Nhìn ra thế giới: Những sáng kiến tái chế bảo vệ hành tinh

Những bãi rác chất cao…Rác thải nhựa… Quần áo cũ…Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, mà thói quen tiêu dùng không kiểm soát của con người còn có thể khiến tài nguyên cạn kiệt. Trong bối cảnh này, nhiều sáng kiến tái chế bảo vệ hành tinh đã được khởi xướng ở khắp nơi trên thế giới.

Những tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ chai nhựa. Quần áo cũ được tái sử dụng. Và cả tóc cũng có thể được tái chế. Tất cả vì một tương lai bền vững hơn cho tất cả chúng ta.

Trong 2 năm gần đây, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, thế giới hứng chịu lượng rác thải nhựa tăng đột biến. Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, trong năm 2021, thế giới đã sử dụng 460 triệu tấn nhựa, gần gấp đôi so với con số ghi nhận năm 2000. Mặc dù, rác thải nhựa gia tăng, song chỉ có 15% được phát hiện là đã được thu gom để tái chế. Trên thực tế, chỉ có 9% được tái chế thực sự.

Mỗi năm có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó, phần lớn là sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Rác này chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương. Rác thải nhựa cũng đã xuất hiện ở những vùng xa xôi nhất và những vùng nguyên sinh của trái đất như vùng băng Bắc Cực và trong các loài cá sinh sống tại khu vực sâu nhất của đại dương là Rãnh Mariana.  Dự đoán sản lượng nhựa sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040, khiến lượng rác thải nhựa trên đại dương tăng gấp 4 lần. 

Do đó, mỗi sáng kiến tái chế, dù lớn hay nhỏ, đều đáng được trân trọng. Bởi từ những hành động giản dị đó, mỗi người trong chúng ta có thể đóng góp cho một hành tinh xanh hơn, vì một tương lai bền vững hơn. 

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi!

Kim Ngọc