Những cam kết lịch sử tại Hội nghị Biến đổi khí hậu COP 26

Các nhà khoa học tin rằng các thảm họa thiên nhiên năm 2021 mới chỉ là sự khởi đầu, bởi trái đất sẽ tiếp tục nóng lên và thời tiết khắc nghiệt, thảm họa thiên nhiên có thể tiếp tục hình thành. Tuy nhiên, chúng ta có quyền hy vọng vào 1 tương lai tươi sáng hơn, bởi công tác khí hậu trên thế giới đã xuất hiện tín hiệu tích cực.

Ngày 31/10/2021, Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã chính thức khai mạc ở Glasgow (Anh). Sau quá trình đàm phán kéo dài quá hạn chót hơn 24 tiếng, 197 nước tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã đạt được những tiến bộ nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đồng ý thông qua Hiệp ước Khí hậu Glasgow nhằm giữ cho mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt ở 1,5 độ C.

Tổng thư ký Liên hợp quốc ANTONIO GUTERRES: "Khoa học đã chỉ ra rõ ràng. Chúng ta biết phải làm gì. Trước tiên, chúng ta phải duy trì mục tiêu 1,5 độ C. Điều này đòi hỏi tham vọng lớn hơn và hành động cụ thể ngay lập tức về giảm thiểu 45% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030. Chúng ta không nên ảo tưởng. Nếu không đạt được các cam kết khí hậu, các quốc gia cần xem xét lại các kế hoạch và chính sách khí hậu của mình. Không phải sau mỗi 5 năm, mà phải là hàng năm, từng ngày từng giờ, cho đến khi đạt được mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C”.

Không giống như các hội nghị trước đây, COP 26 có thể không thể hiện sự thành công bằng một Hiệp ước mới hoặc một "chiến thắng lớn", mà tìm kiếm những chiến thắng nhỏ hơn nhưng quan trọng về các cam kết cắt giảm khí thải, tài chính khí hậu và đầu tư. Tuy vậy, sự hiệu quả của các cam kết sẽ chỉ được đánh giá dựa trên việc có duy trì được mục tiêu 1,5 độ C hay không.