Nhìn ra thế giới: Biến đổi khí hậu và những tác động đến sinh kế khu vực Địa Trung Hải

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp trên toàn cầu, theo cảnh báo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, khu vực Địa Trung Hải cũng đang phải đứng trước nguy cơ trở thành “điểm nóng” về biến đổi khí hậu như sẽ phải hứng chịu các đợt cháy rừng, hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt hơn do nhiệt độ gia tăng.

Theo đó, hơn 500 triệu dân tại Địa Trung Hải sẽ đối mặt với những rủi ro về khí hậu, như mực nước biển dâng cao, sự mất đa dạng sinh học ở trên cạn và dưới biển, hạn hán, cháy rừng, vòng tuần hoàn của nước thay đổi, hoạt động sản xuất lương thực bị đe dọa....

Liên hợp quốc cảnh báo: hàng chục triệu người dân sẽ đối mặt với nguy cơ cao thiếu nước sạch, ngập úng vùng ven biển và hứng chịu nắng nóng gay gắt, thêm 93 triệu người ở phía Bắc Địa Trung Hải đối mặt với nắng nóng ở mức cao hoặc rất cao vào giữa thế kỷ này…Trong bối cảnh đó, sinh kế của hàng chục triệu người đang bị đe doạ nghiêm trọng…

Vùng châu thổ sông Nile ở Ai Cập, gần bở biển Địa Trung Hải, là một tam giác xanh tươi và đông dân cư, trải dài ra biển phía Bắc Cairo và chiếm hơn 1/3 diện tích đất nông nghiệp của Ai Cập. H
àng chục nghìn nông dân Ai Cập trong khu vực đang chạy đua để thích ứng với tình trạng xâm lấn mặn ở đồng bằng sông Nile.C ác chuyên gia và nông dân ở Ai Cập cho biết, độ mặn gia tăng ở vùng đồng bằng sông Nile có nhiều nguyên nhân khác nữa, bao gồm việc khai thác nước ngầm quá mức và sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu. Tuy nhiên tình trạng này trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu, vốn đã làm tăng mực nước biển và nhiệt độ ở Ai Cập.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố trong tháng 11 vừa qua cho biết, Ai Cập, với dân số 104 triệu người, là quốc gia dễ bị tổn thương thứ năm trên toàn cầu trước tác động của mực nước biển dâng cao, gây ra rủi ro về nông nghiệp và nước uống do ngập lụt, xói mòn và xâm nhập mặn.

Đảo Kerkennah của Tuynidi, một quần đảo yên bình với người dân làm nghề đánh bắt hải sản là chính. Nhưng những mẻ lưới, từng ngập tràn cá tôm, giờ lại là loài cua xanh, nổi tiếng hung dữ. 

Từ mấy năm trở lại đây, sự xuất hiện của loài cua phàm ăn này đã khiến các ngư dân tức giận, thậm chí buộc chính phủ Tuynidi  và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc phải ngồi lại để tìm ra giải pháp. 

Theo một báo cáo năm 2021 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WFF), gần 1.000 loài ngoại lai hiện đã xâm nhập vào vùng biển này, phần lớn bằng cách “quá giang” trên các chuyến tàu. Vì vậy, ngư dân ở đây sẽ phải tiếp tục tìm cách thích nghi với những sự thay đổi này và nhiều thay đổi hơn nữa mà biến đổi khí hậu đem lại trong tương lai.

Chúng ta chưa quên, mùa hè vừa qua, các quốc gia châu Âu thuộc Địa Trung Hải như Tây Ban Nha, Pháp, Italia, Hy Lạp… đã chứng kiến ​​những trận cháy rừng dữ dội nhất từng được ghi nhận. Trong bối cảnh khu vực Địa Trung Hải đang ấm lên nhanh hơn 20% so với mức trung bình toàn cầu, biến đổi khí hậu đã góp phần thêm vào các đám cháy rừng và khiến chúng trở nên đáng sợ hơn. 

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!

Hồng Nhung