Những "quyết sách đặc biệt" trong "hoàn cảnh đặc biệt" của Quốc hội khoá XV

Một năm qua, hoạt động của Quốc hội khóa mới ghi dấu ấn đậm nét về sự đổi mới, linh hoạt và những quyết sách nhanh chóng, kịp thời, chưa có tiền lệ. “Bối cảnh đặc biệt cần phải có quyết sách đặc biệt”. Khẳng định của người đứng đầu Quốc hội - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cho thấy QH nỗ lực không ngừng, vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân.

Bắt đầu nhiệm kỳ mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, ngay trong Kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30 với phần lớn nội dung đề cập các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Việc Quốc hội trao quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ vào từng nhiệm vụ cụ thể sẽ cho phép Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ linh hoạt, giải quyết nhanh những vấn đề có thể chưa có quy định của luật, nhưng cần thiết để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân.

Ông BÙI HOÀI SƠN, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Những nghị quyết khi chúng ta ban hành đều có những tính toán cụ thể. Đây là những lĩnh vực ưu tiên. Việc triển khai càng sớm, càng nhanh, càng tốt, càng hiệu quả trong đời sống xã hội sẽ giúp cho công cuộc đổi mới được thực hiện tốt hơn".

Cũng với tinh thần chống dịch như chống giặc, đặt sức khỏe, tính mạng và cuộc sống của người dân lên trên hết, trước hết, UBTVQH ban hành Nghị quyết 268 cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Ông LÊ VĂN KHẢM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: “Quốc hội và đại biểu Quốc hội đồng thuận giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số giải pháp, trong đó có cả những giải pháp chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, chưa mạnh mẽ hoặc khác với văn bản hiện hành nhưng cần thiết để ứng phó dịch bệnh”.

Chị LÊ THỊ HUYỀN, Quận Hà Đông, Hà Nội: “Mấy tháng rồi không bán được hàng. Cũng khó khăn, chỉ trông chờ vào đồng lương của cháu và trợ cấp của Nhà nước. Nhờ Đảng và Nhà nước hỗ trợ cho 2 mẹ con được 1,5 triệu, cũng thấy ấm lòng".

Bà ĐỖ MINH LOAN, Trưởng phòng LĐTB&XH quận Hà Đông, Hà Nội: “So với Nghị quyết 68 và Nghị quyết 42 của năm ngoái thì có nhiều điểm thay đổi, đặc biệt là việc đơn giản hơn thủ tục hồ sơ, trình tự thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét duyệt, hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động kịp thời hơn.”

Ngay sau đó, Nghị quyết số 03 của UBTVQH15 về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp ra đời, và gói hỗ trợ trị giá 38.000 tỷ đồng gần như ngay lập tức đi vào cuộc sống.

Ông PHÙNG TRUNG ĐỨC, Giám đốc điều hành Công ty Đầu tư và phát triển Khai Tuệ: “Không ai đảm bảo là doanh nghiệp có thể tồn tại, không bị phá sản. Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp này là một quỹ dự phòng cho chính người lao động để khi xảy ra tình huống bất lợi cho người lao động thì mình có nguồn quỹ hỗ trợ đời sống người lao động"."

Chị NGUYỄN HOÀNG HỢP, Quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội: “Số tiền không thực sự lớn nhưng với chúng tôi, những người bị giãn việc trong năm qua thì là sự động viên".

Có thể nói, hàng loạt các quyết sách đặc biệt, lần đầu tiên được áp dụng đã ra đời, hỗ trợ kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.  

Bích Hạnh