• 1819 lượt xem
  • 01:49 04/02/2022
  • Xã hội

Những người giữ lửa nghề kim hoàn thủ công ở Cần Giuộc

Trải qua thời gian, nghề kim hoàn với cách chế tác thủ công tinh tế từ đôi bàn tay người thợ đang dần nhường chỗ cho ngành kim hoàn hiện đại. Tuy vậy, tại ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, nhiều hộ gia đình với nhiều thế hệ vẫn đang gìn giữ nghề truyền thống với những sản phẩm kim hoàn thủ công.

Tính đến nay đã 36 năm, ông Đặng Hồng Sơn, ngụ tại ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An theo nghề kim hoàn truyền thống của gia đình. Với sự khéo léo, thông minh cộng với tính cần cù, ham học hỏi, sau nhiều năm, ông Sơn đã thực hiện được những sản phẩm thủ công tinh xảo.

Ông Đặng Hồng Sơn, Xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An: “Cái nghề này nè, do mình yêu nghề, mình khoái nghệ thuật, mình đã đeo đuổi theo nó. Theo tui cái nghề này có thể nuôi sống và phát triển tốt. Theo như thời đại bây giờ phát triển nếu mà mình vừa có máy móc, vừa có kỹ thuật phát triển, cộng với yêu nghề, cộng với nguồn vốn tốt thì vẫn phát triển tốt và có thể ăn nên làm ra”.

Trải qua mấy chục năm làm nghề, từ những ngày mới tập làm sản phẩm đơn giản cho đến khi thành công, điều khiến ông Sơn tự hào nhất là truyền nghề lại cho các con và các lớp học trò đến theo học.

Ông Đặng Hồng Sơn, Xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An: “Ở đây học trò vô ra cũng nhiều, nếu ở ngoài cũng cả chục đứa á. Hiện tại giờ có một đứa con gái lớn vẫn theo nghề này. Thứ hai nữa là đứa con trai út làm bên công nghệ, bên thiết kế nữ trang”.

Anh Nguyễn Văn Phương, Xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An: “Tới nay tính ra là 23 năm theo nghề, cũng dự định là theo nghề luôn, không bỏ nghề. Khó khăn thì nó cũng có khó, mà dễ thì cũng có dễ nhưng quan trọng là tâm huyết của mình là yêu nghề để làm được và theo nghề để làm nghề này thôi”.

Còn cơ sở ông Trịnh Hoàng Long lựa chọn lối đi riêng, tập trung vào các sản phẩm thủ công tinh xảo với mẫu mã tự thiết kế và có độ khó cao. Phía sau mỗi bộ trang sức, những sản phẩm lấp lánh là công phu, là tỉ mỉ, là vất vả của người thợ để "thổi hồn" vào từng sản phẩm.

Ông Trịnh Hoàng Long , Xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An: “Cũng yêu nghề, ráng duy trì tới đâu hay tới đó, nhưng chắc cũng không đến nỗi. Thấy mấy nghề khác cũng bỏ nhiều, nghề này chắc phải chạy theo. Ví dụ như thị trường tới đâu thì mình theo tới đó, chắc được”.

Trên địa bàn huyện Cần Giuộc, nghề chế tác kim hoàn (nghề bạc) đã xuất hiện cách nay khoảng 80 năm, tập trung chủ yếu tại ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành. Nguyên liệu chế tác bằng vàng và sau này chuyển sang làm bằng bạc với các sản phẩm như dây chuyền, vòng đeo cổ, vòng tay, nhẫn đính hạt, bông tai... theo yêu cầu của người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Châu, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An: “UBND huyện đã hỗ trợ để thành lập tổ hợp tác để các hộ làm nghề có thể kết nối trong sản xuất, tiêu thụ cũng như kết nối kỹ thuật với nhau. Khi trước dịch thì nguồn nguyên liệu dồi dào, đời sống bà con cũng rất ổn, thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên tình hình ảnh hưởng của dịch Covid - 19 thì việc sản xuất khó khăn hơn”.

Vừa qua, UBND tỉnh Long An có quyết định số 2388 công nhận nghề truyền thống chế tác kim hoàn tại ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc. Nghề chế tác kim hoàn truyền thống đã trải qua nhiều thăng trầm và đang đứng trước nguy cơ mai một. Những người thợ kim hoàn như ông Sơn, ông Long đang nỗ lực từng ngày "thổi hồn" vào từng sản phẩm để giữ lấy nghề truyền thống./.

Hữu Bình