Nhìn ra thế giới: Thay đổi chính sách của Trung Quốc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Theo giới chuyên gia, tốc độ biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn 20 - 50 lần so với bất kỳ giai đoạn biến đổi khí hậu nào trong lịch sử trái đất. Ngày càng có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương hơn, khả năng vượt qua yếu hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh này, nỗ lực của các nước trên thế giới nhằm làm chậm lại tốc độ nóng lên của Trái Đất, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay. Cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thức rõ hơn tính cấp bách của vấn đề biến đổi khí hậu. Trên thế giới đang dần hình thành sự thống nhất chính trị về việc cần những nỗ lực tập thể trên quy mô toàn cầu để giải quyết vấn đề này. 

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không phải là cuộc chiến đơn lẻ của mỗi cá nhân, mà cần sự đoàn kết của cả nhân loại. Thế nhưng, sự đóng góp nhỏ của mỗi cá nhân cũng có thể mang lại ý nghĩa lớn, góp phần đem lại thành công chung. Với mỗi chúng ta, đó là sử dụng năng lượng tiết kiệm, hạn chế rác thải nhựa, trồng thêm một cây xanh…, còn với những nhà hoạt động môi trường, đó là việc hoạch định chính sách, đặt ra mục tiêu khí hậu và thúc đẩy việc đạt được mục tiêu đó.

Ông TẠ CHẤN HOA, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững Trung Quốc: “Bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, cắt giảm khí thải, chống biến đổi khí hậu, và phát triển bền vững, tôi đã làm việc trong lĩnh vực này suốt hơn 40 năm qua. Nó chỉ bắt đầu như một công việc bình thường, nhưng dần dần khi tôi làm được một thời gian, tôi nhận thấy công việc này có thể có tác động tới đất nước tôi, người dân chúng tôi và cả nhân loại nói chung. Công việc này trở thành thứ để tôi nỗ lực.”

Trong những thập kỷ qua, ông Tạ Chấn Hoa được coi là một trong số những người có tầm ảnh hưởng lớn đối với những thay đổi chính sách về khí hậu của Trung Quốc. Với tư cách là nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc tại các hội nghị về biến đổi khí hậu, ông là người có vai quan trọng trong việc thiết lập các thỏa thuận khí hậu trên trường quốc tế. 

Hiện tại ông là cố vấn đặc biệt cho Bộ Môi trường Trung Quốc, và người đứng đầu Viện nghiên cứu hàng đầu về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, và nhiều nghiên cứu do viện thực hiện đã góp phần đưa Trung Quốc quyết định đặt ra mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. 

Vậy làm cách nào để Trung Quốc đạt được mục tiêu trung hòa carbon đúng thời hạn và vai trò của ông Tạ Chấn Hoa, người được gọi là chiến binh khí hậu này như thế nào?

NGƯỜI THAY ĐỔI CUỘC CHƠI

Sau khi làm việc cho Bộ Bảo vệ Môi trường của Trung Quốc trong gần một thập kỷ, ông Tạ Chấn Hoa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng năm 1993. 

Chị LUGILLE LƯU, Phóng viên Bloomberg: “Trong thời gian ông Tạ Chấn Hoa làm việc tại Bộ Bảo vệ Môi trường, hệ thống quản lý các chất ô nhiễm không khí và nước vốn nằm ngoài các mục tiêu môi trường bắt đầu được đưa vào kế hoạch 5 năm của Trung Quốc cho mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội, trong khi trước đây chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế.”

Ông Tạ Chấn Hoa đã từ chức năm 2005, sau một loạt vụ nổ nhà máy hóa chất ở tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc. Vụ nổ xảy ra do lưu trữ các hóa chất nguy hiểm không đúng cách, khiến 6 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.  

Dòng sông ở địa phương cũng bị ô nhiễm bởi các chất hóa học rò rỉ, hàng chục nghìn cư dân phải sơ tán.

Chị LUGILLE LƯU, Phóng viên Bloomberg: “Quyết định từ chức của ông Tạ Chấn Hoa được đưa ra do cơ quan môi trường chỉ trích các quan chức địa phương đã che đậy vụ tai nạn, theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế thái quá làm hỏng môi trường, nhưng đơn từ chức dường như là một quyết định sáng suốt trong sự nghiệp của ông. Ông sau đó đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia. Vào thời điểm các nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc chịu trách nhiệm hoạch định chính sách môi trường xã hội, ông Tạ Chấn Hoa tiếp tục có vai trò lớn trong các chiến lược khí hậu của nước này.”

Năm 2007, ông Tạ Chấn Hoa được bổ nhiệm làm nhà đàm phán khí hậu hàng đầu của Trung Quốc tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. 

Bốn thập kỷ với sự tăng trưởng kinh tế chóng mặt đã biến Trung Quốc trở thành nước thải carbon lớn nhất thế giới. Một cách ổn định, mặc dù lập trường của nước này đã chuyển từ bảo vệ quyền phát thải sang thúc đẩy phát triển carbon thấp như một chiến lược quốc gia.

Ông TẠ CHẤN HOA, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững Trung Quốc: “Mọi người có suy nghĩ khác nhau về việc Trung Quốc tiêu thụ than đá và điện than. Trên thực tế, mức tiêu thụ than của Trung Quốc đạt đỉnh vào giữa những năm 2013-2015. Các vấn đề môi trường của Trung Quốc, những màn sương mù, ô nhiễm môi trường, rất nhiều vấn đề bắt nguồn từ nguyên nhân tiêu thụ than đá lớn. Hiện tại, rất nhiều cơ quan của chính phủ đã hiểu rõ được hậu quả của điện than.”

Chị LUGILLE LƯU, Phóng viên Bloomberg: “Trong chương trình hoạch định chính sách của Trung Quốc, rất khó chỉ ra vai trò của từng cá nhân, nhưng chúng ta biết rằng ông Tạ Chấn Hoa đóng một vai trò khá quan trọng trong việc đề xuất các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng cho Trung Quốc, và các mục tiêu này cuối cùng đã được các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước thông qua.”

Lợi thế của ông Tạ Chấn Hoa là ông rất thông thạo cơ cấu và các ưu tiên của đất nước cũng như các ưu tiên của quốc tế về vấn đề khí hậu, vì vậy ông ấy biết cách biến các áp lực quốc tế thành các chính sách tốt hơn của Trung Quốc.

Ông TẠ CHẤN HOA: “Chúng tôi là một đất nước đang phát triển. Chúng tôi cần phát triển, chúng tôi cần loại bỏ nghèo đói. Chúng tôi cũng cần phải bảo vệ môi trường. Chúng tôi đã thực hiện những điều mình có thể. Nhưng các nước khác đã không thực hiện những gì chúng tôi đã thực hiện. Vậy các nước có quyền gì để chỉ dạy chúng tôi ở đây?”

Chị LUGILLE LƯU, Phóng viên Bloomberg: “Ông Tạ Chấn Hoa được biết đến là một nhà đàm phán cứng rắn và rất thẳng thắn trong các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu. Tại các cuộc đàm phán ở Durban vào năm 2011, một video clip ông liên tục đập bàn và nói về những gì ông tin là những yêu cầu đạo đức giả của các nước phát triển đã được phát sóng rộng rãi ở Trung Quốc. Thế nhưng những người đồng cấp ở các nước vẫn rất vui vẻ nói chuyện với ông, vì khiếu hài hước và sự dễ mến của ông.”

Ông TẠ CHẤN HOA, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững Trung Quốc: “Ở trên bàn đàm phán, chỉ có các đối thủ và những người bạn, không có kẻ thù. Nếu bạn có thể bảo vệ được lợi ích quốc gia của mình, trong suốt quá trình làm việc, cũng như bảo vệ những lợi ích chung của nhân loại nói chung, tìm kiếm một nền tảng chung, thì bạn chính là một nhà đàm phán tiềm năng.”

Bên ngoài bàn đàm phán, ông Tạ Chấn Hoa có những cam kết cá nhân đấu tranh cho sự thay đổi sau khi đi đến những nơi thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng khí hậu.

Ông TẠ CHẤN HOA, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững Trung Quốc: “Sau khi tôi bắt đầu làm việc trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, tôi đã tới Nam Cực, Bắc Cực, tôi tới những đất nước trên những hòn đảo nhỏ, những nước chưa phát triển. Tôi đã tới những vùng nghèo nhất, những vùng quê, tận mắt chứng kiến những gì mà khí hậu và môi trường có thể ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế và xã hội của một đất nước.”

Chẳng hạn, tôi tới một đất nước nhỏ trên một hòn đảo, một cơn bão đã phá huỷ tới 92% ngành kinh tế gia vị, vốn là ngành kinh tế chủ đạo của họ. Tôi đã nhìn thấy những vấn đề, những thiệt hại, những hậu quả… Nhưng tôi cũng thấy việc bảo vệ môi trường có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống con người như thế nào ở những vùng này. Thực tế, các biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, đối phó với biến đổi khí hậu mang lại rất nhiều lợi ích. Bạn không cần phải tiêu tốn quá nhiều khi bạn chọn đúng công nghệ, đi đúng hướng, như vậy bạn không chỉ ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng cuộc sống, xoá bỏ đói nghèo mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Năm 2017, ông Tạ Chấn Hoa đã nhận được giải thưởng 2,5 triệu đôla Hongkong cho những nỗ lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông đã trích một phần giải thưởng để ủng hộ cho trường Đại học Thanh Hoa, với hy vọng sẽ tiếp thêm động lực cho những sinh viên trẻ, những nhà lãnh đạo khí hậu tương lai. 
Ông hiện đang là Viện trưởng của Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, và ông cùng những người đồng hành đang đặt mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2060. 

Chị LUGILLE LƯU, Phóng viên Bloomberg: “Chúng tôi đã thấy một số đề xuất về cách thực hiện mục tiêu này. Một viện nghiên cứu khí hậu đã làm việc với Tân Hoa Xã, đưa ra kế hoạch tăng cường năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân và hoàn toàn loại bỏ dần điện than. Kế hoạch này đòi hỏi một quá trình chuyển đổi dần trong vòng 15 năm tới, sau đó tốc độ sẽ phải tăng nhanh hơn sau năm 2035. Với kế hoạch cụ thể này, điện than sẽ bị loại bỏ vào năm 2050, và lĩnh vực năng lượng hỗn hợp của Trung Quốc sẽ trải qua một sự chuyển đổi mạnh mẽ. Chúng ta cũng sẽ thấy một khoản đầu tư 15 tỷ USD cần thiết để đầu tư trong 30 năm tới để đạt được mục tiêu này.”

Ông TẠ CHẤN HOA, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững Trung Quốc: “Chúng ta không thể sử dụng các phương thức sản xuất truyền thống nữa, chúng ta không thể tiếp tục lối sống cũ hoặc tiêu thụ năng lượng như cũ. Sẽ rất khó và thậm chí là không thể đạt được mục tiêu này nếu cứ sử dụng những công nghệ truyền thống. Chính vì vậy chúng ta phải đổi mới, phải chuyển đổi. Và phải chuyển đổi thật nhanh, đổi mới thật nhiều, để đạt được mục tiêu.”

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng trong những năm gần đây. Chính phủ Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris nhưng ông Tạ Chấn Hoa tin rằng không còn thời gian để mất nữa.

Ông TẠ CHẤN HOA, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững Trung Quốc: “Những hậu quả của biến đổi khí hậu không phải là điều gì ở trong tương lai, mà nó ở ngay đây, ngay bây giờ. Bạn chiến đấu, bạn thua cuộc nhưng bạn không bỏ cuộc mà tiếp tục chiến đấu lần nữa, rồi bạn sẽ tìm thấy hy vọng ở cuối con đường. Tôi nghĩ rằng công việc chiến đấu chống biến đổi khí hậu này rất có ý nghĩa. Mọi người sẽ dần nhận ra và sẽ hành động. Và rồi trái đất sẽ lại trở nên thật đẹp như trước đây.”

Các chuyên gia đã nhất trí rằng, tương lai của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu có thể phụ thuộc vào 4 quốc gia và khu vực phát thải lớn trên thế giới, chịu trách nhiệm chung cho 60% khí thải carbon toàn cầu, đó là Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc và Ấn Độ. 

Mỹ đã cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 50% - 52% vào năm 2030 so với mức năm 2005, con số này của Liên minh Châu Âu (EU) là 55% so với năm 1990. Còn Trung Quốc, nước này đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Nguyễn Tâm