Những người lưu giữ hương say núi rừng

Đối với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, rượu cần là lễ vật, sản vật có mặt mọi lúc, mọi nơi trong đời sống văn hóa xã hội. Rượu cần khi thì giữ vai trò là lễ vật dâng lên các thần linh, giao tiếp với các đấng siêu hình. Lúc lại là phương tiện chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, giao kết tình duyên đôi lứa, cho đến khi con người mất đi.

Dù sử dụng trong dịp nào, tục uống rượu cần cũng vẫn là một nét văn hóa đẹp trong đời sống tinh thần của đồng bào nơi đây. 

Ở Tây Nguyên trước đây gia đình nào cũng biết làm rượu cần, nhưng tỷ lệ pha chế cho một ché rượu lại là bí quyết riêng chỉ được phép truyền trong mỗi nhà. Chính vì thế mà không rượu nhà ai giống nhà ai, do rượu được tạo ra bởi những hương vị khác nhau của từng gia đình.

Gần 10 năm nay chị H’juel được mẹ chồng truyền lại cho cách làm rượu cần truyền thống của gia đình mình. Chị là một trong số ít những người trẻ của dân tộc M’nông giữ được đam mê với nghề truyền thống này.

Ché rượu thơm ngon, đậm đà bản sắc dân tộc M’nông là sản phẩm của một quá trình dài đúc kết kinh nghiệm, tâm huyết, từ khâu chọn lọc nguyên liệu đến nấu, ủ rượu và bảo quản. Đặc biệt ủ men từ các loại lá là công đoạn quan trọng và phức tạp nhất trong quá trình nấu rượu cần. Làm sao để ché rượu có đủ vị cay cay, đắng đắng rồi ngọt ngọt mới thành công. Để phục vụ nhiều đối tượng khách hàng hơn, chị H’juel đã nghiên cứu nhiều loại gạo khác nhau và hương vị cay, ngọt theo yêu cầu riêng của khách.

Ngoài “dâng cúng thần linh”, uống rượu cần còn biểu hiện đầy đủ tính tập thể của cộng đồng, lòng mến khách của gia chủ. Khi uống rượu, nam nữ có thể múa hát, những người già kể chuyện cổ tích, trường ca, sử thi bên đống lửa và những ché rượu cần. Uống rượu cần là một nét văn hóa đẹp trong đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên từ xưa đến nay và những gia đình như chị H’juel vẫn cần mẫn gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Phúc Hân