Nhìn từ Hà Nội: Tác động đa chiều từ các lệnh trừng phạt Nga

Ngày 21/2/2022, Tổng thống Nga ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine. Ngay sau đó, Nga bắt đầu hứng chịu “cơn bão” trừng phạt. Các lệnh trừng phạt càng trút xuống dồn dập hơn sau khi Nga tuyên bố tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, ngày 24/2/2022.

Trước thời điểm này, Nga đứng thứ 2 trong số các quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, sau Iran.
Chỉ 10 ngày sau khi chiến sự bùng nổ tại Ukraine, Nga trở thành quốc gia hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất, với hơn 2.700 lệnh trừng phạt được mới được áp đặt.

Đến nay, đã có 9.202 lệnh trừng phạt mới được áp đặt đối với Nga kể từ thời điểm 22/2, nâng tổng số biện pháp trừng phạt lên con số gần 11.900, gấp hơn 3 lần số lệnh trừng phạt của Iran.

Theo trang cơ sở dữ liệu Castellum.ai, chuyên theo dõi các biện pháp trừng phạt toàn cầu, Thụy Sĩ đứng đầu trong số các quốc gia trừng phạt Nga, tiếp theo đó là Mỹ, Canada, Anh và EU.

Phần lớn các lệnh trừng phạt chống lại Nga tính từ ngày 22/2 là nhằm vào các cá nhân với 7.638 lệnh cấm vận, trong khi đó có 1.467 lệnh cấm vận nhằm vào các thực thể, thường là các công ty hoặc cơ quan chính phủ như: Đóng băng dự trữ ngoại tệ của Nga; Loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT; Cấm tàu và máy bay Nga; Hạn chế xuất khẩu một số công nghệ tiên tiến; Áp lệnh cấm vận đối với dầu và than của Nga; Hơn 1.200 công ty nước ngoài không còn hoạt động tại Nga.

Cùng bàn luận về vấn đề này với chúng ta ngày hôm nay, xin trân trọng giới thiệu: Đại sứ NGUYỄN QUANG KHAI - Chuyên gia bình luận các vấn đề quốc tế.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!