Nhìn từ Hà Nội |Số 1|: “Mạng xã hội đa quốc gia - Nhập gia tùy tục”

Facebook – mạng xã hội lớn nhất hành tinh, đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong gần 20 năm qua. Trong chương trình Nhìn từ Hà Nội hôm nay (14/5), chúng ta sẽ cùng nhìn lại động thái của Quốc hội, nghị viện, chính phủ các nước, cũng như người dùng để tạo nên màn “đảo chiều” ngoạn mục trước các mạng xã hội đa quốc gia.

Facebook – mạng xã hội lớn nhất hành tinh, đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong gần 20 năm qua. 

Lần đầu tiên trong lịch sử, số lượng người dùng Facebook hàng ngày sụt giảm, từ 1,93 tỉ người trong quý 3/2021 xuống còn 1,929 tỉ người trong quý 4/2021.

Lợi nhuận quý 4/2021 của Meta, công ty mẹ Facebook, sụt giảm 8%, giá cổ phiếu lao dốc 23%, vốn hóa của Meta bốc hơi 230 tỷ USD - con số chưa từng có tại thị trường chứng khoán Mỹ.

Nhưng đây dường như chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Facebook liên tục dính vào các vụ bê bối, kiện cáo, tranh cãi về chính sách, và các phiên điều trần trước Quốc hội. 

Từ châu Âu, châu Phi, Mỹ Latin, cho đến châu Á, dòng hashtag #DeleteFacebook và lời kêu gọi tẩy chay mạng xã hội này đang lan nhanh như một cơn lốc.

Đã đến lúc Facebook hay các mạng xã hội đa quốc gia phải tìm cách thích ứng với yêu cầu tại từng khu vực, từng quốc gia. 

MẠNG XÃ HỘI ĐA QUỐC GIA – NHẬP GIA TUỲ TỤC

Những con số mà chúng ta vừa xem cho thấy một sự “đảo chiều” trong “quyền lực” giữa chính quyền các nước và người dùng với các mạng xã hội đa quốc gia mà điển hình nhất là Facebook. Chúng ta từng chứng kiến sự tự tin của của ông chủ Facebook Mark Zuckerberg trong các phiên điều trần ở Quốc hội Mỹ và thái độ “dửng dưng” trước những lời kêu gọi tẩy chay từ người dùng. Thực tế cho thấy, dù trải qua bê bối lộ lọt thông tin người dùng nhưng chưa bao giờ Facebook đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng về lượng người dùng hàng ngày. Bởi vậy, việc sụt giảm lượng người dùng như hiện nay là dấu hiệu cho thấy, Facebook không còn là “bất khả xâm phạm” và điều đó đặt ra cho các mạng xã hội đa quốc gia như Facebook yêu cầu về việc phải thích ứng với những yêu cầu cụ thể của chính quyền, người dùng của từng khu vực, quốc gia; hay nói cách khác là phải biết “nhập gia, tuỳ tục”. 

Trong chương trình Nhìn từ Hà Nội hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhìn lại động thái của Quốc hội, nghị viện, chính phủ các nước, cũng như người dùng để tạo nên màn “đảo chiều” ngoạn mục trước các mạng xã hội đa quốc gia. 

Tham gia cùng chương trình của chúng ta có: 

- Ông Bruno Sivanandan – Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số Eurocham 

- Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam

Không phải bây giờ, các nước mới lên kế hoạch để quản lý các mạng xã hội đa quốc gia. Châu Âu, khu vực có nhiều mạng xã hội hoạt động đã nghiên cứu các giải pháp để quản lý hoạt động của các mạng xã hội trong nhiều năm qua. Mới đây, Nghị viện Châu Âu đã thông qua Đạo luật về Thị trường Kỹ thuật số, đạo luật dự kiến sẽ có hiệu lực trong thời gian tới khi các nước thành viên thông qua. Để hiểu rõ hơn những tác động động của Đạo luật này tới các nền tảng mạng xã hội đa quốc gia. 

CÂN BẰNG QUYỀN LỢI NGƯỜI DÙNG VÀ HÃNG CÔNG NGHỆ

Liên minh châu Âu EU được đánh giá là khu vực tiên phong trong việc đưa ra các quy tắc nhằm điều chỉnh các dịch vụ kỹ thuật số, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả công ty công nghệ đồng thời bảo vệ quyền lợi của người dùng. Cụ thể hoá hành động của mình, EU đã ban hành Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA).

Ông SIMON KOLLERUP, Bộ trưởng Công nghiệp Đan Mạch: “Chúng tôi cần những quy định này và chúng tôi đã cần chúng trong nhiều năm nay. Đây là một cột mốc quan trọng trong nền dân chủ để có thể giành lại quyền lực cho tương lai của các xã hội mà chúng ta đang sống”.

Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) nhằm đưa ra định hướng buộc các công ty công nghệ phải có trách nhiệm hơn đối với các nội dung trên nền tảng của mình, tạo ra một không gian kỹ thuật số an toàn hơn cho người dùng và các công ty. Trong các vấn đề cốt lõi mà đạo luật này hướng tới giải quyết có việc mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ và nội dung bất hợp pháp trực tuyến cũng như các hệ thống thuật toán khuếch đại sự lan truyền của thông tin sai lệch, thù địch.

Bà CHRISTEL SCHALDEMOSE, Nghị sỹ của Nghị viện châu Âu: “Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số giờ đây có thể trở thành tiêu chuẩn vàng đối với các quy định kỹ thuật số, không chỉ ở châu Âu mà trên toàn thế giới. Các quốc gia công nghệ lớn như Mỹ hay Trung Quốc đang theo dõi sát sao những gì Liên minh châu Âu đang thực hiện.”

Trong khi đó, Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) đưa ra quy tắc rõ ràng cho các nền tảng lớn - với danh sách những hành động "Được" và "Không được" làm - nhằm siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh của các "gã khổng lồ" trong ngành công nghệ như Amazon, Meta, Facebook, Alphabet,Google, Apple và Microsoft, ngăn các “ông lớn” này áp đặt các điều kiện không công bằng lên doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

Ngoài ra, xu hướng đánh thuế đối với các tập đoàn công nghệ cũng đang diễn ra trên toàn cầu, nhằm “vá lỗ hổng” trong hệ thống thuế quốc tế và lập lại sự công bằng cho các loại hình doanh nghiệp. Trong đó, Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp thuế đối với các “đại gia” công nghệ. Mức thuế là 3% đối với tổng doanh thu hàng năm của các công ty công nghệ lớn đang cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng tại Pháp. Ngoài Pháp, nhiều nước tại châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore, và một số quốc gia tại châu Mỹ - Latin như Chile, Mexico, cũng đang cân nhắc đưa ra các động thái tương tự.

Được kỳ vọng là công cụ để người dùng chia sẻ thông tin. Thế nhưng, Facebook lại bị cáo buộc là thúc đẩy những nội dung kích động, bài trừ vaccine, gián tiếp thao túng, tăng tương tác cho những nội dung gây tranh cãi, xói mòn đạo đức theo các tài liệu Facebook bị rò rỉ. Không chỉ vậy, có bằng chứng cho thấy, Facebook không chú trọng bảo vệ trẻ vị thành niên, đối tượng dễ bị tổn thương trên mạng xã hội. Điều này khiến người dùng nghi ngờ việc Facebook có những động thái nhằm trốn chạy khủng hoảng đạo đức sau vụ “Facebook Papers/ Tài liệu Facebook”.     

FACEBOOK VÀ CUỘC TRỐN CHẠY KHỦNG HOẢNG ĐẠO ĐỨC

Cuối tháng 10/2021, Facebook – mạng xã hội lớn nhất hành tinh với gần 2 tỷ người dùng, phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trên diện rộng và được đánh giá là khốc liệt nhất trong lịch sử gần 20 năm tồn tại của công ty.

Ngày 22/10/2021, một nhóm 17 tổ chức tin tức của Mỹ bắt đầu xuất bản một loạt câu chuyện - được gọi chung là “Các tài liệu Facebook/ Facebook Papers” - dựa trên hàng trăm tài liệu nội bộ của công ty rò rỉ bởi Frances Haugen, cựu nhân viên của Facebook. 

NHỮNG CHI TIẾT ĐỘNG TRỜI

Facebook Papers tiết lộ, Facebook đã tạo điều kiện cho việc phát tán những tin bịa đặt, đặc biệt là những tin về vaccine trong đại dịch COVID-19.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí đã lên tiếng chỉ trích những mạng xã hội như Facebook bởi nó thúc đẩy những tin bịa đặt.

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: “Hãy nhìn đi, đại dịch duy nhất mà chúng ta đang có là ở những người chưa tiêm vaccine – và đó là lí do tại sao những mạng xã hội đang giết người."

Không chỉ vậy, Facebook còn là mảnh đất màu mỡ cho những phát ngôn thù ghét, độc hại. 

Điều gây chấn động nhất trong hồ sơ Facebook là ảnh hưởng của Instagram – mạng xã hội do Facebook sở hữu, tới tâm lí của trẻ vị thành niên. Nghiên cứu nội bộ của Facebook chỉ ra rằng cứ 3 trẻ vị thành niên nữ ở Mỹ, thì có 1 trẻ cảm thấy tồi tệ hơn về cơ thể của mình khi xem Instagram. Instagram được xây dựng dựa trên việc thúc đẩy các so sánh xã hội, đề cao những giá trị về tiền bạc, sắc đẹp và thành công của con người. Những trẻ em mới lớn thì lại càng nhạy cảm với điều đó.

Sự phát triển của các mạng xã hội trong thời đại ngày nay là tất yếu. Thế nhưng, có một điều cũng là tất yếu đó là việc quản lý các mạng xã hội nhằm đảm bảo đặt lợi ích của người dùng làm trọng tâm. Trong bối cảnh internet xoá nhoà ranh giới biên giới giữa các quốc gia, cộng đồng thì việc các mạng xã hội đa quốc gia phải tạo ra các phiên bản để phù hợp với các quy định của từng nước, từng nhóm người dùng là tất yếu. Nếu không “nhập gia tuỳ tục” các mạng xã hội sẽ sớm bị loại bỏ khỏi các cộng đồng.

Đinh Giang