký một Biên bảo ghi nhớ để xây dựng một công viên quốc gia ở khu vực này. 

Thủ tướng Albania EDI RAMA: Vjosa là con sông hoang dã cuối cùng sẽ không đi vào lối mòn khai thác tận lực như các con sông khác ở châu Âu. Vjosa sẽ tạo ra tương lai dưới một hình thức khác, đó là một công viên quốc gia.”

Theo các nhà hoạt động môi trường, biến vùng đất ven sông Vjosa thành công viên quốc gia sẽ bảo vệ con sông và hệ sinh thái đặc biệt hoang sơ của nó khỏi bất kỳ sự khai thác nào.

Bà BESJANA GURI, Tổ chức phi chính phủ Eco Albania: “Việc bảo vệ con sông Vjosa như một công viên quốc gia là thực sự cấp thiết trong bối cảnh các nhà máy thủy điện có kế hoạch được xây dựng trên các nhánh sông. Trên toàn lưu vực Vjosa, 45 nhà máy thủy điện được quy hoạch. Bence và Shushice là hai trong số các phụ lưu chính và cũng đang bị đe dọa bởi các nhà máy thủy điện. Vì vậy đây là bước đi thật sự quan trọng và có ý nghĩa.”

Đối với cư dân địa phương, những người đã gắn bó với con sông và nỗ lực để bảo vệ nó, việc Chính phủ quyết định xây dựng công viên quốc gia có ý nghĩa lớn khi cuộc sống hàng ngày của họ phụ thuộc phần lớn vào dòng sông và hệ sinh thái xung quanh.

Ông SOTIR ZAHOALIAJ, Người dân Albania: Nước từ một nhà máy thủy điện đã được quy hoạch đi qua các đường ống, là nước chúng tôi dùng để tưới tiêu. Ngoài ra, toàn bộ đàn gia súc của thôn được chăn thả trên núi, chúng có thể đi xuống dọc con sông để uống nước. Nếu những điều tự nhiên này bị hủy hoại, chúng tôi sẽ phải dời đi, lấy chỗ cho các nhà máy thủy điện. Nhưng nếu Chính phủ đầu tư vào đây bằng cách xây dựng công viên quốc gia, các khu bảo tồn, khu nghỉ dưỡng ngắm cảnh, nền kinh tế của chúng tôi sẽ phát triển.”

TRUNG QUỐC PHỤC HỒI HỒ NHĨ HẢI 

Hồ Nhĩ Hải (Ertai) là một hồ nước ngọt nằm trên núi ở tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc. Đây là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc với diện tích 250 km2, trải dài ôm trọn thành phố cổ Đại Lý, cùng người dân thành phố trải qua nhiều thăng trầm trong vài thập kỷ qua để giữ lại được vẻ xanh sạch như ngày hôm nay.

Vào cuối những năm 1990, nhiều vùng nước của hồ Nhĩ Hải từng bị ảnh hưởng bởi tảo biển và ô nhiễm. Thời gian đó, với nhiều nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương trong việc cải thiện tình trạng ô nhiễm, nước hồ đã trong xanh trở lại, thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan khung cảnh “biển giữa núi” này. Từ đó cho tới những năm 2010, cùng với nghề đánh bắt cá truyền thống, du lịch mang lại thu nhập chính cho người dân trong khu vực.

Nhiều ngư dân đã chuyển sang kinh doanh du lịch, xây dựng các khu homestay, khách sạn, nhà hàng… Kết quả, sự bùng nổ du lịch trên thực tế đã tác động mạnh đến cảnh quan và môi trường hồ Nhĩ Hải. Theo thống kê, từ năm 2011 đến năm 2016, số lượng khách du lịch đến thăm Đại Lý và hồ Nhĩ Hải đã tăng từ 15 triệu lên 39 triệu du khách. Nhưng số liệu thống kê cũng cho thấy, do lợi ích kinh tế đem lại quá lớn, khoảng 90% nhà hàng và khách sạn xung quanh hồ Nhĩ Hải đã hoạt động bất hợp pháp - đây cũng là nguồn ô nhiễm chính khi đều không có các cơ sở xử lý nước thải và thải thẳng ra hồ.

Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đi thị sát quanh hồ và làm việc cùng chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm của một trong 2 hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh Vân Nam này. Ông đã yêu cầu chính quyền có các biện pháp mạnh tay để bảo vệ môi trường xung quanh hồ.

Chủ tịch Trung Quốc TẬP CẬN BÌNH: Tôi đã chụp một bức ảnh cùng với bí thư tỉnh ủy và tỉnh trưởng bên hồ Nhĩ Hải. Tôi nói với họ rằng mấy năm nữa tôi sẽ chụp một bức ảnh khác, và hy vọng rằng khi đó nước hồ sẽ sạch và trong hơn bây giờ. Nếu không, tôi sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm.”

Năm 2017, chính quyền tỉnh Vân Nam đã công bố một loạt các biện pháp bảo vệ môi trường mạnh tay, bao gồm cả lệnh cấm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống thải chất ô nhiễm vào hồ Nhĩ Hải. Kể từ đó, hơn 24.000 nhà hàng và homestay trong khu vực quanh hồ đã phải đóng cửa.

Ông HÀ LÂM THÀNH, Người dân Đại Lý: “Riêng tôi đã mất 30.000 đô la Mỹ vì phá sản thời gian đó. Nhưng lần này chúng tôi không hối tiếc. Bởi vì cuộc sống của chúng tôi dựa vào hồ Nhĩ Hải, và chỉ khi hồ Nhĩ Hải trở lại như trước kia, xanh sạch đẹp, thì chúng tôi mới có thể phát  trưởng bền vững được.”

Chính quyền địa phương cũng xây dựng một hành lang sinh thái mới dọc theo bờ hồ, động thái được rất nhiều người dân ủng hộ và cùng chung tay thực hiện. Họ đã hiểu ra rằng, hồ Nhĩ Hải càng trở nên sạch trong hơn thì người dân địa phương càng được hưởng lợi nhiều hơn.

Với việc cải thiện chất lượng nước, nhiều người dân địa phương, trong đó có ông He Licheng, đã bắt đầu các hoạt động kinh doanh khác vào năm 2020. Ông He được phân khoảng 234,7 ha đất để trồng lúa và hạt dầu. Đây cũng là một phần trong chính sách phát triển ngành nông nghiệp xanh và hữu cơ của Trung Quốc.

Như vậy, sau hơn hai thập kỷ nỗ lực bền bỉ để làm sạch nước và bờ hồ Nhĩ Hải, giờ đây cả người dân địa phương và du khách đều có thể tận hưởng môi trường thanh bình và tươi đẹp này. Hy vọng rằng đây không phải là điều gì đó tạm thời, mà nó sẽ tồn tại mãi cho các thế hệ mai sau.

Chủ tịch Trung Quốc TẬP CẬN BÌNH: “Chúng ta phải tôn trọng thiên nhiên, đối xử tốt và bảo vệ thiên nhiên, xây dựng một ngôi nhà nơi con người và thiên nhiên cùng chung sống hài hòa.”

PHỤC HỒI SINH THÁI RỪNG

Rừng và cây cối giúp trái đất của chúng ta trở thành hành tinh xanh, là nơi có thể sinh sống được. Cải thiện tình trạng của các khu rừng bị suy thoái, bảo tồn các loài động thực vật hoang dã cũng như bảo vệ đất và các nguồn nước thuộc hệ sinh thái rừng đang được đẩy mạnh thời gian gần đây. Theo các nhà môi trường, diện tích đất từng bị sử dụng giờ bị bỏ hoang chính là khu vực lý tưởng để phục hồi rừng.

AUSTRALIA: CẢI TẠO HỆ SINH THÁI TỪ MỎ THAN CŨ

 Tập đoàn khai thác mỏ Glencore của Thụy Sĩ hoạt động tại Australia đang nỗ lực cải tạo hệ sinh thái tại khu vực mỏ than cũ Mount Owen, một trong những mỏ than lâu đời nhất tại đất nước này. Trong bối cảnh tập đoàn khai thác mỏ này đã cam kết hạn chế sản xuất than, thay vào đó ưu tiên đầu tư các sản phẩm khác để tham gia vào quá trình chuyển đổi sang vận tải và năng lượng sạch, đây tiếp tục là một hoạt động có ý nghĩa nâng cao hình ảnh của Tập đoàn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Glencore bắt đầu khai thác mỏ than Mount Owen - cách thủ đô Sydney khoảng 225,3 km - từ năm 1998. Tập đoàn này cho biết, khoảng một phần ba trong tổng số 9.000 ha đất đã sử dụng cho hoạt động khai thác, trong khi 1.600 ha đã được phục hồi cho đến nay.

Ông JASON DESMOND, Quản lý môi trường và cộng đồng của Glencore: “Ở phía sau này bạn có thể thấy chúng tôi đã tiến hành cải tạo hệ sinh thái khu vực này. Chúng tôi đã bắt đầu từ năm 2019 với bản thiết kế dạng địa hình tự nhiên, bạn có thể nhìn thấy các đường lõm, rãnh, đường thoát nước… Chúng tôi xây dựng nhiều dạng môi trường sống khác nhau trong toàn bộ khu vực, tương tự với địa hình tự nhiên xung quanh.”

Tập đoàn sản xuất than lớn nhất ở Australia đã thu được lợi nhuận tăng vọt trong năm nay do giá hàng hóa tăng cao và nguồn cung bị gián đoạn, nhưng các cổ đông quan tâm đến môi trường đã kêu gọi ban lãnh đạo tập đoàn tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường. Dự án tái tạo hệ sinh thái này sẽ giúp Glencore nêu bật những nỗ lực về môi trường của mình đối với các nhà đầu tư. Tập đoàn cho biết, dự án cải tạo hệ sinh thái này có sự tham gia của một nhóm khoảng 500 người bao gồm các nhà khoa học và kỹ sư môi trường, để nỗ lực hồi phục đất đai, cây rừng và cả bảo tồn các loài động thực vật hoang dã xung quanh mỏ than cũ.

Ông JASON DESMOND, Quản lý môi trường và cộng đồng của Glencore: “Chúng tôi đã tiến hành nhiều đợt cải tạo. Như bạn có thể thấy, khi đi qua khu vực này, trông hệ sinh thái đã rất giống như một khu rừng tự nhiên mà bạn sẽ lái xe qua vào cuối tuần với gia đình.”

Thời gian gần đây, Glencore thông báo để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế phát thải khí carbon thấp hơn, tập đoàn đặt mục tiêu tập trung đầu tư vốn vào sản xuất các mặt hàng cần thiết cho việc chuyển đổi năng lượng và vận tải, và hạn chế công năng sản xuất than ở mức hiện nay.

LIÊN MINH CHÂU ÂU CẮT GIẢM SỬ DỤNG THUỐC TRỪ SÂU BẢO VỆ HỆ SINH THÁI

 Uỷ ban châu Âu mới đây đã đề xuất các ràng buộc pháp lý đối với tất cả các quốc gia thành viên về việc cắt giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa trên toàn liên minh. Đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy bảo vệ môi trường đầy tham vọng của Liên minh châu Âu hướng tới xây dựng ngành nông nghiệp bền vững hơn. Ủy ban châu Âu mong muốn có những mục tiêu mang tính ràng buộc về pháp lý giúp giảm 50% lượng thuốc trừ sâu sử dụng trên toàn liên minh và phục hồi chất lượng cho 20% diện tích đất và biển vào năm 2030. 

 Bà STELLA KYRIAKIDES, Ủy viên Y tế Uỷ ban châu Âu: “Chúng tôi lần đầu tiên đề xuất các mục tiêu giảm rõ ràng để giảm sự ràng buộc, cũng như các quy tắc có thể thực thi để tiến tới giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu ở Liên minh châu Âu vào năm 2030. Chúng tôi trực tiếp bảo vệ sức khỏe công dân của mình bằng cách cấm sử dụng thuốc trừ sâu hóa học ở khu vực nhạy cảm.”

Việc các quy định mới được đưa ra không phải là để cấm hoàn toàn việc sử dụng thuốc trừ sâu, mà là biến chúng thành biện pháp cuối cùng. Theo đề xuất của Ủy ban châu Âu, các loại thuốc trừ sâu chỉ được sử dụng khi không còn lựa chọn nào khác, bị cấm sử dụng tại những khu vực thuộc diện được bảo vệ và các không gian xanh tại các đô thị như công viên hay các khu vườn nội đô. Người nông dân sẽ được hỗ trợ tài chính trong 5 năm để bù đắp những chi phí phát sinh do quy định mới. 

Bà STELLA KYRIAKIDES, Ủy viên Y tế Uỷ ban châu Âu: Chúng tôi sẽ hỗ trợ tài chính cho nông dân trong 5 năm tới theo từng bước, điều này sẽ được xem xét. Chúng tôi cũng sẽ đồng hành với quá trình chuyển đổi bằng cách thay thế thuốc trừ sâu bằng các loại thuốc sinh học khác thông qua việc nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Kể từ khi bắt đầu kế hoạch này, chúng tôi đã phê duyệt 20 giải pháp thay thế thuốc trừ sâu với rủi ro cho môi trường thấp hơn, và công việc này sẽ tiếp tục được đẩy nhanh thời gian tới.”

Dù vậy, hiện quy định này đang vấp phải sự phản đối từ các bên tham gia những lĩnh vực sản xuất nông nghiệp quan trọng, cho rằng việc giảm mạnh sử dụng thuốc trừ sâu có thể khiến sản lượng vụ mùa giảm và giá lương thực tăng.

Quy định được đưa ra trong bối cảnh hoạt động canh tác nông nghiệp - lâm nghiệp dày đặc và đô thị hóa nhanh chóng khiến môi sinh tự nhiên tại khu vực các nước Liên minh châu Âu suy giảm ngày càng mạnh. Công tác bảo tồn hầu hết các vùng môi sinh tự nhiên và các loài cần được bảo vệ tại Liên minh châu Âu đều bị đánh giá là yếu kém, trong đó số lượng ong và các loại bướm thụ phấn đã giảm tới 1/3. Trong khi đó, tình trạng xói mòn đất đã khiến châu Âu thiệt hại khoảng 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) sản lượng nông nghiệp mỗi năm. Chính vì vậy, Ủy ban châu Âu cũng đề xuất một loạt các quy định mới nhằm phục hồi hệ sinh thái tự nhiên - một nỗ lực để tăng cường bảo vệ sức khỏe và phục hồi số lượng động vật hoang dã đang suy giảm nghiêm trọng trong khu vực. 

Ông FRANS TIMMERMANS, Phó Chủ tịch điều hành Uỷ ban châu Âu: Lần đầu tiên, chúng tôi đề xuất một đạo luật yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu nỗ lực hồi phục sinh thái. Chúng ta cần hồi phục 80% môi trường tự nhiên đang ở trong tình trạng xấu và đưa các thành phố, thị trấn, khu rừng, đất nông nghiệp, biển, hồ và sông trở về với vẻ tự nhiên vốn có, những thứ mà chúng ta muốn và cần. Điều này không chỉ là vì sức khỏe thể chất mà còn vì sức khỏe tinh thần của chúng ta. Đây là điều sẽ giúp chúng ta tự tin hơn vào khả năng phục hồi môi trường tự nhiên một cách bền vững.” 

Ủy ban châu Âu đã đưa ra các mục tiêu ràng buộc để tăng số lượng quần thể chim ở khu vực đất nông nghiệp, đảo ngược sự suy giảm của các loài thụ phấn như ong, đồng thời khôi phục 25.000km sông vào năm 2030. Các quốc gia sẽ phải đưa ra các kế hoạch hành động để đóng góp cho mục tiêu này của Liên minh.

Sau thập niên 2011-2020 hành động vì đa dạng sinh học, Liên hợp quốc đã xác định giai đoạn 2021 - 2030 có mục tiêu quyết liệt hơn trong tiến trình tái thiết môi trường sống chung của nhân loại, đó là phục hồi của các hệ sinh thái trên thế giới, ngăn chặn sự tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhấn mạnh, điều may mắn là Trái đất có khả năng phục hồi và vẫn còn thời gian để đảo ngược những thiệt hại mà con người đã gây ra, chính vì vậy mà mỗi quốc gia, mỗi chính phủ và mỗi cá nhân cần cùng đóng góp sức lực, để có thể tiếp tục chung sống hòa bình với thiên nhiên và bảo đảm một tương lai tốt đẹp và thịnh vượng hơn cho tất cả.

Hồng Nhung