Nhìn ra thế giới: Chinh phục không gian không còn là cuộc chơi của riêng các cường quốc

Lĩnh vực hàng không vũ trụ thế giới đã chứng kiến nhiều đột phá. Cạnh tranh địa chính trị không gian càng lúc càng tăng nhiệt, cũng là lúc các cường quốc vũ trụ trên thế giới tung ra nhiều chiến lược, dự án tham vọng vươn ra ngoài không gian. Tuy nhiên, đây không còn là cuộc chơi của riêng những cường quốc mà là của các công ty tư nhân khổng lồ.

TRUNG QUỐC VÀ THAM VỌNG ĐẨY MẠNH CHINH PHỤC VŨ TRỤ

2022 được xem là một năm đầy tham vọng với ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc. Trong năm nay, Trung Quốc tập trung chuẩn bị cho kế hoạch khám phá không gian với việc đưa hơn 50 tàu vũ trụ vào không gian. Theo đó, tất cả các bước chuẩn bị cho nhiệm vụ khám phá không gian, từ nghiên cứu, phát triển, sản xuất đến tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại đã được lên kế hoạch tiến hành. 

Hồi tháng 2 vừa qua, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), nhà thầu chính của chương trình không gian của nước này, đã công bố báo cáo về các hoạt động công nghệ và hàng không vũ trụ trong năm 2021. Được gọi là “Sách Xanh về Hoạt động Công nghệ và Hàng không Vũ trụ”, báo cáo không chỉ nhìn lại những thành tựu không gian của Trung Quốc trong năm 2021 mà còn vạch ra những kế hoạch đầy tham vọng cho năm 2022. Theo Sách Xanh, trong năm 2021, Trung Quốc đã thực hiện 55 nhiệm vụ phóng vào không gian, dẫn đầu thế giới về số nhiệm vụ phóng; tổng khối lượng các tàu vũ trụ được phóng lên đạt 191,19 tấn, tăng 85,5% so với cùng kỳ năm trước đó.

Các nhà phát triển tên lửa Trung Quốc cho biết, nước này sẽ tiếp tục tăng cường khả năng phóng vào vũ trụ trên đất liền và trên biển vào năm 2022. Trong năm 2022, các tên lửa mới trên tàu sân bay, như Long March-6A và Smart Dragon-3 của Trung Quốc đã được lên kế hoạch để thực hiện các chuyến bay đầu tiên lên vũ trụ. Riêng tên lửa tàu sân bay Long March-11 sẽ có hai lần phóng trên biển. Ngoài ra, tên lửa hành trình thương mại mới Smart Dragon-3 của Trung Quốc cũng sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên trong năm nay. Smart Dragon-3 là tên lửa quỹ đạo tầm trung và thấp có sức chở 1,5 tấn ở quỹ đạo 500 km. Tên lửa này sẽ được phóng trên một bệ phóng mới trên biển.

Ông LONG UY - Phó chỉ huy tên lửa tàu sân bay Long March-11 và Smart Dragon-3: "Trong tương lai, chúng tôi muốn thực hiện nhiều vụ phóng hơn để thiết lập một phương thức phóng cố định trên biển và nâng cao hiệu quả hơn nữa."

Trung Quốc đã vừa phóng thành công tên lửa nâng hạng trung Long March-8 Y2 theo kế hoạch. Long March-8 là mẫu tên lửa tàu sân bay Long March mới nhất của nước này, có thể đảm nhận hơn 80% nhiệm vụ phóng từ quỹ đạo trung bình và quỹ đạo thấp. Đây cũng là lần phóng đầu tiên cấu hình mới của tên lửa Long March-8 mà không có tên lửa đẩy. Theo nhà phát triển, tên lửa sẽ mang theo 22 vệ tinh thương mại trong sứ mệnh tới, đây là số lượng vệ tinh lớn nhất mà Trung Quốc sẽ phóng trong một chuyến bay. Các vệ tinh này sẽ được sử dụng chủ yếu cho các dịch vụ viễn thám thương mại, giám sát môi trường biển, phòng chống cháy rừng và giảm nhẹ thiên tai.

Cũng theo báo cáo từ Sách Xanh, chỉ tính riêng trong năm nay, Trung Quốc lên kế hoạch phóng hơn 140 vệ tinh. Trong số đó sẽ bao gồm một số vệ tinh phục vụ cho cơ sở hạ tầng không gian dân dụng, giám sát môi trường khí quyển và giám sát carbon. Việc phóng các vệ tinh này được kỳ vọng sẽ đáp ứng các yêu cầu ứng dụng trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, cứu hộ cứu nạn và nhiều lĩnh vực khác.

Năm 2022, Trung Quốc cũng xác định 6 nhiệm vụ không gian trọng tâm cho trạm vũ trụ của riêng mình. 6 nhiệm vụ cho trạm vũ trụ của Trung Quốc bao gồm phóng 2 tàu vũ trụ có người lái, 2 tàu vũ trụ chở hàng không người lái và 2 mô-đun phòng thí nghiệm Vấn Thiên và Mộng Thiên. 

Ông BẠCH LÂM HẦU - Học viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc: "Hai mô-đun phòng thí nghiệm đã hoàn thành việc lắp ráp trên mặt đất, vì vậy về cơ bản chúng đã hoàn thiện. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ khởi động việc phóng hai mô-đun phòng thí nghiệm vào nửa cuối năm nay."

Sau khi hoàn thành, trạm vũ trụ của Trung Quốc sẽ trở thành công trình thay thế duy nhất cho Trạm vũ trụ quốc tế ISS vốn đã hoạt động suốt 20 năm qua. 

Ông BẠCH LÂM HẦU - Học viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc: "Khi hoàn tất, chúng tôi sẽ chạy và thử nghiệm trạm vũ trụ và đảm bảo rằng nó hoạt động ở trạng thái tốt. Sau đó, chúng ta có thể báo cáo toàn bộ quá trình xây dựng và hoạt động của trạm vũ trụ. Có 6 lần phóng trong năm nay và mỗi nhiệm vụ đều rất quan trọng vì mỗi nhiệm vụ sẽ quyết định thành công của nhiệm vụ tiếp theo. "

Ông CHÂU KIẾN BÌNH - Nhà thiết kế Chương trình không gian có người lái của Trung Quốc: "Kỷ nguyên hoạt động của trạm vũ trụ vẫn đang ở giai đoạn đầu. Rõ ràng, sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi sẽ xây dựng trạm vũ trụ của mình trong năm 2022. Các nhiệm vụ dành cho phi hành gia, nhiệm vụ phóng tàu vũ trụ chở hàng và một số lượng lớn các cơ sở khoa học sẽ dần dần được đưa vào hoạt động tại trạm vũ trụ . Sau khi việc xây dựng trạm vũ trụ hoàn tất, chúng tôi cũng có kế hoạch phóng Kính viễn vọng Trạm Vũ trụ Trung Quốc (CSST) lên quỹ đạo vào năm 2023 hoặc 2024, cung cấp cho chúng tôi một phương thức quan sát hiệu quả để tìm hiểu vũ trụ. "

Trung Quốc cũng đang đặt ra tầm nhìn xa hơn đối với ngành hàng không vũ trụ, trong đó có mục tiêu hướng đến Sao Hỏa. Hồi tháng 5/2021, tàu thăm dò Thiên Vấn-1 đã hạ cánh trên hành tinh đỏ, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tham vọng khám phá không gian của Trung Quốc.

Ông CHÂU DUNG KIỀU - Nhà thiết kế Sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa của Trung Quốc: “Kế hoạch tiếp theo của chúng tôi rất rõ ràng. Chính phủ đã xây dựng một kế hoạch chi tiết cho việc khám phá hành tinh đỏ trong tương lai. Bước tiếp theo sẽ là thu thập và mang về các mẫu vật từ các tiểu hành tinh. Chúng tôi gọi nó là sứ mệnh thăm dò tiểu hành tinh và nó đã bước vào giai đoạn nghiên cứu và chế tạo mẫu. Chúng tôi cũng sẽ sớm tiến hành nghiên cứu các mẫu vật thu thập và mang về từ sao Hỏa. Nhiệm vụ này rất khó khăn. Cho đến nay, chưa có quốc gia nào trở về từ sao Hỏa sau khi lấy mẫu, nhưng chúng tôi tự tin sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ này "

Tiếp sau sứ mệnh sao Hỏa, các nhà khoa học Trung Quốc đã chuẩn bị tỉ mỉ và đặt nền móng vững chắc cho việc thực hiện cuộc đổ bộ lên Mặt trăng, sau khi tàu thăm dò Hằng Nga-5 đã thành công mang về các mẫu từ mặt trăng vào cuối năm 2020.

Ông HỒ HẠO - Nhà thiết kế Dự án Khám phá Mặt trăng của Trung Quốc: "Trong giai đoạn thứ ba của sứ mệnh, chúng tôi đang xem xét nhiều điểm để tạo nền móng cho việc hạ cánh lên mặt trăng có người lái, đặc biệt là các chuản bị về kỹ thuật”. 

Trung Quốc cũng đang hiện thực hóa hệ thống định vị toàn cầu của riêng mình thông qua việc xây dựng và phát triển Hệ thống vệ tinh dẫn đường Beidou, được đặt tên theo chòm sao 'Bắc Đẩu'. Là hệ thống định vị không gian trong nhà lớn nhất ở Trung Quốc, dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Theo đó, hệ thống có thể cung cấp các dịch vụ định vị, dẫn đường, đồng thời là một cơ sở hạ tầng không gian quan trọng ở Trung Quốc. 

Ông DƯƠNG THÀNH PHƯƠNG - Nhà thiết kế Hệ thống vệ tinh dẫn đường BeiDou: "Chúng tôi đang giới thiệu thế hệ mới của hệ thống BeiDou. Kế hoạch chi tiết là hiện thực hóa hệ thống không-thời gian toàn diện ở cấp quốc gia vào năm 2035. Trong tương lai, bạn có thể sử dụng hệ thống BeiDou của chúng tôi một cách liền mạch, đáng tin cậy, thuận tiện và hiệu quả trên toàn thế giới, trên đất liền, trên biển, trên không và trong không gian. "

Không chỉ phát triển công nghệ nhằm phục vụ cho ngành hàng không vũ trụ, Trung Quốc cũng thể hiện khát vọng phát triển ngành công nghiệp này qua việc đào tạo những mầm non tương lai thông qua những tiết học từ không gian. Mới đây nhất, ba phi hành gia trên tàu Thần Châu-13 của Trung Quốc đã tổ chức lớp học trực tiếp từ không gian thứ 2 vào ngày 23/3. Buổi phát trực tiếp lớp học trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã thu hút khoảng 3,3 triệu lượt xem và hơn 120 triệu lượt thích. Ủy ban Vận chuyển Không gian của Liên đoàn Du hành vũ trụ Quốc tế cho biết, mặc dù một số quốc gia đã thực hiện các bài giảng trên không gian, nhưng chỉ có Trung Quốc và Mỹ thực hiện được việc phát trực tiếp các bài giảng với sự kết nối hai chiều giữa Trái đất và vũ trụ. Những kiến thức thực tế từ lớp học đặc biệt này sẽ truyền cảm hứng cho các học sinh về một lĩnh vực được dự đoán sẽ rất phát triển trong tương lai

PHÁP HỐI: CHÂU ÂU CẦN TĂNG CƯỜNG VŨ TRANG KHÔNG GIAN

Phát triển theo định hướng không gian là một trong những ưu tiên của Pháp trong nhiệm kỳ chủ tịch Liên minh châu Âu năm 2022. Trong cuộc họp cấp bộ trưởng EU về không gian ở Toulouse, tây nam nước Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết không gian đã trở thành một khu vực của "xung đột đương đại". Theo nhà lãnh đạo Pháp, nghiên cứu vũ trụ là thách thức cần chinh phục và châu Âu phải nhanh chóng xác lập vị thế của mình khi lĩnh vực này trở thành sân chơi cạnh tranh khốc liệt. Đặc biệt với các hoạt động quân sự, ông Macron cho rằng năng lực trinh sát các mục tiêu mặt đất chuyển động đóng vai trò rất quan trọng.

Tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON: "Không gian đã trở thành một trong những lĩnh vực mới của xung đột đương đại. Nếu không kiểm soát không gian, thì sẽ không có được sức mạnh hoàn chỉnh để vừa nắm giữ vận mệnh của con người, vừa chinh phục các thách thức mới. Với tất cả những lý do này, không gian sẽ là ưu tiên của người Pháp trong nhiệm kỳ chủ tịch Liên minh châu Âu năm 2022. Và Pháp đồng thời cũng là thành viên của hội đồng Cơ quan Vũ trụ Châu Âu."

Tổng thống Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của vũ trang không gian, thể chế phóng vệ tinh của EU và sự phát triển của chuỗi vệ tinh liên lạc, có thể được sử dụng để đạt được mục tiêu phủ sóng kết nối toàn cầu.

Tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON: "Chúng ta đã chậm trẽ về vũ trang không gian. Hãy tưởng tượng, hiện tồn tại những vệ tinh do thám có thể tìm cách tương tác với vệ tinh viễn thông của chúng ta. Và các cường quốc khác đang phát triển công nghệ cho phép chúng tiếp cận các vật thể trong quỹ đạo. Tất cả điều này không phải là khoa học viễn tưởng, mà nó đang diễn ra từng ngày. Các đối thủ cạnh tranh của chúng ta hiện đang rót những khoản tiền lớn để phát triển vũ trang không gian”. 

Theo Tổng thống Pháp, châu Âu cần một chính sách táo bạo hơn để bảo vệ chủ quyền không gian khu vực trong bối cảnh lục địa này đang tụt lại so với các đối thủ về khả năng cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực then chốt như công nghệ, khoa học và quân sự. 

Tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON: "Người châu Âu tùy thuộc vào chúng ta, hãy nắm lấy vận mệnh của chúng ta liên quan đến các chòm sao. Và đó là điều cấp thiết. Chúng ta không nên chần chừ, hãy đoàn kết sức mạnh của các quốc gia thành viên và tập hợp lại các sáng kiến khác nhau. "

Hiện tại, dù châu Âu tham gia hay không thì cuộc đua trong lĩnh vực không gian vũ trụ đã rất sôi động, khi có khoảng 72 quốc gia trên thế giới công bố chương trình không gian riêng của mình. Vì vậy, sự góp mặt của châu Âu trước hết là giữ cho châu lục này không bị tụt lại ngày càng xa so với các đối thủ, sau nữa là để bảo vệ lợi ích khu vực.

ELON MUSK VÀ THAM VỌNG GIẢM CHI PHÍ BAY VÀO VŨ TRỤ

Chinh phục không gian không còn là cuộc đua của những siêu cường quốc nhằm củng cố vị thế trên thế giới. Thay vào đó, rất nhiều công ty tư nhân cũng đang tham gia vào cuộc đua thương mại hóa hành trình bay vào vũ trụ. Những công ty tư nhân, điển hình như SpaceX của tỉ phú Elon Musk, hiện đã trở thành những tay chơi lớn trong lĩnh vực này. Bất cứ ai nắm được chìa khoá đưa con người vào vũ trụ một cách an toàn, tiện lợi với chi phí hợp lý sẽ là người có bước nhảy vọt khổng lồ tiếp theo trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Tỷ phú Elon Musk - Giám đốc điều hành SpaceX dự đoán, chi phí liên quan đến việc phóng tên lửa Starship của công ty này sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục trong trong 2-3 năm tới. Ước tính, mỗi vụ phóng sẽ có giá chưa đến 10 triệu USD. 

Ông ELON MUSK - Giám đốc điều hành SpaceX: "Chi phí có thể chỉ là vài triệu đô la cho mỗi vụ phóng. Thậm chí sẽ có những vụ phóng có giá chỉ 1 triệu USD. Điều này thật điên rồ. Đây là những con số thấp điên rồ theo tiêu chuẩn không gian. Bây giờ chúng tôi phải trang trải các chi phí cố định , vì vậy, tùy thuộc vào tỷ lệ phóng của chúng tôi là bao nhiêu, chúng tôi phải chia chi phí cố định cho số lần phóng. Do đó, càng có nhiều vụ phóng, thì tổng chi phí của chi phí đầy đủ cho mỗi chuyến bay sẽ càng thấp. Tôi tự tin rằng tổng số tiền sẽ ít hơn mười triệu USD cho mỗi vụ phóng trong khoảng 2 đến 3 năm tới.” 

Elon Musk ví việc tái sử dụng tên lửa Starship giống như khả năng tái sử dụng của máy bay thương mại. Theo tỷ phú công nghệ người Mỹ, "khả năng tái sử dụng đầy đủ và nhanh chóng" chính là trọng tâm để giảm đáng kể chi phí trong ngành công nghiệp vũ trụ hiện đang cực kỳ tốn kém này. 

Ông ELON MUSK - Giám đốc điều hành SpaceX: "Với Starship, chúng tôi đang hướng tới khả năng tái sử dụng đầy đủ và nhanh chóng. Vì vậy, rõ ràng là chúng tôi cần phải hoàn thành điều đó. Dù vẫn chưa đạt được mục tiêu này, nhưng chúng tôi sẽ đạt được kết quả, miễn là bắt tay vào làm. Chúng tôi đang hướng tới khả năng tái sử dụng nhanh chóng, đó là lý do tại sao tên lửa đẩy sẽ cất cánh và sau đó quay trở lại và hạ cánh tại tháp phóng. "

Tham vọng là thế, tuy nhiên, chương trình Starship không phải là không gặp trục trặc trong giai đoạn thử nghiệm. Vào tháng 2 năm 2021, một tên lửa nguyên mẫu Starship đã phát nổ khi hạ cánh sau một vụ phóng thử nghiệm ở độ cao thành công. Thế nhưng, chỉ 3 tháng sau, một nguyên mẫu Starship đã hoàn thành lần chạm đất thành công đầu tiên.

Công nghiệp vũ trụ là một ngành đầy tiềm năng trong tương lai. Trong khoảng một thập kỷ qua, các công ty hàng không vũ trụ tư nhân, bắt đầu chạy đua vào vũ trụ, mở ra kỷ nguyên mới về chinh phục và khám phá không gian, cạnh tranh trực tiếp với những sứ mệnh vũ trụ của các cường quốc. Những công ty này đang khiến việc tiếp cận không gian hợp lý hơn và hoàn toàn có thể thực hiện được.
 

Bùi Thảo