Tác động của đại dịch Covid-19 suốt 2 năm qua, kéo theo tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng, lạm phát tăng lên mức kỉ lục khiến cuộc sống của hàng tỷ người dân trên thế giới đã và đang bị tác động, đặc biệt với người yếu thế trong xã hội, cuộc sống lại càng trở nên khó khăn hơn. Do đó, vì một xã hội tốt đẹp và công bằng, giúp đỡ người yếu thế ổn định cuộc sống là trách nhiệm của mọi người.
CUỘC SỐNG CHẬT VẬT NGƯỜI CAO TUỔI TRONG THỜI BÃO GIÁ
Cơn bão lạm phát đã và đang càn quét khắp các quốc gia, châu lục. Tại Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, lạm phát trong tháng 4/2022 đã tăng lên 7,79% - mức cao nhất trong vòng 8 năm trong khi lãi suất trung bình tiền gửi có kỳ hạn đã giảm từ 8,5% xuống còn 6%. Tình trạng này đang khiến những người cao tuổi ở Ấn Độ phải đối mặt với một cuộc chiến sinh tồn, khi họ phải buộc cắt giảm các mặt hàng thiết yếu và các khoản tích lũy đang dần cạn kiệt.
Ông Goutam Dutta 60 tuổi hiện đang sinh sống cùng vợ là bà Sumita Roy ở thủ đô New Delhi, hiện đang phải đối mặt với gánh nặng của lạm phát. Điều này khiến họ phải thay đổi cách chi tiêu trong cuộc sống.
Ông GOUTAM DUTTA, Doanh nhân về hưu: “Từ hàng tạp hóa đến nhiên liệu, giá của mọi mặt hàng thiết yếu đều tăng vọt. Điều khiến tôi phải cân nhắc rất kỹ về những khoản chi tiêu trong gia đình để không gặp bất kỳ khó khăn nào. Các ngân hàng cũng đang đưa ra mức lãi suất thấp hơn cho người cao tuổi. Vì vậy, chúng tôi cũng phải cẩn thận về các khoản đầu tư của mình. Chúng tôi phải suy nghĩ về nơi đầu tư, cũng như các chi phí phát sinh.”
Ông Dutta từng điều hành một công ty kinh doanh kim cương, trong khi bà Roy từng là nhân viên tại tập đoàn thép Tata Steel. Hiện nguồn thu nhập duy nhất của họ là khoản lương hưu ít ỏi mà bà Roy nhận được hàng tháng. Tuy nhiên, khoản tiền này cũng không đủ để trang trải cuộc sống trong thời bão giá như hiện nay, buộc hai vợ chồng phải dùng đến cả số tiền tiết kiệm đang ngày càng cạn dần.
Bà SUMITA ROY, Nhân viên văn phòng về hưu: “Tôi đã từng đi xe tay ga, nhưng bây giờ tôi không dám đi nữa, vì giá xăng tăng quá nhiều mà chúng tôi không đủ khả năng chi trả. Vì vậy, chúng tôi hiện đều đi bộ hoặc sử dụng phương tiện công cộng. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải lựa cách mua sắm tiết kiệm hơn, chúng tôi đều mua hàng ở chợ. Thậm chí chúng tôi còn lựa lúc chợ sắp đóng cửa để đến mua hàng vì lúc đó mua sẽ có giá rẻ hơn.”
Ông bà Dutta chỉ là một trong số hàng nghìn người cao tuổi khác trên khắp Ấn Độ phải chật vật sống nhờ vào khoản lương hưu hoặc tiết kiệm ít ỏi, trong bối cảnh lạm phát tăng cao khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Trong khi đó, ông Saurabh Bhagat, giám đốc tổ chức từ thiện SHEOWS Old Age Home có trụ sở tại New Delhi, hiện đang điều hành ba viện dưỡng lão, cho biết, chi phí hàng tháng đã tăng gần 20% trong vài tháng qua sau khi giá cả thực phẩm và nhiên liệu đều tăng lên từng ngày.
Ông SAURABH BHAGAT, Giám đốc tổ chức từ thiện SHEOWS Old Age Home: "Hầu hết người cao tuổi đều cần những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng. Vì vậy, ngay cả ở trung tâm của chúng tôi, bác sĩ đều khuyến khích họ ăn thêm trái cây và rau củ. Nhưng giờ đây, giá cả những mặt hàng đều tăng vọt, một quả táo cũng trở thành một thứ quá đắt tiền.”
Bà BRINDA SHARMA, Người cao tuổi: “Tôi đang sống một mình, không có ai chăm sóc cả. Trong 2 năm qua, cuộc sống của tôi rất khó khăn. Thậm chí tôi không thể đi lại bình thường để có thể đến đây làm việc.”
Tại Ấn Độ, giá các mặt hàng thực phẩm, chiếm gần 1 nửa chỉ số giá tiêu dùng, đã tăng vọt với giá lúa mì, dầu ăn, rau quả, thịt… từ 10-25% trong 1 năm, trong khi giá gas và xăng dầu tăng hơn 40%. Tỷ lệ tổng tiết kiệm của Ấn Độ ước tính sẽ giảm từ mức 32% GDP trước khi đại dịch bùng phát xuống còn khoảng 30% trong năm tài chính 2021/2022.
CỘNG ĐỒNG CHUNG TAY HỖ TRỢ NGƯỜI CAO TUỔI
Trong những năm gần đây, vấn đề nhiều người già tại Trung Quốc bị bỏ lại phía sau, đặc biệt ở các vùng nông thôn nơi hệ thống an sinh xã hội còn kém, thanh niên trong tuổi lao động đi lên thành thị để kiếm việc làm, ngày càng trở nên đáng báo động. Và để đối phó với tình trạng này, Trung Quốc đang triển khai các chương trình phúc lợi xã hội cho người cao tuổi, nhằm đảm bảo người cao tuổi nhận được sự chăm sóc cần thiết và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Làng Gia Cát, tỉnh Tứ Xuyên là một ví dụ điển hình. Chính quyền địa phương hiện đang áp dụng chương trình chăm sóc đặc biệt dành cho người cao tuổi, bằng cách cung cấp những bữa ăn bổ dưỡng với mức giá chưa đến 1 USD, tại một nhà ăn ở trung tâm làng. Chương trình được thiết lập dành riêng cho những người cao tuổi sống một mình.
Bà MA XUEBING, Bí thư Ủy ban làng Gia Cát: “Chúng ta nên sử dụng lợi ích của việc phát triển kinh tế nông thôn để làm cho người cao tuổi có cuộc sống tốt hơn. Vì vậy, điều kiện của các nhà thầu vận hành nhà ăn cho mục đích thương mại, là họ phải có trách nhiệm đối với hoạt động phi lợi nhuận của nhà ăn cho người cao tuổi."
Các tình nguyện viên từ Hội người cao tuổi địa phương cũng tham gia giúp đỡ, cung cấp bữa trưa và bữa tối cho hơn một chục hộ gia đình mỗi ngày, hầu hết trong số họ đều là người già ở độ tuổi 80-90 và gặp khó khăn khi di chuyển.
Ông YANG YONGDONG, Tình nguyện viên: “Tôi cũng giúp họ mua sắm và sửa chữa các đồ dùng trong nhà. Khi có trường hợp khẩn cấp, tôi sẽ giúp liên hệ với bác sĩ và người nhà của họ.”
Bà ZHOU BIRONG, Người dân địa phương: “Mặc dù tôi vẫn có thể nấu ăn, nhưng hơi khó khăn. Các con tôi đều đi làm ăn xa, vì vậy, chúng sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi có người trông nom tôi.”
Chính quyền làng Gia Cát cho biết sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi đồng thời hi vọng mô hình này sẽ được nhân rộng tại những ngôi làng khác trong vùng.
Còn tại Mỹ, với mong muốn mang đến niềm vui và phút giây thư giãn cho các cụ bà, một lớp múa bùng dành riêng cho người cao tuổi đã được thành lập ở bang New Jersey. Trong những bộ trang phục rực rỡ, cùng các vũ điệu đầy sức sống, họ đã hóa thân thành các vũ công múa bụng cùng nụ cười đầy tươi vui.
Cô SHLOMIT OREN, Giáo viên lớp học: “Tôi rất vui khi thấy mọi người diện những bộ trang phục lấp lánh và hòa nhịp theo điệu nhạc, không khí vô cùng vui vẻ. Các bà rất đẹp khi mỉm cười và giậm chân theo những vũ điệu. Thật là tuyệt vời.”
Dù đã ở độ tuổi "xưa nay hiếm", nhưng các cụ bà tại lớp học vẫn đang tích cực tham gia lớp học múa bụng, vốn nhiều người cho rằng chỉ dành cho giới trẻ. Khoác trên người những chiếc khăn quấn hông đính sequin, đầu đội bờm hoa, những người phụ nữ lớn tuổi đang lắc lư theo điệu nhạc rộn rã. Không chỉ có thêm niềm vui trong cuộc sống, các học viên khi tham gia còn được luyện tập từ cơ bản đến nâng cao, qua đó, các học viên nhận thấy lợi ích khi chăm chỉ rèn luyện.
Cô SHLOMIT OREN, Giáo viên lớp học: “Các buổi tập múa không khác gì một buổi tập luyện tim mạch tuyệt vời, có thể đốt cháy calo, giúp tim vận động, bơm oxy và năng lượng khắp cơ thể, tăng cường trao đổi chất, tăng cường cơ bắp, tăng cường trí nhớ, giúp ích cho người cao tuổi, giúp họ có một cơ thể khỏe mạnh hơn và đời sống tinh thần thoải mái hơn.”
Các học viên của lớp học đặc biệt này cũng cùng chung cảm nhận với giáo viên của mình.
Bà MAGGIE PETROSIAN, Học viên: “Những điệu múa rất đẹp, rất phá cách. Nó cũng được coi như những bài thể dục, có nguyên tắc, nhiều động tác.”
Bà RUTH MERINO, Học viên: “Thực sự rất vui, vì bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng thông qua các điệu nhảy, toàn bộ cơ thể, từ hông, chân, tay đều được vận động. Vì vậy tôi nghĩ nó giúp ích rất nhiều cho sức khỏe.”
Lớp học múa bụng này được tổ chức phi lợi nhuận Senior Source mở ra, với mục đích giúp những người cao tuổi của địa phương luôn sống với phương châm vui - khỏe - có ích.
GIÚP NGƯỜI KHUYẾT TẬT HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, toàn thế giới hiện có khoảng 1 tỷ người khuyết tật, chiếm 10-15% dân số thế giới. Đặc biệt, 80% số người khuyết tật sống ở các nước đang phát triển và chiếm 20% trong nhóm người nghèo nhất thế giới. Người khuyết tật là một trong những đối tượng yếu thế nhất trong xã hội rất cần được quan tâm, chăm sóc, bảo vệ. Do đó, toàn thế giới đang nỗ lực không ngừng nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về vấn đề khuyết tật, huy động hỗ trợ về các giá trị, quyền và phúc lợi của người khuyết tật.
Tại Trung Quốc, nhờ những chính sách kịp thời của chính phủ, cuộc sống của người khuyết tật đang dần được cải thiện. Họ có thể tìm được những công việc phù hợp để tự trang trải cuộc sống.
Chị Ling Ling, 22 tuổi là một người mắc hội chứng Down. Sau khi tốt nghiệp trường giáo dục đặc biệt, chị hiện đang làm nhân viên pha trà tại một quán trà ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.
Chị LING LING: “Tôi biết cách pha trà trắng, trà nâu và trà ô long, và tôi có thể rót trà bằng một chiếc bình miệng dài."
Khách hàng: “Chúng tôi đón nhận những người phục vụ là người khuyết tật. Cuộc sống của họ thật không dễ dàng. Chúng ta nên giúp đỡ họ.”
Theo Bộ Nhân lực và An sinh xã hội, tính đến tháng 5/2022, đã có hơn 8,6 triệu người khuyết tật được tuyển dụng trên khắp Trung Quốc và khoảng 400.000 người khuyết tật đang theo học các chương trình đào tạo nghề được chính phủ trợ cấp hàng năm.
Thông các chương trình giáo dục đặc biệt, người khuyết tật có thể thực hiện các công việc đơn giản và có được một công việc ổn định. Tuy nhiên, điều này rất cần có sự hỗ trợ từ các trường học, các tổ chức phúc lợi xã hội và người sử dụng lao động.
Cách đây 5 năm, phòng trà nơi chị Ling Ling đang làm việc, đã bắt đầu đào tạo những người trẻ khuyết tật. Các giáo viên thường đóng vai trò là gia sư để cho học sinh của họ cơ hội thành công ở nơi làm việc.
Cô PENG LIJUN, Giáo viên dạy pha trà, Trường Giáo dục đặc biệt quận Qingyang: “Chúng tôi sẽ sắp xếp nội dung công việc đơn giản và lặp đi lặp lại cho học viên dựa trên tình hình của từng người, và kèm các em làm việc cho đến khi các em thành thạo.”
Nhiều quán cà phê, tiệm bánh và cửa hàng hoa ở quận Qingyang cũng đang tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật thông qua các tổ chức phúc lợi xã hội. Theo kế hoạch mới được ban hành, Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực nhằm tạo ra một triệu việc làm mới cho người khuyết tật vào năm 2024.
Bà PENG GANG, Trung tâm Dịch vụ Phúc lợi Công cộng Chengdu Rongzhi dành cho người khuyết tật: “Những người khuyết tật cần nhiều hơn phúc lợi, họ không nên chỉ ở nhà mà thay vào đó tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội."
Còn tại thành phố Changsha, miền trung Trung Quốc, có một tiệm bánh vô cùng đặc biệt. Tiệm bánh này thuộc sở hữu của 2 vợ chồng người Đức và chỉ tuyển dụng những người khiếm thính ở địa phương.
Cửa hàng "Bach's Bakery", thuộc sở hữu của ông Uwe Brutzer, quốc tịch Đức, và vợ của ông là bà Dorothee Brutzer. Họ đã điều hành tiệm bánh trong suốt hai thập kỷ, tuyển dụng và đào tạo những người khiếm thính trở thành thợ làm bánh và một số nghề nghiệp khác.
Năm 2002, ông bà Uwe Brutzer đến Changsha để làm việc cho một dự án trợ giúp trẻ em khiếm thính do một tổ chức từ thiện dân sự của Đức tài trợ. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của nhóm đối tượng này trong thị trường việc làm, họ đã mở tiệm bánh vào năm 2011 tại Changsha, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam.
Ông UWE BRUTZER, Chủ cửa hàng bánh: “Trong 9 năm trước khi mở tiệm bánh, chúng tôi đã dành tâm sức cho việc đào tạo để giúp đỡ các gia đình và trẻ em khó khăn đồng thời hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng. Nhưng dần dần cùng với sự phát triển của xã hội, việc đào tạo phục hồi chức năng đã được chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn, do đó, các dự án tài trợ ở nước ngoài không còn cần thiết nữa. Trong khi đó, chúng tôi nhận thấy rằng những người khiếm thính thường xuyên phải thay đổi công việc và đối mặt với tình trạng công việc bấp bênh. Vì vậy, chúng tôi đã mở tiệm bánh để đào tạo kỹ năng cho nhóm đối tượng này.”
Cơ sở hiện có bảy nhân viên đều là người khiếm thính. Ngoài mang đến cơ hội việc làm, tiệm bánh còn cung cấp chương trình đào tạo miễn phí cho người khiếm thính và giúp họ nâng cao tay nghề và khả năng cạnh tranh hơn trên thị trường việc làm.
Trong suốt hai thập kỷ sống thành phố Changsha, ông bà Brutzer đã giúp đỡ hàng trăm người khuyết tật. Tuy nhiên, vì đã xa quê hương quá lâu, nỗi nhớ nhà da diết khiến họ cuối cùng quyết định trở về Đức để đoàn tụ với gia đình.
Khi sắp trở về quê hương, ông Brutzer đã tìm được một người quản lý mới cho tiệm bánh với hy vọng rằng có thể tiếp tục mang đến cơ hội việc làm và đào tạo cho những người khiếm thính tại thành phố này.
Ông MARKUS HOFMÜLLER, Quản lý mới của cửa hàng bánh: “Anh ấy đã nói rất rõ với tôi ngay từ đầu rằng anh ấy hy vọng những người tiếp quản tiệm bánh phải tiếp tục tuyển dụng những người khiếm thính và cung cấp cho họ các cơ hội đào tạo và việc làm. Và đối với tôi, ngay từ đầu tôi đã biết rằng đây là phương châm hoạt động của tiệm bánh và không thể thay đổi.”
Cách đây 2 tháng, gia đình ông Hofmüller đã chuyển tới Changsha và bắt đầu một hành trình mới. Họ học cách nhào bột, làm bánh và ngôn ngữ ký hiệu để để chuẩn bị tiếp quản công việc của ông Brutzer.
Ông UWE BRUTZER, Chủ cửa hàng bánh: “Tôi tin rằng chúng tôi có cùng nguyện vọng, đó là mang đến cơ hội phát triển cho mọi người và đảm bảo rằng người khiếm thính có thể làm việc ở đây và tạo ra những chiếc bánh tuyệt vời."
Chỉ là một tiệm bánh nhỏ, nhưng nó đã góp phần tạo ra cơ hội việc làm, giúp ổn định cuộc sống cho những người khuyết tật tại thành phố Changsha, từ đó góp phần tạo dựng một xã hội công bằng và tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Thực hiện : Đinh Giang