Nhìn ra thế giới: Các tỷ phú đứng sau cam kết phát thải ròng bằng 0 của Ấn Độ

Thành phố Jamnagar tại Ấn Độ là cỗ máy kiếm tiền của người đàn ông giàu có nhất châu Á Mukesh Ambani. Công ty của ông – Reliance – sở hữu nhà máy lọc dầu lớn nhất, được đặt tại thành phố này, sản xuất 6,8 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.

“Nếu như bạn đặt chân tới nơi này. Bạn sẽ thấy một vùng đất trải dài mênh mông. Và đây chính là nơi mà tiền được đổ vào những khu phức hợp khổng lồ. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy những nhà máy hiện diện tại khu vực này.”

Jamnagar cũng chính là vùng đất mới nhất được Ambani đặt cược số tiền khổng lồ. 10 tỷ USD được rót cho các dự án năng lượng xanh. Tham vọng của ông cũng đồng nhất với kế hoạch của chính phủ Ấn Độ, đó là đạt tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070 và mở rộng sản lượng năng lượng tái tạo đến mức kỷ lục. Và Ambani không hề đơn độc. Người đàn ông giàu thứ hai tại Ấn Độ, Gautam Adani cũng đã cam kết đầu tư 20 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

“Khoản đầu tư của 2 nhà tài phiệt lớn nhất Ấn Độ vào năng lượng tái tạo cũng tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt. Khi những khoản tiền lớn được đổ vào lĩnh vực này, nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra. Điều này sẽ giúp thúc đẩy mục tiêu được Ấn Độ đặt ra, đó là chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh hơn vào năm 2030.”

Tuy nhiên, sự lệ thuộc rất lớn của Ấn Độ vào nhiên liệu hóa thạch và các nhà máy nhiệt điện, sử dụng than nhập khẩu từ nước ngoài vẫn đặt ra nhiều thách thức. Các nhà hoạt động vì môi trường đặt câu hỏi, tham vọng chuyển đổi xanh của nhiều người, trong đó có hai tỉ phú giàu có nhất Ấn Độ, có thực sự chân thành và có thể hiện thực hóa hay không. Để tạo ra động lực đưa Ấn Độ - vốn là một trong những nước phát thải khí nhà kính lớn nhất trên thế giới – đi tới một tương lai xanh hơn, liệu hai nhà tỷ phú có sẵn sàng từ bỏ nguồn lợi từ nhiên liệu hóa thạch hay không? 

“Hai tập đoàn lớn là Reliance và Adani đều đã vạch sẵn ra lộ trình đầy tham vọng phía trước. Giờ đây, họ sẽ phải vượt qua những bài kiểm tra ngặt nghèo.”

CÁC TỶ PHÚ ĐỨNG SAU CAM KẾT PHÁT THẢI RÒNG BẰNG 0 CỦA ẤN ĐỘ

Bà BHUMA SHRIVASTANA, Phóng viên Bloomberg: “Ấn Độ giành độc lập vào năm 1947. Hai thập kỷ tiếp theo, Ấn Độ phát triển nền kinh tế với nhiều đặc điểm mang phong cách Xô-viết. Sau đó, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra kế hoạch phát triển mới. Mọi thứ bắt đầu thay đổi từ những năm 1970, khi chính phủ dần rút ra phía sau, và những chỗ trống bắt đầu được lấp đầy bởi bởi các doanh nghiệp gia đình lớn. Họ vận hành các mô hình kinh doanh trên mọi lĩnh vực. Ngày nay, họ đã trở thành các tập đoàn hùng mạnh. Thập niên 1980 tiếp tục ghi nhận những thay đổi. Đây cũng là thời điểm khởi đầu của Tập đoàn Reliance, được thành lập bởi Dhirubhai Ambani. Đây là một tập đoàn nổi bật và mang tính biểu tượng, với nhiều câu chuyện ấn tượng, mang lại nhiều lợi ích cho các cổ đông của họ. Tập đoàn Adani được thành lập muộn hơn một chút, vào cuối những năm 1980, nhưng cũng ngay lập tức có những bước phát triển đáng kể.”

Ông RAJESH KUMAR SINGH, Phóng viên Bloomberg: “Mukesh Ambani là người giàu nhất châu Á và nằm trong số những người giàu nhất thế giới. Ông ấy xây dựng đế chế của mình dựa trên nhiên liệu hóa thạch, dầu mỏ và ngành công nghiệp hóa dầu. Sau đó, ông ấy tiếp tục thành lập nên một liên doanh viễn thông, cũng vô cùng phát triển và dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa. Giống như Mukesh Abani, Gautam Adani cũng là một nhà kinh doanh rất thông minh.”

Ông DEBJIT CHAKRABORY, Phóng viên Bloomberg: “Ông ấy đã bỏ học đại học và khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực kim cương. Sau đó, ông ấy chuyển về Ahmedabad để cùng anh trai kinh lĩnh vực sản xuất đồ nhựa, trước khi tự mình lập nghiệp với tập đoàn Adani vào những năm 1980. Tập đoàn này có lĩnh vực kinh doanh rộng lớn, từ cảng biển, khai thác than tới vận hành các cảng hàng không. Adani và Ambani là hai nhà tài phiệt lớn. Nhiều người nói rằng, họ giống như tỷ phú Rockefeller ở thời hiện đại.”

Ngày nay, khi các nhà kinh doanh giàu có như Ambani và Adani ngày càng giàu hơn, thì khoảng cách giàu nghèo tại Ấn Độ lại ngày càng nới rộng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người giàu nhất Ấn Độ tuy chỉ chiếm 1% dân số nhưng lại sở hữu khối tài sản nhiều hơn gấp 4 lần những người nghèo nhất, vốn chiếm tới 70% dân số. 

“Trong vài năm qua, khi đại dịch xảy ra, thị trường chứng khoán đã thực sự tăng tốc. Điều này giúp tiền chảy ào ạt vào túi của các tỉ phú, trong đó có hai tỉ phú Ấn Độ là Ambani và Adani. Có hàng triệu người dân không thể tìm kiếm được việc làm. Hàng triệu người bị cắt giảm tiền lương."

Giờ đây, khi chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Nadrendra Modi đặt mục tiêu biến Ấn Độ, từ nước phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới, trở thành quốc gia dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, cả Ambani và Adani đều đang đặt cược lớn vào năng lượng xanh. 

Ông RAJESH KUMAR SINGH, Phóng viên Bloomberg: “Từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, chính quyền của Thủ tướng Modi đã dành nguồn lực to lớn để thúc đẩy năng lượng sạch. Khi nhìn vào cơ cấu năng lượng tại Ấn Độ, có thể thấy rằng nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm phần lớn. Khoảng 45% lượng điện năng được tạo ra từ than đá, khoảng 25% từ dầu. Khí đốt, cũng là nhiên liệu hóa thạch, nhưng là một loại nhiên liệu hóa thạch sạch hơn, chiếm khoảng 6%. Năng lượng sinh khối cũng chiếm tỷ trọng đáng kể. Phần còn lại thuộc về thủy điện – một loại năng lượng tái tạo, và điện hạt nhân. Năng lượng tái tạo vẫn chiếm tỉ lệ rất nhỏ.”

Ông DEBJIT CHAKRABORY, Phóng viên Bloomberg: “Nếu xét tổng thể về năng lượng tái tạo, chúng ta có khoảng 100 gigawatt, và mục tiêu hiện nay là đạt được 175 gigawatt vào năm 2022, và cuối cùng là đạt tới 450 gigawatt vào năm 2030.”

“Các doanh nghiệp cần phải hành động dựa trên những nhu cầu khẩn cấp, để hạn chế hiện tượng ấm lên toàn cầu. Điều đó sẽ đảm bảo cơ hội lớn nhất trong hàng thập kỷ tiếp theo. Trong cuộc đua để đẩy lùi thảm họa đối với hệ sinh thái này, thế giới có thể dựa vào sự dẫn dắt của Ấn Độ.”

Adani Green Energy là người dẫn dắt trong cuộc chơi này. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty này là năng lượng mặt trời, với khả năng tạo ra 15 gigawatt năng lượng tái tạo, tức là 15% sản lượng điện tái tạo của Ấn Độ. 

“Lĩnh vực năng lượng tái tạo đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong những năm vừa qua. Giá cổ phiếu đã tăng chóng mặt, hơn 600 lần. Điều này đã khiến Adani thu được thêm 20 tỉ USD.”

Nhưng nhà tỉ phú này còn muốn nhiều hơn thế. Adani Green Energy đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Adani nói rằng, ông ấy sẽ đầu tư thêm 20 tỉ USD vào lĩnh vực này trong 1 thập kỷ tới. Nhưng chặng đường thống trị của ông ấy có thể sẽ không hề dễ dàng, khi Mukesh Ambani cũng tham gia vào cuộc chơi. 

Ambani nói rằng ông ấy sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào năng lượng mặt trời, năng lượng hydro xanh, các loại pin và pin nhiên liệu trong vòng 3 năm tới, cạnh tranh với kế hoạch đã được Adani đưa ra. 

Cả hai tỉ phú đều tập trung vào sản xuất các tấm năng lượng mặt trời. Và đây có thể trở thành lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt giữa hai nhà tài phiệt này. 

Ông RAJESH KUMAR SINGH, Phóng viên Bloomberg: “Có hai yếu tố có thể giúp hạ giá thành sản xuất năng lượng mặt trời. Bạn cần các mô-đun lắp ráp có giá trẻ hơn, và nguồn vốn rẻ hơn. Và nguồn vốn rẻ hơn là điều mà cả hai tập đoàn này đều có thể đạt được. Điều thú vị liên quan tới kế hoạch của ông Ambani đó là các mô-đun cấu phần đều được tạo ra tại Ấn Độ. Ambani là người đầu tiên cố gắng sản xuất các tấm năng lượng mặt trời ngay từ điểm khởi đầu của chuỗi giá trị. Ông ấy đã lên kế hoạch để tạo ra silicon đa tinh thể, ông ấy đã lên kế hoạch để tạo ra các tấm pin và cấu phần để sản xuất năng lượng mặt trời. Ông ấy muốn giảm giá thành hơn nữa, vì hiện nay, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 50% các cấu phần mô-đun cần thiết từ Trung Quốc. Ambani muốn thay đổi điều đó. Ông ấy muốn chứng minh rằng, Ấn Độ có thể tự mình sản xuất ra các tấm năng lượng mặt trời.”

Một mặt trận đối đầu nữa giữa hai tỉ phú rất có thể là về lĩnh vực điện phân. Quá trình điện phân sẽ giúp phân tách nước thành hydro và oxy. Nếu quá trình này sử dụng điện được tạo ra bởi các nguồn năng lượng tái tạo, thì khí hydro được tạo ra sẽ được gọi là hydro xanh. 

Ông DEBJIT CHAKRABORY, Phóng viên Bloomberg: “Khí hydro vẫn là một nguồn năng lượng tái tạo rất mới mẻ. Tất cả mọi người đều đang bàn tán về việc sử dụng hydro xanh như thế nào. Cho đến nay, vẫn chưa có công ty nào tại Ấn Độ tiến hành sản xuất hydro xanh. Nhưng hydro được dự báo sẽ trở thành nguồn nhiên liệu được tất cả mọi người ưa chuộng. Những xe ô tô vận hành bằng năng lượng hydrogen sẽ chỉ thải ra một lượng nước nhỏ mà thôi. Mukesh Ambani đã từng nói rằng, ông ấy đặt mục tiêu sản xuất hydro xanh với mức giá chỉ 1 đô la cho mỗi kg, nhưng hiện nay, chi phí sản xuất khí hydro xanh là rất cao trên toàn thế giới. Nếu như công ty Reliance có thể đạt được mục tiêu bán 1 kg hydro xanh chỉ với giá 1 đô la, họ sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc chơi.”

Adani cũng có kế hoạch sản xuất khí hydro với giá rẻ. 

“Chúng tôi tự định vị là nhà sản xuất khí hydro rẻ nhất trên thế giới, vốn được kỳ vọng là một nguồn năng lượng, bên cạnh đó là sản xuất nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác mà chúng tôi có ý định chiếm lĩnh.”

Ông RAJESH KUMAR SINGH, Phóng viên Bloomberg: “Mặt tích cực của tất cả những điều này đó là chúng sẽ giúp ích cho những người tiêu thụ năng lượng tái tạo tại Ấn Độ. Chính quyền cũng sẽ cảm thấy hài lòng khi chứng kiến sự cạnh tranh như vậy, vì khi hai nhà kinh doanh lớn cạnh tranh với nhau, thì tiềm năng trong tương lai là rất tươi sáng, nhiều khả năng giá cả sẽ tiếp tục được giảm xuống.”

Rất khó để tìm kiếm được một không gian rộng lớn, đủ để triển khai tất cả các dự án đầy tham vọng này. 

“Đất đai là một vấn đề đầy thách thức đối với tất cả các doanh nghiệp tại Ấn Độ khi họ muốn tạo ra các khu công nghiệp lớn. Nhiều khi, các doanh nghiệp buộc phải chuyển địa điểm, và kéo theo nhiều hệ lụy.”

Khi Adani chưa có được một kế hoạch đảm bảo nào để triển khai các cơ sở sản xuất, thì Ambani đã nắm bắt được cơ hội. Ngay bên cạnh khu phức hợp nhiên liệu hóa thạch đặt tại Jamnagar, Reliance đang xây dựng các nhà máy sản xuất nhiên liệu hydro và trang trại điện mặt trời, với mục tiêu tạo ra 100 gigawatt điện tái tạo vào năm 2030. Nhưng người dân tại khu vực này đang có những phản ứng trái chiều. 

Ông GHANSHYAM JADEJA, Người dân Jamnagar: “Trang trại điện mặt trời của Reliance đang được xây dựng. Và điều đó sẽ giúp tạo ra nhiều cơ hội hơn cho người dân tại ngôi làng này, cũng như gần 50 ngôi làng khác xung quanh khu vực này.”

Ông BIPIN SHETH, Người dân Jamnagar: “Tất cả mọi người đều muốn có năng lượng xanh, năng lượng sạch. Nhưng tôi không nghĩ rằng việc chuyển đổi sẽ đồng nghĩa với việc đóng cửa các nhà máy lọc dầu trong tương lai gần.”

“Nhiên liệu hóa thạch đã giúp vận hành nền kinh tế trong gần 300 năm qua, nhưng giờ đây chúng ta không thể tiếp tục lâu thêm nữa. Khí thải carbon bị thải ra ngoài môi trường đã đe dọa sự sống trên trái đất.”

Đối với đế chế nhiên liệu hóa thạch của Ambani, dầu vẫn giữ vị thế độc tôn, đóng góp gần 60% trong tổng số 73 tỷ đô la doanh thu hàng năm của Reliance. 

Ông RAJESH KUMAR SINGH, Phóng viên Bloomberg: “Đây là một điểm đáng chú ý đối với các công ty đang bước chân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nếu họ vẫn tiếp tục kiếm lợi từ nhiên liệu hóa thạch. Tôi không chắc chắn đến khi nào họ mới muốn loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch. Điều đó sẽ không xảy ra trong tương lai gần.”

Một báo cáo chỉ ra rằng, Adani cũng đang tăng cường các kế hoạch về nhiên liệu hóa thạch, mặc dù đã đưa ra cam kết rằng muốn trở thành doanh nghiệp trung hòa carbon. 

Ông PABLO BRAIT, Tổ chức Market Forces: “Adani có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng điện than từ 12 lên tới 24 gigawatt, thông qua việc xây dựng thêm 4 nhà máy nhiệt điện than và mở rộng thêm ít nhất 2 nhà máy đang hoạt động.”

Một trong số đó là mỏ khai thác than Carmichael tại Queensland, Australia. Công ty này có kế hoạch vận chuyển than từ Australia tới các quốc gia châu Á, trong đó có Ấn Độ. Dự án này đã vấp phải phản đối của các nhà hoạt động vì môi trường, và bị các ngân hàng từ chối hỗ trợ. 

“Xét từ góc độ môi trường, thì dự án khai thác than tại Carmicheal của Adani được đánh giá là nguy hiểm nhất trong số tất cả các dự án mới về nhiên liệu hóa thạch mà công ty này dự kiến triển khai. Đây có thể trở thành mỏ khai thác than lớn nhất tại Australia.”

Bà BHUMA SHRIVASTANA, Phóng viên Bloomberg: “Nhưng họ cũng triển khai những dự án năng lượng sạch. Câu hỏi đặt ra là: liệu họ có thể thúc đẩy các dự án năng lượng xanh đến một mức độ đủ để cần bằng lại với các dự án khác, và đạt trung hòa carbon hay không. Và đó là một tình thế rất chênh vênh.”

Từ bỏ nhiên liệu hóa thạch không chỉ là bài toán khó đối với Ambani và Adani mà còn là thách thức đối với cả Ấn Độ. Tổng thống Modi đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070, nhưng đó là một nhiệm vụ rất lớn. Năm 2020, gần 70% lượng điện năng tại Ấn Độ đến từ các nhà máy nhiệt điện than.

“Trong một vài thập niên tới, Ấn Độ sẽ vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, mặc dù tỷ lệ năng lượng tái tạo sẽ gia tăng.”

“Các nhà hoạch định chính sách tại Ấn Độ luôn phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ấn Độ vẫn lệ thuộc nhiều vào than đá và làm cách nào để hoàn toàn rời bỏ than đá là không dễ dàng. Các ngành công nghiệp sử dụng than đá phát thải ra khí nhà kính. Các nhà hoạch định chính sách sẽ tạo ra sự cân bằng như thế nào?”

“Trong ngắn hạn, người dân Ấn Độ có thể sẽ chưa thể hưởng lợi ngay từ các sáng kiến năng lượng xanh đã được công bố bởi 2 nhà tài phiệt. Lợi ích duy nhất mà chúng ta có thể ngay lập tức nghĩ đến là sẽ có nhiều công ăn việc làm hơn khi các dự án này được triển khai. Cần thời gian để các dự án có thể phát huy hiệu quả. Điều đó còn phụ thuộc vào việc các dự án vận hành như thế nào, được tiến hành ra sao, mang lại lợi ích gì. Tuy nhiên, các sáng kiến về năng lượng sẽ vẽ nên lộ trình tiếp theo của hai tập đoàn khổng lồ này. Họ sẽ thành công ra sao. Họ sẽ tạo ra nhiều của cải như thế nào, hay sẽ tàn phá thứ gì. Tất cả vẫn còn ở phía trước."

Kim Ngọc