Những năm gần đây, ở “Thiên đường mây” Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, có khá nhiều bạn trẻ ghé thăm để khám phá, trải nghiệm. Và thật thú vị là trong số những người trẻ ấy, một số bạn đã lựa chọn “bỏ phố lên rừng”, ở lại Tà Xùa, hướng dẫn người dân bản địa cùng làm du lịch.
Đôi vợ chồng trẻ Huy và Nhung đã rời xa thành phố Hà Nội lên trên này gần 2 năm để lập nghiệp. Ban đầu, họ gặp không ít khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ với người dân bản địa. Bây giờ thì quen rồi. Những người dân địa phương được họ thuê về phụ giúp, hướng dẫn cách làm du lịch.
Anh NGUYỄN ĐỨC HUY, Chủ Homestay Haus Meej, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La: “Bà con thì thu nhập và cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nên lên đây mình cũng muốn đem lại nguồn thu, rồi bà con sẽ tiếp xúc nhiều hơn với việc làm kinh tế nhất là làm du lịch”.
Anh MÙA A XUA, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La: “Trước kia chưa có các Homestay và lúc đấy cuộc sống gia đình tôi chưa có du lịch thì mức thu nhập của tôi chỉ 4 -5 triệu 1 tháng. Nhưng từ khi có các Homestay đến đây, mở du lịch thì thu nhập của tôi hơn 10 triệu 1 tháng. Tôi cảm thấy rất hài lòng với công việc này và đặc biệt thu nhập của tôi ổn định hơn nhiều”.
Nghĩa là một trong những người dưới xuôi lên vùng núi non hùng vĩ Tà Xùa với quyết tâm góp phần thay đổi vùng đất khó. Homestay của anh luôn là địa chỉ tin cậy và làm hài lòng khách lưu trú. Bình quân mỗi tháng cơ sở của anh đón khoảng 500 lượt khách.
Chị PHẠM HUYỀN, Du khách đến từ Hà Nội: “Ở đây là vùng đất rất là nên thơ và em cảm thấy vùng đất này khá là đáng sống vì không khí rất là trong lành, con người thân thiện. Đặc biệt sự phục vụ của Homestay rất chu đáo. Các anh chị ấy nhiệt tình vì thế đây là điểm cộng và chúng em rất hài lòng khi lựa chọn Homestay này để nghỉ trong những ngày qua.”
Anh BÙI MINH NGHĨA, Cơ sở Pơ Mu Homestay, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La: “Khi tôi bắt đầu lên trên này thì tôi lưu giữ lại những căn nhà cũ của người Mông. Đặc biệt là những ngôi nhà họ đã dựng sẵn. Tôi cũng phát triển những căn nhà xung quanh bằng gỗ cho thân thiện với môi trường và giữ cây, giữ cối chứ không can thiệp bê thông nhiều.”
Hiện tại khu “Thiên đường mây” Tà Xùa có khoảng gần 30 Homestay đa phần là người dưới xuôi lên xây dựng. Họ đã mạnh dạn bỏ phố lên rừng và đang từng bước đánh thức tiềm năng du lịch của vùng đất này.
Ông BÙI NGỌC THẮNG, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La: “Tuyên truyền cho người dân là song song với phát triển du lịch là phải giữ gìn cảnh quan, môi trường và phát triển 1 cách bền vững. Đặc biệt là bản sắc văn hóa dân tộc chúng tôi phải chú trọng giữ gìn”.
Những người trẻ bỏ phố lên rừng đã khiến vùng đất hoan sơ nhiều tiềm năng này được đánh thức. Những đám mây Tà Xùa không còn bay vô định mà đã trở thành thứ “đặc sản” để Tà Xùa hút khách. Địa phương này đang phấn đấu từ nay đến năm 2025 sẽ đón khoảng 300.000 lượt khách đến thăm.