Nhìn ra thế giới: Bài toán than đá và mục tiêu phát triển bền vững

Là nguồn nhiên liệu giá rẻ và nguồn nhiên liệu chính để sản xuất điện tại nhiều nước, nhưng than đá lại là nhân tố riêng lẻ lớn nhất gây ra ô nhiễm…Việc sử dụng than đá cũng là một trong những vấn đề gây chia rẽ giữa các nước phát triển và đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

MẶT TRÁI CỦA NGÀNH KHAI THÁC THAN ĐÁ

Ngành công nghiệp than đá của Nam Phi lớn thứ 5 thế giới, với hơn 90.000 công nhân khai thác, tạo ra 80% điện năng và cung cấp nguyên liệu đầu vào để sản xuất 25% nhiên liệu lỏng cho các phương tiện giao thông. Tuy nhiên, cái giá của ngành công nghiệp khổng lồ này lại vô cùng lớn và không chỉ ở khía cạnh khí hậu.

Vành đai than đá của Nam Phi luôn bị bao phủ bởi sương khói và bụi than cùng mùi hôi nồng nặc của lưu huỳnh. Theo các chuyên gia, khu vực phía đông Johannesburg là một trong những khu vực ô nhiễm nhất thế giới, tương đương với Bắc Kinh và New Delhi.

Năm 2017, chuyên gia về ô nhiễm không khí người Anh Mike Holland tính toán rằng tác động đối với sức khỏe từ khí thải của Tổng Công ty Điện Lực Nam Phi Eskom nói riêng khiến Nam Phi thiệt hại tới 2,37 tỷ USD mỗi năm.

Đối với người dân tại thị trấn Emalahleni, ngành khai thác than đá còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, đặc biệt ở trẻ em.

Chị MBALI MATABULE, Người dân địa phương: Các mỏ than không giúp ích cho cộng đồng của chúng tôi. Nhà của chúng tôi bị nứt, vì người ta cho nổ mỏ để tìm than. Họ thực hiện điều đó 4-5 lần trong ngày. Mỗi lần như thế, nhà tôi lại rung lên và bám đầy bụi đen. Con gái tôi mỗi lần nghe tiếng nổ là vội vàng chạy mà chẳng nhìn thấy gì vì mắt nó đã bám đầy bụi. Thực sự, than ở đây không có giá trị với người dân như tôi.

Tháng 5 /2018, bé Princess – con gái của chị Mbali Matabule, khi ấy gần 4 tuổi - bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khó thở. Chị Matabule vội đưa em đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán em bị mắc hen suyễn. Kể từ ấy, chiếc mặt nạ gắn máy phun sương đã trở thành vật dụng quen thuộc với Princess. Trong suốt 3 năm qua, chị Matabule luôn sống trong nỗi sợ hãi thường trực đó là con gái của chị sẽ không vượt qua được căn bệnh quái ác này.

Chị MBALI MATABULE - người dân địa phương: Tôi rất lo lắng, cảm giác như con mình sẽ không sống được bao lâu vì những mỏ than này. Tôi sợ bất cứ lúc nào cũng có chuyện không hay ập đến với nó.

Theo nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp do Reuters thực hiện năm 2019, vành đai than đá của Nam Phi có hơn 5.000 người chết mỗi năm do chính phủ không thể bắt buộc thực thi các tiêu chuẩn chất lượng không khí. Gần 1/4 số hộ gia đình trong khu vực, nơi có 3,5 triệu người sinh sống, có con bị hen suyễn dai dẳng. Tỷ lệ nay cao gấp đôi tỷ lệ trên toàn quốc.

Bác sĩ ALEXIS MASHIFANE, Thị trấn Emalahleni, Nam Phi: Hai vấn đề phổ biến nhất mà chúng tôi điều trị ở trẻ em và người lớn ở đây là tình trạng viêm mũi và hen suyễn. Trên thực tế, hầu hết các bác sĩ xung quanh đây đều trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này, đơn giản vì có quá nhiều người mắc bệnh.

Việc đốt than thải ra nhiều hóa chất độc hại như lưu huỳnh, nitơ oxide, thủy ngân, chì và các nguyên tố phóng xạ như uranium và thorium. Không khí ở Emalahleni có số lượng hạt ô nhiễm nhiều hơn khoảng 20% so với giới hạn của quốc gia này và nhiều hơn gấp ba lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

Chị SYLIVIA PHAHLAMHLAKA, Người dân địa phương: Thật sự khó khăn khi phải sống ở một nơi toàn bụi như thế này. Chúng tôi thi thoảng sẽ bị sốt, và mắc các bệnh về hô hấp, viêm xoang. Việc chúng tôi thường làm là đến hiệu thuốc, mua các loại thuốc để uống, nếu không điều trị chúng sẽ sớm phải nhập viện. Lúc đó thì tiền cũng không có để chữa bệnh.

Chị ANNA MAZORO, Người dân địa phương: Chúng tôi không thể sống thoải mái vì bụi và mùi than bay khắp mọi nơi. Chúng tôi không phải những người tiêu thụ than mà chúng tôi là những nạn nhân của khói bụi từ than.

Theo Tổ chức phi lợi nhuận Global Carbon Atlas, Nam Phi là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 12 trên thế giới và cũng là một trong những nước chịu thiệt hại nhiều nhất vì biến đổi khí hậu.

Trong một nỗ lực nhằm đảm bảo nguồn đầu tư nước ngoài, Eskom đặt ra kế hoạch 10 tỉ USD để đến năm 2050 đóng cửa hầu hết các nhà máy đốt than đá ở Nam Phi và chuyển sang các loại năng lượng tái tạo như gió và năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, các nỗ lực của Eskom đã đặt công ty này vào cuộc xung đột với Bộ trưởng Năng lượng Gwede Mantashe – người gọi việc từ bỏ than đá là “tự sát kinh tế”.

Anh BOBBY PEEK, Nhà hoạt động môi trường: Có tới 12 nhà máy điện than ở khu vực Mpumalanga ở Nam Phi, và có lẽ đây là những nhà máy lớn nhất thế giới, với công suất tới 4,000 MGW. Những nhà máy này không hề có cơ chế kiểm soát ô nhiễm và tất cả đều hoạt động trên dây chuyền cũ. Do đó, bụi độc cứ thế bay ngoài không khí và bay vào phổi những người dân. Chắc chắn lá phổi những người dân nơi đây chứa đầy bụi than và không sớm thì muộn họ cũng đều bị bệnh.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) được tổ chức tại Glasgow, Vương quốc Anh, than đá nằm trong xu hướng được thúc đẩy thay thế bằng nhiên liệu sạch hơn. Nhiều quyết định đã được đưa ra như từ bỏ than đá theo lộ trình để cứu lấy môi trường lẫn sức khỏe của người dân, đặc biệt là những đứa trẻ.

CAM KẾT TỪ BỎ THAN ĐÁ THEO LỘ TRÌNH

Than đá là nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất, việc đốt than đá phát thải khí nhà kính, yếu tố tác động lớn nhất tới biến đổi khí hậu. Do đó, việc giảm khai thác than trên thế giới được coi là hành động quan trọng để đạt được các mục tiêu khí hậu đã được thống nhất trên toàn cầu.
3005- Indonesia - quốc gia sử dụng nhiều than đá bậc nhất thế giới, khẳng định sẽ có thể loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm môi trường vào năm 2040 nếu nhận được hỗ đỡ tài chính từ quốc tế.

Bà SRI MULYANI INDRAWATI, Bộ trưởng Tài chính Indonesia: Chúng tôi đang giới thiệu một cơ chế chuyển đổi năng lượng, đó là ngừng sử dụng than đá sớm hơn, và chính xác là vào năm 2040, chúng tôi có thể loại bỏ than. Nếu không hành động thì điều này sẽ phải trì hoãn đến năm 2060. Do đó, để hiện thực hóa kế hoạch này, chúng tôi cần phải có kinh phí để loại bỏ than đá sớm hơn và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Quần đảo Đông Nam Á này quốc gia đông dân thứ tư thế giới và là nhà phát thải khí nhà kính lớn thư 8 toàn cầu, trong đó than đá chiếm khoảng 65% tổng điện năng. Indonesia cũng là nước xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới. 

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26), Indonesia đã công bố các kế hoạch chi tiết nhằm chuyển sang năng lượng sạch hơn, trong đó vấn đề chính là loại bỏ than đá.

Bà SRI MULYANI INDRAWATI, Bộ trưởng Tài chính Indonesia: Chúng tôi muốn thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu theo một cách đáng tin cậy. Hãy nói về chi phí, về các kế hoạch, về hệ quả. Chúng tôi không nói suông mà chúng tôi đang đề cập đến những kế hoạch cụ thể và phải được tính toán kỹ lưỡng.

Trước đó, Indonesia từng đưa ra thông báo đang có kế hoạch loại bỏ dần than đá trong ngành nhiệt điện vào năm 2056, như một phần trong kế hoạch nhằm được đạt lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 hoặc sớm hơn.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố kế hoạch hỗ trợ Indonesia và Philippines đóng cửa 50 nhà máy nhiệt điện trong 10-15 năm tới với 2 nguồn quỹ trị giá hàng tỉ USD. Theo ADB, một quỹ dùng cho việc dừng hoạt động hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng các nhà máy nhiệt điện, quỹ còn lại đầu tư vào năng lượng sạch. Dù vậy, kế hoạch còn thiếu nhiều chi tiết hành động cụ thể. Theo tính toán được đưa ra, Indonesia phải cần đến 200 tỷ USD mỗi năm trong thập niên này để đầu tư vào năng lượng sạch. 

 Cũng tại Hội nghị COP26, hơn 40 quốc gia đã đạt được thỏa thuận về loại bỏ dần việc sản xuất điện từ nhiên liệu than đá và và ngừng xây mới các nhà máy nhiệt điện than, trong đó có một số quốc gia tiêu thụ nhiều than như Canada, Ba Lan, Ukraine và Việt Nam. 

Theo đó, các bên kí kết thỏa thuận đã cam kết loại bỏ dần điện than vào năm 2030 đối với các nền kinh tế lớn và vào năm 2040 đối với các quốc gia nghèo hơn. Ngoài ra, hàng chục tổ chức tư nhân cũng đã ký vào cam kết, trong đó HSBC và Export Development Canada là 2 trong số những ngân hàng lớn đồng ý thoái vốn khỏi ngành than. Cam kết này được các nhà vận động gọi là “bước đi lịch sử” để chặn dòng tiền đầu tư cho các dự án nguyên liệu hóa thạch.

HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Là quốc gia đông dân nhất thế giới và cũng là nhà phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới, Trung Quốc từ lâu đã phải đau đầu với bài toán cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế Trung Quốc trong hàng thập kỷ qua đã gây ra hệ lụy về mặt môi trường. Các vấn đề về ô nhiễm đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối tại đất nước tỷ dân này. Do đó, để giải quyết vấn nạn này, các chính sách phát triển xanh và bền vững đang trở thành trọng tâm trong chương trình nghị sự của chính phủ Trung Quốc.

Tại Kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) khóa XIII, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm cải thiện môi trường và thúc đẩy phát triển xanh và nền kinh tế các-bon thấp; nỗ lực giải quyết các vấn đề ô nhiễm, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái, tăng cường phát triển kinh tế, đồng thời giảm lượng khí thải và đảm bảo sự hài hòa hơn giữa con người và thiên nhiên.

Thủ tướng Trung Quốc LÝ KHẮC CƯỜNG: "Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện môi trường và thúc đẩy phát triển xanh và các-bon thấp. Chúng tôi sẽ thực hiện các bước đi tổng thể để cải thiện môi trường và nỗ lực để đạt được lợi ích vững chắc trong cuộc chiến chống ô nhiễm. Chúng tôi sẽ cải thiện các chính sách hỗ trợ các ngành bảo vệ môi trường trong việc tiết kiệm năng lượng và tiến hành bảo tồn các hệ sinh thái núi, sông, rừng, đất canh tác, hồ, đồng cỏ và sa mạc, nhằm mục đích làm cho ngôi nhà chung của chúng ta trở nên xanh và đẹp hơn".

Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng khẳng định, Trung Quốc vẫn kiên trì với mục tiêu đề ra đó là đạt đỉnh lượng khí thải carbon dioxide trước năm 2030, đạt được mức độ trung hòa carbon trước năm 2060 và giảm cường độ carbon hơn 65% trước năm 2030 so với mức năm 2005.

Thủ tướng Trung Quốc LÝ KHẮC CƯỜNG: "Dựa trên nguồn tài nguyên của mình, Trung Quốc sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng các-bon thấp, phù hợp với kế hoạch tổng thể và nguyên tắc thiết lập cái mới trước khi xóa bỏ cái cũ. Chúng tôi sẽ nỗ lực để đảm bảo quá trình khai thác và sử dụng than trở nên sạch hơn và hiệu quả hơn, thúc đẩy nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ xanh và các-bon thấp vì mục tiêu sống và làm việc xanh”.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, chính phủ Trung Quốc cùng các bộ ban ngành và người dân đã và đang đẩy mạnh các kế hoạch phát triển xanh.

 Minh chứng mới nhất là, trạm thủy điện cao nhất Trung Quốc, nhà máy Lianghekou (Lưỡng Hà Khẩu), đã chính thức đi vào hoạt động toàn diện vào giữa tháng 3 vừa qua, đóng góp đáng kể vào việc phát triển năng lượng sạch cũng như lập chín kỷ lục thế giới về xây dựng trạm thủy điện.

Được xây dựng ở độ cao trung bình khoảng 3.000 mét với tổng công suất lắp đặt là 3 triệu kilowatt, Lianghekou là nhà máy điện lớn thứ bảy nằm trong lưu vực sông Nhã Lung thuộc tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc.

Ngoài thủy điện, nhà máy Lianghekou cũng góp phần thúc đẩy các dự án năng lượng sạch bao gồm nước, gió và mặt trời ở lưu vực sông Nhã Lung. Tổng quy mô sản xuất năng lượng sạch trong lưu vực dự kiến sẽ vượt 80 triệu kilowatt, đưa khu vực này trở thành một trong những cơ sở năng lượng xanh lớn nhất thế giới trong tương lai.

 Ông QI NINGCHUN (Kỳ Ninh Xuân), Giám đốc Công ty Phát triển Thủy điện sông Nhã Lung: "Nhà máy thủy điện bậc thang sông Yalong, thông qua khả năng điều tiết ưu việt, có thể giúp ổn định sự bất ổn của việc phát điện gió và điện mặt trời, đồng thời thúc đẩy sự phát triển quy mô lớn của năng lượng gió và mặt trời. Đồng thời, các kênh truyền tải thủy điện hiện có cũng có thể được sử dụng để truyền tải điện năng sạch nhằm thúc đẩy tiêu thụ năng lượng xanh, sạch và tái tạo xuyên khu vực ở lưu vực sông Yalong và góp phần thực hiện các mục tiêu 'carbon kép' của Trung Quốc ".

 Bên cạnh thủy điện, điện gió ngoài khơi cũng là một thế mạnh của Trung Quốc. Tính đến giữa tháng 3/2022, tổng sản lượng điện của trang trại điện gió ngoài khơi quy mô gigawatt đầu tiên của Trung Quốc đã vượt mốc một tỷ kilowatt giờ điện sạch. 

Nằm ngoài khơi thành phố Dương Giang, tỉnh Quảng Đông, siêu dự án điện gió ngoài khơi Shapa là động lực phát triển xanh cho Vùng vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macao. Với tổng công suất lắp đặt 2 triệu kW, trang trại có khả năng cung cấp 5,6 tỷ kWh năng lượng điện sạch cho Vùng Vịnh Lớn mỗi năm.

Kể từ khi hòa vào lưới điện hết công suất vào ngày 25/12/2021, dự án đã sản xuất hơn 1 tỷ kWh điện sạch, có thể thay thế 307.600 tấn than dùng trong ngành nhiệt điện và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của 500.000 gia đình ba người trong một năm.

 Ông WANG WUBIN (Vương Vũ Bân), Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng tái tạo Tam Hiệp Trung Quốc: "Trong dự án này, chúng tôi đã sử dụng tất cả các dạng công nghệ được dùng cho điện gió ngoài khơi trên toàn cầu. Chúng tôi kết hợp sức mạnh sản xuất trong toàn bộ chuỗi công nghiệp để thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ chuỗi công nghiệp và nền kinh tế địa phương". 

Trang trại điện gió Shapa là dự án đầu tiên áp dụng hệ thống chống bão tích cực được hỗ trợ từ xa bởi mạng lưới vệ tinh Bắc Đẩu. Dự án này cũng được trang bị một hệ thống giám sát tình trạng chính xác cao, có thể theo dõi hoạt động của quạt turbine bất cứ lúc nào.

Ông CHEN XIAOHAI (Trần Tiểu Hải), Phó giám đốc bộ phận kinh doanh của tập đoàn Goldwind: "Thông qua công nghệ thông tin liên lạc Beidou, chúng tôi kích hoạt chức năng chống bão để giảm thiểu tác động của bão, giúp đảm bảo an toàn cho tổ máy phát điện”.

Được xem là "nút thắt" của công nghệ cung cấp năng lượng sạch từ biển, cáp ngầm là thiết bị chủ lực của truyền tải điện xuyên biển. Khác với trên đất liền, môi trường đại dương với điều kiện khắc nghiệt, như nước ăn mòn mạnh và rạn san hô dưới đáy biển, đặt ra yêu cầu cao hơn về chất lượng của dây cáp để thực hiện vận chuyển đường dài.

Ông XIA FENG (Hạ Phong), Chủ tịch hãng sản xuất cáp biển Orient Cable: "Chúng tôi đã đặt tổng cộng hơn 770 km dây cáp cho dự án gió ngoài khơi Shapa. Chúng tôi đã khắc phục một số vấn đề kỹ thuật trên toàn thế giới như sản xuất và kiểm tra chất lượng cáp biển quy mô siêu lớn, nắm vững các kỹ thuật cốt lõi bao gồm cả công nghệ tạo hình cáp kích thước lớn và mối nối mềm”.

Trong những năm gần đây, công nghệ điện gió ngoài khơi đã phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc. Năm ngoái, công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi của Trung Quốc đứng đầu thế giới, tạo thành một chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng điện gió hoàn chỉnh với sức cạnh tranh toàn cầu.

Đinh Giang