Những phát ngôn ấn tượng ngày 31/5: Sức ép của các bà vợ phải làm thật nhiều tiền, đấy có phải là bạo lực không?

Quốc hội đã kết thúc 1 ngày làm việc hiệu quả, với nhiều ý kiến góp ý xác đáng vào các dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Sau đây, chúng ta cùng đến với một số “phát ngôn ấn tượng” trong ngày làm việc 31/5.

Bà PHAN THỊ MỸ DUNG -  Đại biểu quốc tỉnh Long An: Chồng đi làm về nhà nhưng im lặng suốt, không nói gì cả hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo, rồi “giận cá chém thớt”, giận dỗi vô cớ …. làm cho đối tượng bị tác động khủng hoảng về mặt tâm lý, cũng là hành vi bạo lực gia đình…..”.

Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Đôi khi mấy ông tôi biết ngồi trà dư tửu hậu với nhau, rồi bảo vợ thế này thế kia rồi, rồi bảo nhau sao không về tát cho nó một cái cho nó im lìm. Ví dụ là thế. Việc mô tả các hành vi bạo lực gia đình được coi là bình thường là không được”.

Ông NGUYỄN HẢI DŨNG - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Nam Định: Do định kiến với người nghiện rượu bia thôi, chứ chưa chắc người nghiện rượu bia là người bạo lực gia đình”.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG - Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch: “Đề nghị góp ý thêm: nhận diện như vậy, lựa chọn 18 hành vi, nêu rõ như này thì rất khó để làm, xin các đại biểu từ góc độ tiếp cận góp ý thêm, nhất là về bạo lực tinh thần. Sức ép của các bà vợ làm thật nhiều tiền, đấy có phải là bạo lực không?”.

Bà HOÀNG THỊ THANH THUÝ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: “Cần đặt lại các biện pháp răn đe, chứ cứ hoà giải thì vẫn gặp khó khăn diễn ra nhiều năm qua. Những vụ việc phát hiện trong thời gian qua, hoà giải chỉ ở biện pháp mâu thuân nhỏ, do vậy chúng ta nên xử pháp, răn đe, muốn bạo lực thì nhìn tấm gương để ngăn ngừa, xử phạt nghiêm minh..”.

Ông LÊ HOÀNG ANH - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: "Đây là Isavi trên nhãn hiệu, trên bao bì và trên sản phẩm thì nhầm lẫn ngay với Inax, nó không liên quan gì đến bản chất, chất lượng và nguồn gốc địa lý. Mong rằng cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu vấn đề này để hoàn thiện dự thảo luật."

Ông TRẦN CÔNG PHÀM - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: “Một là quyền đặt tên tác phẩm, quyền đứng tên, quyền bút danh, quyền công bố tác phẩm, tự mình công bố hay cho người khác công bố. Mấy quyền này không phải là quyền nhân thân. Tôi đề nghị xem lại theo quy định của Luật Dân sự, đây không phải quyền nhân thân mà có chăng là quyền của tác giả đối với tác phẩm của mình”.

Ông PHẠM VĂN HOÀ -  Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Vừa qua có sự đáng tiếc đã xảy ra trong sự kiện thể thao quốc tế về quốc ca, đó là sự vi phạm tôn nghiêm của quốc gia chúng ta. Cho nên, việc cấm tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, không ngăn chặn, cản trở, phổ biến sử dụng Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca là rất cần thiết".