Nhìn ra thế giới: Thời tiết cực đoan và những tác động từ nông trại tới bàn ăn

Biến đổi khí hậu không còn là vấn đề trừu tượng và xa xôi. Thời tiết cực đoan, hạn hán, mưa lũ. Với những tác động đang ngày càng hiển hiện, thậm chí trong chính những bữa ăn của mỗi chúng ta. Không chỉ gây ra tình trạng mất mùa, dẫn đến thiếu lương thực, thời tiết cực đoan còn có thể khiến cho những món ăn đặc trưng của một quốc gia có thể trở thành dĩ vãng, do nguyên liệu cạn kiệt.

ITALIA: HẠN HÁN NGHIÊM TRỌNG, NGUY CƠ THIẾU LƯƠNG THỰC HIỆN HỮU

Dòng sông Po, nguồn cung ứng nước cho hoạt động trồng trọt phía Bắc Italia, giờ đây đang rơi vào cảnh khô hạn. Thậm chí có những nơi cạn trơ đáy. Hạn hán nghiêm trọng nhất trong 70 năm trở lại đây khiến lượng nước sông trở nên cạn kiệt. Những nơi từng là sông, thì giờ đây trở thành các bãi cát. Thậm chí, sông Po còn đang phải đối diện với nguy cơ xâm nhập mặn. 

Đây là khu vực làng Scardovari, cách biển khoảng 4km. Một hệ thống rào chống xâm nhập mặn đã được xây dựng tại đây, nhưng hầu như không có tác dụng. Từng đợt sóng biển vẫn không ngừng đổ vào sông Po.

Ông GIANCARLO MANTOVANI, Giám đốc Dự án Bonifica Del Po: “Động cơ của con thuyền đã tắt, nhưng những con sóng vẫn khiến thuyền chuyển động như thế này. Bạn có thể thấy ảnh hưởng của sóng tới cột tháp. Nếu không có mưa trong vòng 10-15 ngày tới thì người dân sẽ mất hết mùa màng. Hiện nay, chúng tôi đã phải đối mặt với tình trạng mất mùa rồi. Tình hình càng kéo dài thì vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn. Bạn có thể hình dung được điều gì sẽ xảy ra nếu nước mặn xâm nhập vào nguồn nước ngầm. Có những khu vực trồng trọt đã hoàn toàn mất sạch cây cối. Đây là một hiện tượng diễn ra từ từ và càng kéo dài thì nó càng tồi tệ hơn.”

Federica Vidali, 29 tuổi, là một nhà kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Và đây là cánh đồng trồng đậu nành của cô. Nước mặn dâng cao khiến Vidali không thể tưới tiêu cho các cánh đồng của mình.

Chị FEDERICA VIDALI, nhà kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp: “Không có mưa nên mực nước trong sông Po đã giảm đáng kể và không đủ để chống lại lượng nước biển đang xâm nhập. Hệ thống tưới tiêu của chúng tôi giờ đây tràn đầy nước mặn, không thể tưới cho cây được.”

Bên cạnh trồng trọt, chị Vidali còn nuôi ong, nhưng hạn hán cũng gây tổn hại đến sản xuất cả mật ong. Khi thiếu nước, các loài hoa không thể tạo ra mật hoa, và từ đó, ong không thể tạo ra được mật ong. Chị Vidali ước tính, thiệt hại trong năm nay có thể lên tới 60% ngân sách. 

Chị FEDERICA VIDALI, nhà kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp: “Tôi đang cố gắng để trở nên lạc quan, nhưng hiện nay, trời cứ khô hạn như thế này. Khi nhìn vào viễn cảnh trước mắt, tôi cảm thấy rất sợ hãi và buồn bã.”

Với chiều dài 661km, sông Po là con sông dài nhất tại Italia. Hơn một phần ba sản lượng nông nghiệp của Italia đến từ khu vực rộng 30.000km2 bên bờ sông Po. Đây cũng là khu vực canh tác rộng lớn và màu mỡ nhất của nước Ý, cung cấp các loại nông sản đa dạng, từ cà chua, trái cây, rau cho đến lúa mì. Khu vực này cũng quy tụ 50% số cơ sở chăn nuôi trên toàn Italia.  

Không chỉ thiếu mưa, hạn hán còn ảnh hưởng đến lượng tuyết trên dãy Alps. Tuyết tan chảy sẽ hòa cùng với nước sông và các mạch nước ngầm, nên thiếu tuyết cũng khiến hiện tượng khô hạn trở nên trầm trọng hơn.

Ông STEFANO ANCONELLI, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông học, Hiệp hội Cấp thoát nước CER: “Năm nay thực sự rất khó khăn. Vào mùa đông, lượng tuyết rơi ít hơn 70-80% so với mọi năm, vì vậy mực nước trên sông Po cũng thấp hơn từ 2-4 mét. Chúng ta đang chứng kiến cuộc khủng hoảng nguồn nước vô cùng nghiêm trọng. Cần phải có chiến lược và hành động cụ thể để nhanh chóng giải quyết vấn đề này.”

Những năm gần đây, nhiệt độ trung bình tại miền bắc Italia đã tăng 3-4 độ C. Các loại cây trồng trước đây chỉ tiêu thụ khoảng 4 lít nước trên mỗi mét vuông, thì giờ đây cần phải tiêu thụ lượng nước gấp đôi. Khoảng thời gian 10 ngày từ 21/6 đến 1/7 hàng năm là cao điểm sử dụng nước của toàn ngành nông nghiệp. Nhưng năm nay, nguồn tài nguyên nước lại vô cùng khan hiếm. 

Ông NICOLA FORLANI, chuyên gia giám sát mực nước sông Po: “Theo mức trung bình của 20 năm trở lại đây, mực nước tại sông Po lẽ ra phải cao hơn hiện tại 1,5 mét. Nếu đứng ở nơi tôi đang có mặt ngay bây giờ, lẽ ra chúng ta phải bị nhấn chìm trong nước đến 1 mét hoặc 1 mét rưỡi. Nhờ vào các máy bơm nước, chúng tôi vẫn có thể dẫn nước từ sông để tưới tiêu cho các cánh đồng, nhưng tình hình đang nghiêm trọng hơn, vì mực nước sông vẫn tiếp tục giảm vài centimet mỗi ngày.”

Ông ANDREA BANDIERA, nông dân: “Hạn hán đã thực sự hiện rõ, chứ không còn là một giả thuyết nữa. Lúa mì của chúng tôi bị hạn hán nghiêm trọng, ngũ cốc cũng vậy, nên sản lượng hiện tại chỉ bằng một nửa so với dự kiến. Chúng tôi không thể kiếm sống với mức thu hoạch như vậy. Tình hình với ngô thì khá hơn, vì hiện tại chúng vẫn có thể chống chịu được, nhưng còn tùy vào khu vực trồng trọt. Ví dụ như ở đây, mạch nước ngầm ở quá sâu, thì mùa màng vẫn bị mất hết. Có tưới nước cũng không cải thiện được tình hình. Lẽ ra chúng tôi phải tưới nước liên tục từ tháng 5 đến tháng 8, nhưng do chi phí quá cao nên đành phải dừng lại. Bên cạnh việc thiếu nước, chúng tôi cũng không có đủ các công cụ để đảm bảo dẫn nước từ sông vào ruộng.”

Nhiều khu vực tại Italia đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời huy động nguồn lực tài chính để đối phó với khủng hoảng nguồn nước. Trong khi đó, các hiệp hội nông nghiệp dự báo, sản lượng nông sản năm nay sẽ sụt giảm mạnh tại các vùng trồng chủ chốt. Nguy cơ thiếu lương thực trong tương lai đã thực sự hiển hiện trước mắt.

NHẬT BẢN: ẨM THỰC TRUYỀN THỐNG TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA THỜI TIẾT CỰC ĐOAN

Để thưởng thức mì soba ngon đúng điệu thì đây là gia vị không thể thiếu – wasabi. Tại nhà hàng này, thực khách sẽ được phục vụ 1 miếng wasabi sống. Trước khi ăn, cần phải nghiền wasabi vào nước chấm như thế này. Với vị hăng, cay nồng, wasabi tạo nên sự cân bằng cho các món ăn truyền thống của Nhật Bản. Tuy nhiên, nhà hàng này hiện đang lo ngại khó có thể phục vụ wasabi tươi cho thực khách trong tương lai, do nguồn cung loại cây gia vị này đang ngày càng khan hiếm. 

Ông NORIHITO ONISHI, đơn vị vận hành Nhà hàng mì soba Sojibo: “Trước đây, tất cả các phần mì soba đều được phục vụ kèm với một miếng wasabi tươi, nhưng hiện nay, chúng tôi không thể đảm bảo như vậy nữa. Sự thật là, do nguồn cung wasabi khan hiếm, mà chúng tôi đã phải thay đổi cả thực đơn của mình. Wasabi tươi chỉ được phục vụ kèm theo một vài món ăn cụ thể mà thôi.”

Nhà hàng mì soba Sojibo đã hoạt động tại Nhật Bản trong 30 năm qua. Vào thời điểm mới mở cửa, nguồn cung wasabi khá dồi dào. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm trở lại đây, ban quản lý nhà hàng đã chứng kiến nguồn cung wasabi sụt giảm ở mức chưa từng thấy. Nguyên nhân được cho là các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến môi trường sinh trưởng của loài cây đặc biệt này. 

Ông NORIHITO ONISHI, đơn vị vận hành Nhà hàng mì soba Sojibo: “Chúng tôi rất muốn phục vụ wasabi tươi kèm theo mọi phần ăn cho khách hàng như trước đây. Nhưng do nguồn cung quá hạn chế, bởi tác động của nhiều yếu tố, trong đó có biến đổi khí hậu và hiện tượng ấm lên toàn cầu, chúng tôi buộc phải thích nghi. Có như vậy, chúng tôi mới tránh được cảnh hoàn toàn cạn kiệt wasabi để phục vụ thực khách.”

Ông Masahiro Hoshina, 70 tuổi, là nông dân trồng wasabi tại Nhật Bản. Trang trại wasabi của ông nằm tại Okutama, một khu vực miền núi phía Tây thủ đô Tokyo. Ông cũng là Chủ tịch Hiệp hội Nông dân trồng wasabi tại đây. Với ông Hoshina, mối lo lớn nhất là thiệt hại nặng nề vào mùa mưa. 

Ông MASAHIRO HOSHINA, nông dân trồng wasabi: “Gần đây, những cơn bão dường như diễn biến khác hẳn trước kia, do tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Bão ngày càng mạnh hơn. Gió cũng mạnh lên và mưa liên tục trút xuống khi có bão.”

Cây wasabi chỉ sinh trưởng tốt khi được trồng ở khu vực nước trong, mất tới 18 tháng để sinh trưởng toàn diện. Bão Hagibis đổ bộ vào Nhật Bản năm 2019 đã cuốn trôi nhiều diện tích trồng wasabi tại địa phương. Do ảnh hưởng của bão lũ, mưa lớn, sản lượng thu hoạch wasabi năm 2020 đã giảm gần 70%. Những nông dân trồng wasabi tại đây đã mất tới 3 năm để phục hồi sau thảm họa. 

Ông MASAHIRO HOSHINA, nông dân trồng wasabi: “Khu vực trồng wasabi của người hàng xóm của tôi đã hóa thành sông. Nhiều tảng đá lớn lăn xuống từ trên núi đã hoàn toàn phá hủy ruộng wasabi. Tác động của cơn lũ là rất nặng nề. Trận bão đổ bộ đúng vào tháng 10, vốn là thời điểm chúng tôi sắp thu hoạch wasabi. Vì cơn bão đó mà hầu hết wasabi của chúng tôi đã bị cuốn trôi hoặc bị vùi dưới cát.”

Không chỉ vậy, các hiện tượng thời tiết cực đoan còn đang diễn ra song song với quá trình già hóa dân số tại Nhật Bản. Điều này đang đẩy nhiều nghề truyền thống tại Nhật Bản đến bờ vực biến mất, trong đó có cả nghề trồng cây mù tạt. 

Ông MASAHIRO HOSHINA, nông dân trồng wasabi: “Không gì có thể đảm bảo rằng một trận bão kinh hoàng khác sẽ không xảy ra trong tương lai và điều này làm chúng tôi vô cùng lo lắng. Ngoài ra còn có nguy cơ thiệt hại do động vật gây ra. Số lượng nông dân trồng wasabi cũng đang giảm dần. Vùng trồng wasabi thường ở khu vực nông thôn, tôi e rằng nhiều nông dân trồng wasabi sẽ bỏ nghề do tuổi cao sức yếu, và sẽ ngày càng có ít người chọn lựa công việc này.”

Phó Giáo sư KYOKO YAMANE, Đại học Gifu, Nhật Bản: “Hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể được coi là một trong nhiều yếu tố đang ảnh hưởng đến việc sản xuất wasabi. Khi nhiệt độ nước tăng lên, lượng ôxy giảm xuống sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây wasabi. Lượng tuyết phủ bị giảm xuống cũng có tác động gián tiếp, khi mà các loài động vật có thể dễ dàng tiếp cận và tàn phá các cánh đồng wasabi. Bên cạnh đó, thiệt hại từ lũ lụt do mưa bão cũng xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, khiến cho người nông dân khốn đốn.”

Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Nhật Bản năm 2020 cho thấy, sản lượng wasabi đã giảm đáng kể, chỉ còn chưa đến 50% so với năm 2005. Trong khi khó có thể tưởng tượng được, nền ẩm thực truyền thống của Nhật Bản sẽ ra sao nếu thiếu đi hương vị của wasabi. 

Không chỉ wasabi, mà một nguyên liệu quan trọng khác trong ẩm thực Nhật Bản cũng đang rơi vào tình cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. Đó chính là cá katsuo – hay cá ngừ vằn. 

Trong suốt 50 năm qua, ông Takeo Nakajo làm nghề đánh bắt cá ngừ để kiếm sống. Lênh đênh trên biển suốt hàng chục năm qua, đánh bắt số lượng cá ngừ vằn nhiều không đếm xuể, thời gian gần đây, ông Nakajo và các ngư dân tại Kure, tỉnh Kochi, tây nam Nhật Bản nhận ra những con cá đánh bắt được có những đặc điểm khác lạ chưa từng thấy. Đó là chúng có nhiều mỡ một cách bất thường. 

Ông TAKEO NAKAJO, ngư dân: “Những con cá ngừ chúng tôi đánh bắt được gần đây rất nhiều mỡ. Trước đây, thịt cá rất nạc, hầu như không có mỡ. Nhưng năm nay, cá thay đổi rất nhiều.”

Đây là khung cảnh tại chợ đầu mối, đặt ngay tại cảng cá, đầu mối mua bán cá katsuo. Con cá nào càng nặng và càng nạc thì càng được bán với giá cao. Cá nhiều mỡ thường không được ưa chuộng bằng. Theo người dân địa phương và các chuyên gia, những thay đổi của cá katsuo chính là tín hiệu báo động biến đổi khí hậu. 

Cá katsuo sinh trưởng ở vùng biển nhiệt đới Thái Bình Dương, sau đó di cư lên phía bắc theo dòng hải lưu ấm áp vào mỗi mùa xuân. Và vùng vịnh Kochi được xem là ngư trường màu mỡ nhất để đánh bắt loài cá này. Nhiệt độ trung bình ghi nhận năm 2015 tại vịnh đã tăng 2 độ C trong vòng 4 thập kỷ. Nhiệt độ tăng cao có thể khiến cho nguồn thức ăn của cá ngừ trở nên dồi dào hơn, và khiến loài cá này béo lên. Tuy nhiên, về lâu dài, sự ấm lên của nước biển có thể khiến cho lớp nước giàu khoáng chất không thể nổi lên trên bề mặt, dần đến giảm số lượng các sinh vật phù du và cá nhỏ. Khi ấy, cá katsuo sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu thức ăn, dẫn đến nguy cơ suy giảm về số lượng. 

Nhu cầu ngày càng tăng, cộng với việc đánh bắt quá mức cũng đang đe dọa loài cá này. Ngư dân tại Kochi sử dụng phương thức đánh bắt truyền thống, tức là dùng cần câu để câu cá, chứ không sử dụng các lưới đánh cá quy mô lớn. Số lượng cá sụt giảm khiến cho việc câu được cá ngày càng trở nên khó khăn hơn. 

Ông HIROYUKI UKEDA, nhà khoa học nông nghiệp, Phó Chủ tịch Đại học Kochi, Nhật Bản: “Có một thực tế không thể phủ nhận là chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của sinh vật phù du tại các khu vực ven biển đang cạn kiệt. Cá katsuo thường ăn sinh vật phù du, bởi vậy nguồn thức ăn của chúng đang trở nên khan hiếm hơn. Hiện tượng ấm lên toàn cầu thực sự là lý do khiến cho sản lượng đánh bắt cá sụt giảm, vì cá katsuo không di chuyển tới khu vực này nữa. Khai thác quá mức, cùng với biến đổi khí hậu đã tạo ra tình trạng khan hiếm như hiện nay.”

Cá katsuo còn là nguyên liệu chính để sản xuất katsuobushi. Cá ngừ được sấy khô và lên men, sau đó được bào ra thành những lát mỏng. Katsuobushi được sử dụng để phủ lên các món ăn truyền thống của Nhật Bản hoặc để nấu nước dùng. 

Do cá katsuo khan hiếm, nên số lượng nhà sản xuất katsuobushi tại Kochi cũng giảm mạnh. Nhà hàng Tsukasa, một nhà hàng nổi tiếng hàng trăm năm tuổi tại Kochi, là nơi cảm nhận được ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ vấn đề này. Nhà hàng này chuyên phục vụ món cá katsuo được đánh bắt tại địa phương theo phương pháp câu truyền thống, nhằm đảm bảo hương vị tươi ngon. Các món sashimi chế biến từ cá katsuo là món ăn được yêu thích nhất tại đây. 

Ông KOSUKE KITAMURA, Quản lý Nhà hàng Tsukasa: “Sản lượng cá katsuo bắt đầu giảm từ 20 năm trước và giờ đây, ngày càng khó mua cá katsuo hơn. Tôi nghĩ rằng sản lượng hiện tại chỉ bằng khoảng 30% so với 20 năm trước, hoặc bằng khoảng 20% so với sản lượng 30  năm về trước. Hiện tại, chúng tôi chưa gặp phải khó khăn đến mức không có cá katsuo để phục vụ trong các bữa ăn. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai gần. Nếu tình hình như hiện nay tiếp diễn, thì cá katsuo có thể biến mất. Nền tảng của ẩm thực Nhật Bản là nước dùng được nấu từ katsuobushi, tức là cá ngừ khô được bào mỏng. Nếu không có cá katsuo, sẽ rất khó để nấu được các món ăn đậm bản sắc Nhật Bản. Điều này khiến tôi vô cùng lo lắng.”

Số liệu thống kê từ chính phủ Nhật Bản cho thấy, lượng cá katsuo đánh bắt được ở Kochi hiện này hiện chỉ bằng ¼ so với mức kỷ lục ghi nhận hồi những năm 1980. 

Ẩm thực Nhật Bản vốn được coi là một trong những nền ẩm thực độc đáo và giàu bản sắc nhất thế giới. Khó có thể tưởng tượng được rằng, nhiều món ăn truyền thống của xứ sở mặt trời mọc có thể đối mặt với nguy cơ biến mất vĩnh viễn, nếu không có những hành động quyết liệt và kịp thời nhằm chặn đứng hiện tượng biến đổi khí hậu. Ngăn chặn nguy cơ ấm lên toàn cầu, kiềm chế những hiện tượng thời tiết cực đoan, giờ đây, đã trở thành nhiệm vụ mang tính sống còn của mọi quốc gia trên toàn thế giới.

Kim Ngọc