Nhìn từ Hà Nội |Số 6|: Tạo động lực phát triển ngành điện ảnh - góc nhìn từ chuyên gia quốc tế

Điện ảnh không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là một phần của ngành công nghiệp văn hóa. Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó công nghiệp điện ảnh được xác định là một trong những ngành quan trọng.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 15/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) với 449/467 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Luật gồm 8 Chương, 50 Điều quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý Nhà nước về điện ảnh.

Không chỉ thu hút sự tham gia thảo luận của các Đại biểu Quốc hội, mà thông qua nhiều hội thảo, tọa đàm, nội dung của Luật Điện ảnh (sửa đổi) còn nhận được sự đóng góp ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà làm phim - đạo diễn, diễn viên và các tổ chức, cá nhân khác trong lĩnh vực điện ảnh. 

Quy định về chính sách của Nhà nước đối với phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; Thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển tài năng điện ảnh; Kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng; Duy trì Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là một số nội dung nhận được đánh giá cao tại Luật Điện ảnh (sửa đổi). 

Bà NGÔ THỊ BÍCH HẠNH - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bình Hạnh Đan: “Tôi hy vọng rằng sau khi luật ra sẽ có những văn bản nhanh hơn, gần hơn để hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp. Ví dụ như quy định giấy phép cho doanh nghiệp sản xuất phim để Việt Nam trở thành phim trường lớn của điện ảnh Việt Nam và thế giới, thì các thủ tục cấp phép để quay phim, cho doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài thông thoáng và đơn giản hơn.”

Bà DƯƠNG CẨM THÚY - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh: Chúng tôi rất mừng. Từ cơ sở của luật đó là bệ phóng để điện ảnh nước nhà phát triển và trở thành một nền công nghiệp văn hóa, đem lại nhiều hiệu quả, nhiều lợi ích cho khán giả xem phim, có nhiều phim để xem; cho người làm nghề có điều kiện để phát triển nghề nghiệp và đào tạo được đội ngũ làm điện ảnh hùng hậu để kế thừa cái tốt dẹp của điện ảnh trong quá khứ, theo kịp châu lục và thế giới, đó là điều chúng tôi rất mong đợi.”

Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Cần tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc, phù hợp với xu thế đổi mới và tăng cường hội nhập quốc tế. Đây là tư tưởng xuyên suốt, định hình những sửa đổi, bổ sung trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua.  

Trên thực tế, làm thế nào để vừa quản lý chặt chẽ, vừa tạo động lực cho ngành điện ảnh phát triển, làm thế nào để vừa bảo vệ, thúc đẩy điện ảnh trong nước, lại vừa mở rộng cửa trước những cơ hội hợp tác quốc tế là thách thức không hề nhỏ với Việt Nam. Các quốc gia trên thế giới có những quy định cụ thể như thế nào trong lĩnh vực điện ảnh? 

Ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng lắng nghe những chia sẻ của một chuyên gia đến từ nước Pháp, vốn là một trong những quốc gia có nền điện ảnh giàu bản sắc và lâu đời nhất thế giới. Xin trân trọng giới thiệu: Ông JÉRÉMY SEGAY - Tùy viên Nghe nhìn khu vực (Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar & Thái Lan), Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

Mời quý vị khán giả cùng theo dõi chương trình!

Kim Ngọc