Nhìn ra thế giới: Thay đổi chính sách tiền tệ - Các nước nỗ lực đối phó lạm phát

Giá xăng dầu đang cao nhất mọi thời đại tại nhiều quốc gia. Lạm phát chạm mốc kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Chính phủ các nước phải đau đầu tính cách kiềm chế, trong khi các Ngân hàng trung ương nỗ lực đưa ra các giải pháp điều tiết kinh tế trong nước và ngăn chặn lạm phát kéo dài.

THẾ GIỚI SỐC VÌ LẠM PHÁT

Giá xăng tại Hà Lan cao nhất mọi thời đại với 2,5 Euro cho mỗi lít. Còn tại Mỹ, mức tăng của xăng dầu cũng khiến người dân nền kinh tế số 1 thế giới phải choáng váng.

Người dân Mỹ: “Điều này chắc chắn gây sốc. Thực sự vậy. Đó là khoản tiền đắt nhất mà tôi từng trả cho tiền xăng từ trước đến nay.”

Người dân Mỹ: “Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến giá xăng trên 5 đô la cho 1 galon. Giờ là 6,3 USD. Thật điên rồ.”

Bộ Lao động Mỹ công bố các dữ liệu mới cho thấy lạm phát ở Mỹ tăng mạnh do giá các loại nhiên liệu tăng 34,6% và giá thực phẩm thiết yếu tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1979. Giá xăng tăng phi mã, người dân Mỹ bắt đầu phải tính đến việc đi xe đạp, hay chuyển ô tô xăng dầu sang xe điện. Trong khi, Tổng thống Mỹ Joe Biden phải bức xúc, lên tiếng chỉ trích các công ty xăng dầu nước này đang kiếm bội tiền, bỏ mặc người dân khó khăn.

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: “Chính quyền Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể để hạ giá cả sinh hoạt cho người dân. Và Quốc hội phải nhanh chóng hành động nếu không sẽ quá muộn.”

Giá xăng dầu cao đẩy lạm phát Mỹ lên mức cao nhất trong 40 năm qua. Đây cũng là tình trạng hiện nay của Vương quốc Anh.  Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, Anh là quốc gia trong nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ ghi nhận mức lạm phát cao nhất không chỉ trong năm nay mà cả trong hai năm tới.

Tại Đức – nền kinh tế lớn của Châu Âu cũng đang trong vòng xoay của lạm phát. Chủ tịch Ngân hàng Bundesbank của Đức cảnh báo, lạm phát có thể còn tồi tệ hơn, thậm chí có thể cao hơn mức của đầu những năm 1980 nếu giá cả tiếp tục nhảy vọt. Theo thống kê của Viện New Social Answers, gần 1/6 người Đức đã buộc phải bỏ bữa thường xuyên để tiết kiệm chi tiêu.  Tức cứ 6 người có 1 người nhịn ăn. 13% khác nói rằng họ lo sợ tình trạng thu nhập không đủ chi tiêu nếu giá lương thực tiếp tục tăng.

Thủ tướng Đức OLAF SCHOLZ: “Giá xăng, dầu diesel, thực phẩm đang tăng nhanh chóng. Và hàng triệu người dân tự hỏi bản thân mỗi ngày về việc phải chi tiêu như thế nào để đủ đến cuối tháng. Đây là những câu hỏi rất nghiêm túc, những câu hỏi thực sự cần có câu trả lời rõ ràng. Chính phủ Liên bang đang tính đến các biện pháp cứu trợ rộng rãi cho người dân và doanh nghiệp.”

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, trong số các nền kinh tế phát triển như Mỹ, khu vực đồng Euro và các nền kinh tế khác, 60% các quốc gia có tỉ lệ lạm phát hàng năm trên 5%. Đây là tỉ lệ lớn nhất kể từ những năm 1980 và là một vấn đề nghiêm trọng đối với các ngân hàng trung ương, vốn thường đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2%. Tại các nền kinh tế mới nổi, hơn một nửa số quốc gia có tỉ lệ lạm phát trên 7%.

Cho đến nay, lạm phát không có dấu hiệu giảm bớt, trong khi cuộc xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt có thể tiếp tục sẽ đẩy giá hàng hóa lên cao hơn nữa.

FED TĂNG LÃI SUẤT CAO NHẤT TRONG GẦN 3 THẬP KỶ

Lạm phát thực tế đã len lỏi vào tận những bữa ăn hàng ngày của người dân trên thế giới. Chính phủ các nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ; trong khi Ngân hàng trung ương tại hầu khắp các quốc gia đã phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. 

Ngày 15/6, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã nâng mức lãi suất cơ bản thêm 0,75%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994. Như vậy, lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 1,5-1,75%. Đây là bước đi mạnh tay của Cục dự trữ liên bang Mỹ trong bối cảnh lạm phát tháng 5 tại Mỹ ở mức cao nhất trong vòng 41 năm, kéo tụt niềm tin của người tiêu dùng.

Ông JEROME POWELL, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ: “Chúng tôi tại Cục Dự trữ liên bang hiểu rõ khó khăn mà tình trạng lạm phát cao đang gây ra. Chúng tôi có công cụ cần thiết cũng như quyết tâm khôi phục sự ổn định giá cả. Nền kinh tế Mỹ đã trải qua rất nhiều trong suốt hai năm rưỡi qua và đã chứng tỏ được rằng có khả năng phục hồi. Điều cần thiết là chúng ta phải giảm lạm phát nếu chúng ta muốn có thời gian duy trì các điều kiện thị trường lao động mạnh mẽ có lợi cho tất cả mọi người. Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết, cơ quan này có thể tiếp tục đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm từ 0,5% tới 0,75% tại cuộc họp tiếp theo vào cuối tháng 7.”

Ông JEROME POWELL, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ: “Rõ ràng, mức tăng 75 điểm cơ bản là một con số lớn bất thường và tôi không mong đợi những động thái diễn ra ở quy mô phổ biến. Tuy nhiên, mức tăng 50 điểm cơ bản hoặc 75 điểm cơ bản dường như rất có thể xảy ra tại cuộc họp tiếp theo. Mục đích của chúng tôi là sử dụng các công cụ của mình để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% và giữ lạm phát trong dài hạn được ổn định.”

Các quan chức tham gia cuộc họp chính sách của FED dự báo mức tăng lãi suất cơ bản có thể lên tới ít nhất 3% trong năm nay và 3,75% vào cuối năm tới cho tới khi giảm nhẹ trong năm 2024. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thừa nhận, việc kiểm soát lạm phát có thể tạo ra những vết thương kinh tế, thậm chí đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao. Tuy nhiên thời điểm này ngày càng nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận định rằng Mỹ cần đánh đổi tăng trưởng kinh tế và việc làm để đưa lạm phát xuống mức có thể chấp nhận được.

Giáo sư MICHAEL CONNOLLY, Trường Kinh doanh Miami Herbert: “Dù có vẻ kịch tính song hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng không quá bất ngờ, nó giúp đẩy nhanh lãi suất, trái phiếu, tất nhiên là mang lại một số kỳ vọng nhất định.”

Bà LIZ MILLER, Chủ tịch công ty cố vấn tài chính Summit Place: “Tôi không chắc nó có hoàn toàn cần thiết hay không, nhưng tôi nghĩ nó đã gửi một thông điệp rất mạnh mẽ đến thị trường trái phiếu và cho cả các nhà đầu tư.”

Các nhà đầu tư dường như đã nhẹ nhõm hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đáp ứng mong đợi của thị trường, bởi họ cho rằng nền kinh tế sẽ tốt hơn về lâu dài và có thể kiềm chế lạm phát trước mắt. 

Ông ZACHARY HILL, Nhà quản lý đầu tư tại quỹ đầu tư tại Horizon: “Chúng ta đang vật lộn với triển vọng lạm phát. Chúng tôi đã nhận được hai tin xấu đó là lạm phát trên diện rộng tiếp tục tăng cao và tâm lý người tiêu dùng đang ở mức tiêu cực. Điều này khiến mọi người nghĩ rằng, lạm phát cao sẽ còn kéo dài và cần phải được Cục Dự trữ Liên bang ra tay hành động.”

Dù được giới đầu tư đang kỳ vọng nhiều về động thái kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang, tuy nhiên chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ đi kèm với việc hạ thấp triển vọng kinh tế. Đây là một sự đánh đổi tất yếu. Kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ tăng trưởng giảm từ mức dự báo hồi tháng 3 là 2,8% xuống mức 1,7%; tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 3,7% vào cuối năm, và tiếp tục tăng lên 4,1% cho đến năm 2024. Bởi sau những lần thắt chặt chính sách tiền tệ, các nước thường đối mặt với một đợt suy thoái kinh tế.

ECB XÁC NHẬN TĂNG LÃI SUẤT SAU HƠN 10 NĂM

Để đối phó với mức lạm phát kỷ lục, lần đầu tiên sau hơn 10 năm, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho biết sẽ thực hiện các đợt tăng lãi suất vào tháng 7 và tháng 9 này, đồng thời xác nhận chấm dứt chương trình mua nợ duy trì từ cuộc khủng hoảng nợ công. 

Theo đó, trong thông cáo đưa ra sau cuộc họp của Hội đồng thống đốc tại thành phố Amsterdam (Hà Lan), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho biết cuộc xung đột tại Ukraina đã đẩy mức lạm phát trung bình trong tháng 5/2022 tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng kỷ lục lên 8,1%, cao hơn gấp 4 lần so với con số mà tổ chức đặt ra. Dự báo mức lạm phát cả năm 2022 của khu vực đồng euro sẽ là 6,8%, trước khi giảm về 3,5% trong năm 2023 và 2,1% trong năm 2024.

Trước tình hình lạm phát tăng cao như vậy, định chế tài chính lớn nhất châu Âu nhận định các biện pháp hỗ trợ tiền tệ không còn cần thiết và xác nhận sẽ chấm dứt chương trình “nới lỏng định lượng” mua ròng tài sản kể từ ngày 1/7. Công cụ tài chính này đã được Ngân hàng trung ương châu Âu áp dụng từ năm 2015, với quy mô khổng lồ lên tới 5.000 tỷ euro để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế Eurozone sau cuộc khủng hoảng nợ công. Ngân hàng trung ương châu Âu cũng đã duy trì mức lãi suất tiền gửi ở mức âm 0,5% kể từ năm 2014 để chống giảm phát.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde cho biết, song song với quyết định chấm dứt chương trình mua nợ, Ngân hàng trung ương châu Âu đã lên kế hoạch cho các đợt tăng lãi suất cơ bản đầu tiên sau hơn một thập kỷ.

Bà CHRISTINE LAGARDE, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu: “Chúng tôi dự tính sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tháng 7 tới. Dài hạn hơn, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 9 và biên độ tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào triển vọng về mức lạm phát trong trung hạn.”

Ngân hàng trung ương châu Âu nhận định cuộc khủng hoảng Ukraina sẽ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế. Tổ chức này đã hạ mức dự báo tăng trưởng của khu vực Eurozone xuống còn 2,8% năm 2022 và 2,1% cho các năm 2023 và 2024.

CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG LIÊN TIẾP THẮT CHẶT CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các nhà phân tích đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa ra hành động kịp thời để kiềm chế lạm phát, khi ngày càng có nhiều lo ngại cho rằng giá cả sẽ còn tiếp tục leo thang khi giá năng lượng và hàng hóa vẫn ở mức cao. Các chuyên gia đánh giá vai trò của các Ngân hàng Trung ương là những nhân tố chống lạm phát vào thời điểm mà áp lực lạm phát gia tăng trên toàn cầu trong một khoảng thời gian đáng kể.

Chính vì vậy, một loạt các Ngân hàng Trung ương các nước đang thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát.

Ngân hàng Anh là ngân hàng mới nhất quyết định tăng lãi suất chỉ đạo thêm 1/4 điểm, lên 1,25% trong bối cảnh dự báo lạm phát tại Vương quốc Anh có thể lên đến 11% trong năm nay. Quyết định tăng lãi suất rất được mong đợi này là lần thứ 5 Ngân hàng Anh đưa ra kể từ tháng 12/2021 nhằm siết chặt chi phí cho vay vốn ở mức thấp kỷ lục chỉ hơn 0%. Trước đó, Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ cũng lần đầu tiên nâng lãi suất kể từ năm 2007.

Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã tăng lãi suất cơ bản lên 0,25 điểm phần trăm nhằm kiềm chế áp lực lạm phát gia tăng, đánh dấu đợt tăng lãi suất thứ 5 kể từ tháng 8/2021. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cũng nhiều lần ám chỉ về khả năng tiếp tục tăng lãi suất cơ bản dựa trên dự đoán rằng giá cả trong năm nay ở Hàn Quốc có thể tăng lên mức cao nhất trong 14 năm. Giá tiêu dùng ở Hàn Quốc, một thước đo chính của lạm phát, đã tăng 5,4% vào tháng 5 vừa qua so với một năm trước đó. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong năm kể từ tháng 8/2008.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng vừa quyết định tăng lãi suất lần thứ hai trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á này đang nỗ lực kiềm chế lạm phát. Cụ thể, lãi suất chủ đạo tăng 0,5 điểm % lên 4,90%, một tháng sau khi Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ kích hoạt một chu kỳ siết chặt tiền tệ mạnh tay với việc bất ngờ nâng lãi suất thêm 0,4 điểm % trong tháng 5.

Ngân hàng trung ương Australia cũng quyết định điều chỉnh mức lãi suất cho vay lên 0,85%, tức tăng 0,5 điểm % so với mức cũ nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao hiện nay. Quyết định của Ngân hàng trung ương Australia đã gây ngạc nhiên cho giới phân tích, vốn chỉ dự báo mức tăng vào khoảng 0,25 điểm %. Ngân hàng Australia để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất ngân hàng trong thời gian tới để ứng phó với lạm phát. 
Dựa theo dữ liệu của FactSet, tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, ít nhất 45 quốc gia đã nâng lãi suất và dự kiến động thái này sẽ tiếp diễn trong tương lai gần.

NHỮNG HỆ QUẢ KINH TẾ

Lãi suất cao hơn đươc cho là một công cụ mạnh mẽ để chống lại tình trạng giá cả tăng cao. Tuy nhiên, những thay đổi trong chính sách tiền tệ của các nước đã ngay lập tức có tác động lớn đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng, cũng như ảnh hưởng đến các nền kinh tế yếu hơn. 

Theo các nhà phân tích, trước hết, lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí đi vay của các ngân hàng, và đối tượng phải gánh những chi phí đó là doanh nghiệp, người tiêu dùng và thậm chí là Chính phủ. Trong khi những người gửi tiền tiết kiệm lại được hưởng lời từ lãi suất tăng nhưng lãi suất tiết kiệm phần lớn vẫn thấp hơn tỷ lệ lạm phát. Chi phí đi vay ở mức cao sẽ làm chậm lại hoạt động vay nợ, dẫn đến đình trệ trong hoạt động kinh tế. Điều này sau cùng sẽ làm chậm sự gia tăng lạm phát - mục tiêu mà các ngân hàng trung ương hướng tới. 

Bà LIZ MILLER, Chủ tịch công ty cố vấn tài chính Summit Place: “Tôi nghĩ rằng rất khó để chống lại lạm phát bằng lãi suất mà không làm suy giảm hoạt động kinh tế. Theo định nghĩa, chúng ta tăng lãi suất để cố gắng làm chậm chi tiêu. Đó là định nghĩa của suy thoái kinh tế. Tôi tin rằng dù thế nào cũng sẽ có những hậu quả kinh tế ở đây.”

Ông SAM STOVALL, Công ty nghiên cứu CFRA: “Việc tăng lãi suất sẽ gây thêm áp lực lên người tiêu dùng vì giờ họ sẽ phải trả nhiều hơn lãi suất để vay, mua ô tô, mua nhà.”

Tỷ lệ lãi suất cao cũng ảnh hưởng đến giá trị đồng nội tệ. Cụ thể, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, đồng USD tăng giá hơn so với đồng Euro. Đồng USD có giá sẽ hỗ trợ nhập khẩu giúp người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi về giá, song lại ảnh hưởng tiêu cực đến hàng hóa Mỹ bán ra nước ngoài vì giá tăng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động. 

Ông WEN BIN, Ngân hàng Minsheng Trung Quốc: “Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ làm trầm trọng thêm sự biến động của thị trường tài chính quốc tế. Với việc đồng USD tiếp tục mạnh lên, một số nền kinh tế mới nổi có cơ cấu kinh tế mỏng manh đang đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế cũng như khủng hoảng nợ.”

Ở chiều ngược lại, đồng nội tệ của Anh và khu vực sử dụng đồng euro ở mức yếu hơn đồng USD. Các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải chịu chi phí tăng cao, đặc biệt các doanh nghiệp nhập khẩu dầu, do giao dịch thanh toán được thực hiện bằng đồng USD. Tuy nhiên, xuất khẩu của các nước này lại được hỗ trợ và sẽ hỗ trợ thị trường việc làm tại các nước này.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva mới đây đã bày tỏ sự lo lắng rất lớn về vấn đề này. Bà đã lên tiếng cảnh báo các ngân hàng trung ương cần lưu ý đến rủi ro lan tỏa đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi dễ bị tổn thương từ quyết định tăng lãi suất của họ.

Hồng Nhung